Tiền Giang: Nông sản lại gặp khó

Việc TP. Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách mức độ cao trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 23-8, đã khiến chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhiều đơn vị cung ứng nông sản cho hệ thống phân phối tại TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng không tránh khỏi khó khăn chung.

RAU MÀU KHÓ TIÊU THỤ

Những ngày qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tại nhiều địa phương, nhiều loại nông sản có giá rất thấp, khó tiêu thụ. Trong khó khăn chung, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất rau, trái cây trên địa bàn tỉnh dù bị ảnh hưởng, nhưng vẫn ổn định sản xuất nhờ liên kết tiêu thụ với các đối tác, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh. Điều này giúp nông dân tham gia vào HTX ổn định đầu ra, bảo đảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, từ ngày 23-8, TP. Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách mức độ cao để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, một số HTX sản xuất rau, trái cây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ do nông sản gặp khó khi vào thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Rau màu hiện khó tiêu thụ.

Rau màu hiện khó tiêu thụ.

Hệ lụy dẫn đến là không ít HTX phải giảm sản lượng tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, hiện rau của HTX không thể xuất đi TP. Hồ Chí Minh do địa phương này siết chặt việc giãn cách xã hội. Việc yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khiến việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị cũng bị ảnh hưởng.

“Hiện HTX chưa biết tính sao với số rau còn tồn ngoài ruộng, chỉ có nước cho từ thiện. Trong giai đoạn nửa tháng này, có thể HTX sẽ ngưng hoạt động. Trước đó, mỗi ngày HTX cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày từ 5 - 6 tấn rau các loại, giờ thì ngưng luôn. Trước giờ việc tiêu thụ nông sản chủ yếu là tạo kết nối tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, chứ đâu có nơi nào tiêu thụ nhiều đâu” - ông Nguyễn Thanh Quang bày tỏ.

Cũng theo đại diện một HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện Gò Công Tây, sau khi có thông tin sẽ siết chặt giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, các chuỗi siêu thị ăn hàng rất mạnh, số lượng tăng nhiều lần so với ngày thường. Tuy nhiên, kể từ ngày 23-8, tất cả các chuỗi tiêu thụ nông sản đều bị ảnh hưởng. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ của HTX chỉ đạt 20% - 30% so với tuần trước, với đầu mối liên kết tiêu thụ chủ yếu là siêu thị, cửa hàng tiện ích.

TÌM CÁCH HỖ TRỢ

Còn tại huyện Cái Bè, những ngày qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ ký kết hợp đồng với các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh nên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A (xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) vẫn hoạt động ổn định.

Theo ông Ngô Văn Bé Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A, hiện HTX có hơn 50 thành viên, chủ yếu sản xuất cam và ổi để cung cấp cho thị trường tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, HTX đang cung cấp trái cây cho hệ thống Vinmart, Saigon Petro, Tiki… Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đối tác tại TP. Hồ Chí Minh khoảng từ 2,5 đến 3 tấn cam, ổi, với giá ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 23-8, sản lượng cung cấp cho các đối tác giảm rất mạnh. Cụ thể, trong ngày 23-8, HTX chỉ xuất được khoảng 700 kg cam, ổi cho hệ thống cửa hàng Vinmart. Theo ông Ngô Văn Bé Em, sản lượng trái cây cung cấp giảm là do ảnh hưởng từ việc TP. Hồ Chí Minh siết chặt việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Điều này dẫn đến việc vận chuyển, tiêu thụ trái cây của HTX bị chậm.

Tiêu thụ trái cây cũng khó khăn hơn trước.

Tiêu thụ trái cây cũng khó khăn hơn trước.

Nhìn một cách tổng thể hơn, thông tin thống kê của ngành chuyên môn cho thấy, những ngày gần đây tình hình tiêu thụ nông sản có phần khó khăn hơn, thậm chí có đơn vị phải tạm ngưng giao hàng. Ảnh hưởng rõ nét nhất là đối với nhóm hàng rau màu. Nếu như những ngày trước đây sản lượng tiêu thụ tăng rất đáng kể nhờ nhu cầu tiêu thụ của thị trường TP. Hồ Chí Minh, nhưng gần đây lại quay đầu giảm. Thống kê sơ bộ cho thấy, hầu hết các hợp tác xã rau đều giảm sản lượng từ 60% - 80% so với trước đây. Nếu tình trạng này còn kéo dài, khả năng tồn đọng nhóm hàng này cũng rất lớn.

Tình hình tiêu thụ nhóm hàng trái cây cũng có những nét tương đồng. Hiện tại cũng có HTX cung ứng trái cây phải tạm ngưng hoạt động, nhưng cũng có đơn vị hoạt động bình thường nếu hàng hóa cung ứng cho khách hàng ở thị trường nằm ngoại ô TP. Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi vào sáng ngày 24-8, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, Sở đã nắm được thông tin về tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh những ngày qua và cũng thường xuyên liên hệ với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

M. THÀNH - A.P

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202108/tien-giang-nong-san-lai-gap-kho-933168/