Tiền Giang: Quyết không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 44 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 22 trường hợp tử vong, tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, với số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

SXH ĐANG VÀO MÙA

Tại Tiền Giang, SXH là dịch bệnh lưu hành địa phương và đã trải qua những trận dịch lớn gần đây vào các năm 2004, 2007, với hơn 12.000 trường hợp mắc và 12 trường hợp tử vong. Hiện nay, đang là mùa mưa nên điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh SXH sinh sôi. Tình hình dịch SXH hết sức phức tạp và đã có ca tử vong do SXH. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần ý thức tự giác diệt muỗi, lăng quăng tại nhà và môi trường xung quanh để loại trừ mầm bệnh SXH.

Xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy có 95% hộ gia đình được giám sát có ký cam kết và được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các biện pháp tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy có 95% hộ gia đình được giám sát có ký cam kết và được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các biện pháp tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống SXH.

Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang, trong tuần 23, toàn tỉnh ghi nhận 195 ca mắc SXH, tăng gần 19 % so với tuần trước và tăng 374,5% so với tuần cùng kỳ của năm 2021. Nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 1.000 ca, tương đương so với cộng dồn cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 62 ổ dịch SXH ở 10/11 huyện, thành phố, thị xã và đã được các

địa phương xử lý. Cái Bè hiện là huyện có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, với 332 ca, kế đến là huyện Cai Lậy 170 ca, huyện Châu Thành 149 ca. Với 11 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Tân Phú Đông là nơi có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh và chưa ghi nhận ổ dịch.

Với mục tiêu chung là bảo vệ cộng đồng khỏi các bệnh do muỗi truyền, sau khi thu thập ý kiến đồng thuận của đại diện 1.080 hộ gia đình vào tháng 2-2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý cho triển khai Dự án Thả muỗi vằn mang Wolbachia ra các địa bàn thuộc các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 của TP. Mỹ Tho để giúp ngăn chặn sự lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người do muỗi vằn truyền, bảo vệ cộng đồng khỏi bệnh SXH.

Qua 11 tuần, dự án đã thả được trên 2.600 viên trứng muỗi vào cốc. Kết quả giám sát 100 điểm thả của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và 250 điểm thả của CDC Tiền Giang cho thấy, số lượng lăng quăng trong cốc đạt theo kế hoạch; xét nghiệm muỗi đến tuần thứ 6 sau thả muỗi (từ ngày 25-4 đến 1-5) tỷ lệ đạt trên 24% muỗi nhiễm Wolbachia ở 8 phường.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang cho biết, tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sự xuất hiện ca bệnh và tử vong ngay từ đầu năm, với 2 ca tử vong đều là bệnh nhi, 1 ca ở huyện Cái Bè và 1 ca ở TX. Cai Lậy.

Trong tuần qua, Tiền Giang có số ca mắc SXH vượt đường cong chuẩn. Trong đó, có 5 đơn vị cấp huyện số ca mắc trong tuần vượt đường cong chuẩn là các huyện Tân Phước, Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè, TX Cai Lậy và 45 đơn vị cấp xã có số ca mắc vượt đường cong chuẩn. Các đơn vị gồm huyện Chợ Gạo, TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây và TP. Mỹ Tho số ca mắc vượt đường trung bình chuẩn và 23 xã thuộc 9 huyện vượt đường trung bình chuẩn. CDC Tiền Giang đề nghị địa phương có các xã vượt đường cong chuẩn và đường trung bình chuẩn theo dõi và xử lý dịch theo quy định.

Tại các địa phương, chính quyền các cấp đã chỉ đạo thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc kéo giảm chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi vẫn còn chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao.

ĐẨY LÙI BỆNH SXH

Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống SXH và hưởng ứng Ngày ASEAN Dengue Day. Tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành Y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12 (ngày 15-6-2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh SXH”.

Nhằm tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Tiền Giang khuyến cáo mỗi người dân tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng, chống SXH, thông qua hành động thiết thực là hãy dành 10 - 15 phút mỗi tuần để tự làm sạch nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Giám sát lăng quăng, phòng, chống SXH tại hộ gia đình.

Sở Y tế Tiền Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại địa phương, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng.

Duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường trọng điểm về SXH với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng. Xử lý triệt để các ổ dịch SXH bằng cả hai biện pháp diệt quăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành không để lây lan. Phun hóa chất chủ động, dập dịch trên các địa bàn nguy cơ có dịch.

Đẩy mạnh việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không xử lý các điểm nguy cơ trong khu vực mình quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng theo quy định của pháp luật, xem đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Tiền Giang.

Đề nghị các ban, ngành, đoàn thể có chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở về việc lồng ghép nội dung phòng, chống SXH vào nội dung sinh hoạt, truyền thông định kỳ; đồng thời, có biện pháp giám sát việc chấp hành của đoàn viên, hội viên trong tổ chức.

Đối với ngành Y tế, Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thành, thị và các trạm y tế phường, xã, thị trấn triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202206/tien-giang-quyet-khong-de-dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-953212/