Tiền Giang: Quyết liệt phòng, chống bệnh tay, chân miệng

Trong tuần 42 của năm 2023, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 572 trường hợp tay chân miệng (TCM). Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng với số mắc cộng dồn đến nay là 5.153 trường hợp, Tiền Giang có số mắc TCM đứng hàng thứ 5 trong 20 tỉnh/thành phố thuộc khu vực phía Nam (sau TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, An Giang).

Khám bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng.

Đến tuần 43 (từ ngày 23 đến 29-10-2023), trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 586 trường hợp TCM. Địa phương có số ca mắc TCM cộng dồn cao nhất là TP. Mỹ Tho 1.243 ca, huyện Châu Thành 1.070 ca… Số ca mắc gia tăng ở mức cao liên tiếp theo tuần, từ 156 ca trong tuần 35 đến 586 ca trong tuần 43. Với tình hình số ca mắc TCM ở mức cao như hiện nay, ngày 31-10, Sở Y tế Tiền Giang có Công văn 4590 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh TCM.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cử cán bộ có đủ năng lực và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch đi đến, ở lại và cùng tham gia phòng, chống dịch tại các địa bàn có số mắc TCM liên tiếp gia tăng và thường xuyên phát sinh ổ dịch. Cụ thể, trực tiếp giám sát và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM tại địa phương; phân tích, đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh TCM mà địa phương đã triển khai thực hiện nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; đánh giá hiệu quả giám sát hỗ trợ tại địa phương thông qua việc theo dõi số ca mắc TCM hằng tuần tại các địa bàn được phân công.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh TCM theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Y tế đã ban hành, rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch bệnh TCM năm 2023 trên địa bàn quản lý. Kiến nghị UBND cùng cấp bổ sung kinh phí để khống chế dịch bệnh TCM tại các địa bàn có số mắc liên tiếp gia tăng và thường xuyên phát sinh ổ dịch. Tổ chức đánh giá lại công tác phòng, chống dịch bệnh TCM mà các đơn vị đã thực hiện trong thời gian qua, phát hiện những tồn tại để kiểm soát dịch tốt hơn trong thời gian tới. Chỉ đạo các trạm y tế phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng xóm/ấp và từng nhà trẻ, trường mẫu giáo trên địa bàn quản lý để phát hiện sớm ca mắc và có giải pháp khống chế ngay.

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202311/tien-giang-quyet-liet-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-994721/