Tiền Giang: Sẵn sàng cho Lễ hội kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2020)
Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niện 80 năm năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, tỉnh Tiền Giang đã hoàn tất công tác chuẩn bị và thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa là sự kiện quan trọng để ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang về công tác chuẩn bị cho sự kiện.
PV:Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và quy mô tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa?
Đồng chí Lê Văn Dũng: Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là cuộc khởi nghĩa quật khởi, thể hiện tinh thần anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Đảng ta đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, với phương pháp đấu tranh quả cảm, chỉ bằng gậy gộc, tầm vông, giáo mác nhưng giàu lòng yêu nước, sẵn sàng bước vào cuộc chiến “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Với ý nghĩa lịch sử đó, việc tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, tôn vinh và tri ân những đóng góp to lớn của quân và dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, trong đó có tỉnh Tiền Giang; đồng thời, giúp cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cao đẹp, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
PV:Công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Đồng chí Lê Văn Dũng: Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch, kịch bản chi tiết các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa.
Theo đó, thành lập các tiểu ban: Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Tuyên truyền - Khánh tiết; Tiểu ban Lễ tân - Hậu cần…; tổ chức các đoàn cán bộ lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách là thân nhân các liệt sĩ, người có công trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp triển khai công tác chuẩn bị;
Sửa chữa, chỉnh trang Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; trang trí trong và xung quanh khu vực Khu di tích; hướng dẫn các cấp, các ngành treo khẩu hiệu tuyên truyền chào mừng Lễ kỷ niệm theo các nội dung do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn; thay đổi, bổ sung, biên tập hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày triển lãm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trong Nhà trưng bày và Nhà thờ đồng chí Nguyễn Thị Thập.
UBND huyện Châu Thành chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động phần hội; phối hợp với các ngành Y tế, Công an trực cấp cứu, bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19… Đến nay, công tác chuẩn bị, tập luyện của các ngành, các cấp đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày Lễ kỷ niệm.
PV: Tiền Giang phát động hoặc hưởng ứng hoạt động, phong trào gì hướng tới Ngày kỷ niệm này, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Văn Dũng: Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, tỉnh Tiền Giang đã đăng cai tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, chào mừng tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (viết tắt Hội thi), diễn ra tối 3/11, tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành và tại huyện Cai Lậy.
Cục Văn hóa cơ sở Bộ VH-TT&DL phối hợp với Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức hội thi, được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen vì đã tổ chức tốt hội thi. Sau hội thi này, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công Hội thi Văn nghệ quần chúng tỉnh Tiền Giang năm 2020.
Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu từ điểm cuối đường cao tốc (trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) đến các tuyến đường dẫn vào Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Quảng trường huyện Cai Lậy. Phối hợp với Trung tâm VH-TT và Truyền thanh huyện Cai Lậy và huyện Châu Thành tổ chức tuyên truyền bằng xe loa cổ động và hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa được tổ chức gồm 02 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào sáng mai (23/11) tại Khu di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Đình Long Hưng), xã Long Hưng, huyện Châu Thành; dự kiến 520 đại biểu.
Phần hội được tổ chức trong 02 ngày (21 và 22/11), với các nội dung như: Trưng bày hình ảnh, hiện vật gắn liền với sự kiện lịch sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa; tổ chức Hội thi thể thao dân tộc, chiếu phim, Đoàn Thanh niên huyện Châu Thành về nguồn cắm trại và thực hiện "Công trình thanh niên".