Tiền Giang tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn 2599/UBND-NC ngày 4-5-2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh.

Theo Công văn 2599, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công văn 1676 ngày 30-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04 ngày 17-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 22 ngày 22-1-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đối với Công an tỉnh, tăng cường công tác nghiệp vụ đối với những địa bàn trọng điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội, có tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, có nhiều mâu thuẫn trong gia đình, giữa các băng nhóm thanh, thiếu niên để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp có biện pháp phòng ngừa tội phạm. Kịp thời phát hiện các băng, nhóm tội phạm có dấu hiệu nghi vấn hoạt động phạm tội (bảo kê, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, đánh bạc) để tập trung quản lý và có kế hoạch triệt phá, ngăn chặn. Chủ động xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm giết người.

Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, chú ý khu vực, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ hung khí; ngăn chặn kịp thời các vụ việc xô xát, những hoạt động bột phát dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu trên địa bàn, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là hoạt động kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm (nhà hàng, quán bar, karaoke, quán ăn có rượu, bia), việc sản xuất, lưu hành các ấn phẩm văn hóa, sách báo, băng đĩa hình... nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; đồng thời, làm tốt công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không để các đối tượng sử dụng để gây án.

Tăng cường hiệu quả phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội (người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng “ngáo đá”, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, số mới được đặc xá, tha tù). Phát hiện, phối hợp giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là thực hiện thẩm quyền của Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh, giải quyết ban đầu tố giác tin báo về tội phạm, thẩm quyền của điều tra viên tại Công an cấp xã để góp phần phòng ngừa, xử lý tội phạm.

Phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, gắn với củng cố, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an cấp xã, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng ngừa tội phạm từ cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn cả về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nhân lực phương tiện, trụ sở; xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị. Khai thác, sử dụng đồng bộ, phát huy giá trị của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân nhằm làm tốt công tác phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng theo thẩm quyền; tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới biển chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Sở Tư pháp tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hòa giải viên ở cơ sở, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ, chính sách, quan hệ lao động, không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, góp phần làm giảm nguyên nhân xảy ra tội phạm giết người.

Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục pháp luật về tội phạm hình sự nói chung, tội phạm giết người nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng dân cư; trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền với thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động tội phạm.

Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp chưa kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm hoàn thành các thủ tục, tổ chức kết nối, triển khai xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu dân cư, loại bỏ sim rác, sim có thông tin không đúng quy định và tài khoản không chính chủ, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế. Phối hợp các địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu câu công tác cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; tổ chức có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo điểm xây dựng tổ hòa giải ở cơ sở điển hình, tiêu biểu.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây hoang mang trong dư luận xã hội, kiên quyết không để tồn đọng các vụ án giết người không rõ thủ phạm, bỏ lọt tội phạm. Lựa chọn các vụ án điểm để tập trung điều tra, truy tố và xét xử nhằm phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng và răn đe tội phạm.

Tổng hợp những khó khăn, vướng mặc trong công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người và các tội phạm có hậu quả giết người để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ. Chủ động phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở thiếu sót, bất cập... để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.

Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm giết người.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội, xóa khó, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với các nhóm đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các vấn đề xã hội sau dịch bệnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm giết người; giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo không đề phức tạp kéo dài, phát sinh hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Chủ động nắm chắc tình hình an ninh, trật tự và những vấn đề khác có liên quan đến tội phạm giết người trên địa bàn quản lý; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm của các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm cấp xã. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác chuyền hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Kế hoạch 127/KH-UBND ngày 21-8-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn cho cán bộ cấp huyện, xã, nhất là ở các địa bàn được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh lựa chọn chuyển hóa năm 2024.

Trong 3 năm (2020 - 2023), trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tội phạm giết người xảy ra 52 vụ, làm chết 54 người, bị thương 12 người. So với 3 năm trước, giảm 6 vụ, giảm 10 người chết. Điều tra khám phá 52/52 vụ, đạt 100%; bắt, khởi tố 86 bị can. Trong đó, tính chất đơn lẻ 33 vụ, có đồng phạm 19 vụ; công cụ gây án chủ yếu là hung khí nguy hiểm (súng, dao); xảy ra tại địa bàn nông thôn 32 vụ (chiếm 62%), thành thị 20 vụ (chiếm 38%).

Nguyên nhân các vụ giết người là do mâu thuẫn, thù tức xuất phát từ những va chạm, mâu thuẫn nhất thời trong sinh hoạt, quan hệ kinh tế, nợ tiên, tình ái xảy ra 44 vụ (chiếm 84,62 %); giết người do các băng, nhóm thanh, thiếu niên giải quyết mâu thuẫn, tranh giành địa bàn gây án xảy ra 2 vụ (chiếm 3,85%); giết người do người bệnh tâm thần gây ra 3 vụ (chiếm 5,77%); nguyên nhân khác 3 vụ (chiếm 5,76%).

Chú trọng xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới; duy trì, phát huy, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hoạt động hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện, tự giác tham gia.

Phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội. Thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở và các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên; bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động của các tổ hòa giải theo quy định pháp luật.

Các sở, ban, ngành khác và các đoàn thể của tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, lan tỏa những thông tin tích cực về bảo vệ an ninh trật tự đến người dân.

Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công văn này; phối hợp với các sở, ngành tỉnh liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị định kỳ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh theo quy định. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương trọng điểm có số vụ giết người tăng đột biến (nếu có) nhằm kịp thời đề xuất các kế hoạch, biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung Công văn này.

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202405/tien-giang-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-ngua-toi-pham-giet-nguoi-1011529/