Tiền Giang: Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng lan tỏa mạnh mẽ

Những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' ở tỉnh Tiền Giang được triển khai rộng khắp với nhiều cách làm hay và sáng tạo. Trong đó, việc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) quần chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từ đó xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới.

Giao lưu CLB Đờn ca tài tử xã Tân Đông - xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.

Giao lưu CLB Đờn ca tài tử xã Tân Đông - xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.

Những năm qua, phong trào VHVN quần chúng huyện Gò Công Đông phát triển rộng khắp với nhiều nhân tố tích cực. Hằng năm, ngoài việc biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và địa phương, huyện còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như: Giao lưu đờn ca tài tử; tổ chức Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, Hội thi Tiếng hát người cao tuổi, phối hợp biểu diễn tuyên truyền phục vụ cơ sở kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc và Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Xã Tân Đông là địa phương được đánh giá tốt trong việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Những năm qua, phong trào VHVN quần chúng trên địa bàn xã phát triển mạnh mẽ, xác định được tầm quan trọng của việc phát triển phong trào VHVN quần chúng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và đóng góp, ủng hộ phong trào. Có thể nói, phong trào VHVN ở xã Tân Đông ngày càng được quan tâm phát triển phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, không chỉ từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân địa phương, mà còn gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội ngày nay.

Trong đó, tiêu biểu là việc duy trì hoạt động câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử hơn 10 năm qua. Với sự nhiệt tình, tâm huyết, các thành viên trong CLB đã không ngại vất vả, vừa tích cực tập luyện, có mặt đầy đủ trong các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng và các hoạt động VHVN của địa phương, vừa kêu gọi, vận động những người có cùng sở thích tham gia hoạt động.

Còn tại huyện Cai Lậy, thời gian qua, cùng với các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, huyện đã quan tâm phát triển phong trào VHVN, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh. Trong mỗi năm, huyện đã duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan đờn ca tài tử, cải lương, đàn hát dân ca, tuyên truyền ca khúc cách mạng, văn nghệ quần chúng... thu hút công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia.

Các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, chương trình được dàn dựng công phu với nhiều điểm nhấn, tạo không khí vui tươi, sôi nổi chào mừng các ngày lễ lớn, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Cùng với đó, huyện đã khuyến khích các CLB, đội, nhóm thành lập và duy trì sinh hoạt, tạo sân chơi đa dạng, hấp dẫn.

Hiện nay, 11/11 huyện, thị, thành phố của tỉnh Tiền Giang đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh. Cùng với đó, toàn tỉnh có 139 Trung tâm Văn hóa truyền thanh cấp xã được xây dựng với trang thiết bị tương đối đầy đủ; có 392 Nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định. Đây được xem là tiền đề vững chắc để các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển phong trào VHVN.

Theo đó, để phát triển phong trào VHVN quần chúng, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án 3488 của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Qua đây, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động VHVN như: Giao lưu đờn ca tài tử, văn nghệ thiếu nhi, sinh hoạt các CLB sở thích….

Qua đó, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHVN quần chúng tại cơ sở phải đối mặt với một số khó khăn nhất định, trong đó khó khăn lớn mà nhiều địa phương của tỉnh đang gặp phải là nguồn kinh phí hiện nay để phát triển phong trào còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu. Bên cạnh đó, hoạt động ở một số nơi chưa được quan tâm, nội dung, kịch bản kém chất lượng, chỉ mang tính hình thức, ít thu hút người xem…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao chất lượng các hoạt động phong trào, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác VHVN ở các địa phương; đồng thời thực hiện hiệu quả các nội dung, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác VHVN. Bên cạnh đó, các cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích, xây dựng cơ chế hoạt động nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế các CLB, đội nhóm VHVN.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án 3488 của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” về cơ sở.

VHVN là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, mong rằng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, phong trào VHVN quần chúng trong thời gian tới sẽ phát triển sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân.

V.PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/tien-giang-phong-trao-van-hoa-van-nghe-quan-chung-ngay-cang-lan-toa-manh-me-1018084/