Tiền Giang: Quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án 06

Tiền Giang đã và đang quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án 06).NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Theo Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đến nay đã mang lại kết quả tích cực. Nổi bật là nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, toàn tỉnh đã triển khai 1.787 TTHC (cấp tỉnh: 1.480, cấp huyện: 217 và cấp xã: 90).

Tiến hành các thủ tục thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho công dân theo đúng quy trình, thủ tục.

Tiến hành các thủ tục thu nhận hồ sơ cấp Căn cước cho công dân theo đúng quy trình, thủ tục.

Về 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06, 11 DVC thiết yếu của ngành Công an như cấp, cấp lại, cấp đổi thẻ Căn cước công dân; đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký xe, biển số xe,… đạt tỷ lệ từ 99,99% trở lên.

Đặc biệt, thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội) đạt 100%, với số tiền phạt 2,245 tỷ đồng. Còn đối với 11 DVC thiết yếu của các sở, ban, ngành còn lại đã tiếp nhận, giải quyết trực tuyến rất cao, từ 90% trở lên.

Riêng đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thì các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đã sử dụng chức năng tích hợp thông tin cá nhân thông qua mã QR code trên Căn cước công dân để đối chiếu thông tin khách hàng khi giao dịch, làm hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay tín chấp, đẩy nhanh quá trình giải ngân.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 216/216 cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân và có trên 1 triệu trường hợp công dân sử dụng dịch vụ này trong 6 tháng đầu năm 2024; xác thực thông tin số định danh cá nhân người tham gia bảo hiểm đạt tỷ lệ 99,13%; có 236 cơ sở lưu trú kinh doanh và 4 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý lưu trú với trên 81 ngàn trường hợp…

Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, hiệu quả nhất trong thực hiện Đề án 06 là từ các mô hình triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; khám, chữa bệnh và triển khai giải pháp xử phạt giao thông, trật tự an toàn xã hội qua thẻ Căn cước công dân, ứng dụng VNeID…

“Có thể nói, khi ứng dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử thì thông tin công dân được kiểm tra nhanh chóng, chính xác, thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của công dân khi thực hiện hầu hết các giao dịch”, Thượng tá Lê Văn Trí thông tin thêm.

TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP

Theo Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, việc triển khai thực hiện Đề án 06 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC, sử dụng DVC trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như triển khai thực hiện các mô hình điểm còn chậm, chưa mang lại hiệu quả tích cực; tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến phát sinh đạt tỷ lệ cao nhưng đa số người dân chưa thể tự nộp trực tuyến hồ sơ mà phải trực tiếp đến cơ quan để được hướng dẫn nộp trực tuyến. Công tác bảo đảm an ninh an toàn thông tin đối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh còn ghi nhận nhiều lỗ hỏng có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin…

Trước vấn đề trên, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị các cấp trong việc triển khai thực hiện Đề án 06.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền về các tiện ích của Đề án 06 để người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, nhất là tuyên truyền chủ trương thực hiện DVC trực tuyến, tiện ích của tài khoản định danh điện tử VNeID; việc sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám, chữa bệnh; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt...

Đồng thời, các ngành cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan vấn đề kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ thực hiện Đề án 06.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang sẽ đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ đời sống mà không cần phải vay “tín dụng đen”; tập trung số hóa dữ liệu, thực hiện DVC trực tuyến, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ đối với các TTHC bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện.

Lực lượng Công an thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư để bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID. Đối với các cơ quan, đơn vị rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, thiết bị,… để đáp ứng yêu cầu công việc triển khai Đề án 06, bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống công nghệ thông tin của các ngành; thực hiện kết nối hệ thống Cổng DVC tỉnh với hệ thống định danh và xác thực điện tử…

Đặc biệt, các ngành, các cấp, các đơn vị tiếp tục quyết tâm tổ chức triển khai, thực hiện các “mô hình điểm” đạt hiệu quả cao để người dân thụ hưởng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử VNeID…

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202408/tien-giang-quyet-tam-thuc-hien-hieu-qua-de-an-06-1017134/