Tiền Giang: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm là yếu tố mang tính quyết định, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác. Trong những năm qua, các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.

Lao động nữ ngày càng có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn với lao động, việc làm (ảnh chụp công nhân, lao động nữ đang làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).

Lao động nữ ngày càng có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn với lao động, việc làm (ảnh chụp công nhân, lao động nữ đang làm việc tại Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).

Nhằm tạo việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động cho lao động nữ, các cấp, các ngành phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thường xuyên như: Tổ chức các phiên giao dịch định kỳ tại các sàn giao dịch việc làm thuộc tỉnh; hỗ trợ người lao động tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu…

Công tác đào tạo nghề cho lao động nữ ngày càng được chú trọng. Nữ giới trong độ tuổi lao động thường xuyên được tham gia các khóa học, chương trình tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ…

Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, bao gồm: Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại (khoản 3 Điều 13).

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chia sẻ với lao động nữ và chỉ đạo các sở, ngành chức năng giải quyết những khó khăn, bất cập trong tiếp cận việc làm, thị trường cho lao động nữ.

Những giải pháp trên đã góp phần quan trọng giảm khoảng cách giới trong lao động, việc làm. Hiện tỉnh có hơn 76.000 nữ công nhân, viên chức, lao động. Riêng khu vực ngoài nhà nước, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 73% trong tổng số lao động đang làm việc ở khu vực này.

Hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp về thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ.

Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, quan tâm đến lao động nữ; thực hiện đầy đủ chính sách về thai sản, nuôi con nhỏ, bố trí công việc phù hợp, xây dựng môi trường làm việc an toàn…

Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tập trung nâng cao chất lượng. Các cấp Hội đã phối hợp các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề cho trên 10.000 lao động nữ, trên 82% số lao động sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.

Những nghề thu hút nhiều lao động nữ tham gia như: Đan lát, đan lục bình, bàng buông, may túi xách thân thiện môi trường, nấu ăn, chăn nuôi, trồng trọt... Duy trì 411 tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh do phụ nữ tổ chức quản lý điều hành, với 7.632 thành viên; giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho hơn 17.000 phụ nữ…

Phụ nữ cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các dự án, đề án, phát triển kinh tế, chương trình quốc gia xóa khó giảm nghèo, giải quyết việc làm, các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, làm nghề mới; được tham quan, học tập các mô hình về khuyến nông, khuyến công, tiếp cận thị trường...

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ngày càng được chú trọng.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ngày càng được chú trọng.

Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm đến công tác hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể xây dựng và triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo; hỗ trợ vay vốn ưu đãi của các ngân hàng, dự án tín dụng tiết kiệm; duy trì và phát triển các tổ liên kết, mô hình sản xuất, chăn nuôi sạch; tổ chức các lớp tập huấn về quản trị doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp…

Việc thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần được doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Việc bảo đảm cho lao động nữ có thể làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại là góp phần bảo đảm bình đẳng giới về cơ hội việc làm đối với lao động nữ.

Quy định này thể hiện rõ quan điểm không loại trừ phụ nữ ra khỏi các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà phải tạo điều kiện để họ được bảo vệ tốt khỏi những ảnh hưởng từ môi trường độc hại.

Với tinh thần đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định “các ngành, nghề công việc nguy hiểm, độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của phụ nữ” thay thế quy định “những công việc không được tuyển dụng lao động nữ” trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Điều này đã tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm của cả nam và nữ.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nữ như dệt may, da giày đã tăng độ tuổi lao động nữ khi tuyển dụng, một số doanh nghiệp đã đưa tuổi tuyển dụng lên 35 tuổi, cá biệt có doanh nghiệp tuyển đến 40 tuổi.

Công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động nói chung và lao động nữ tại một số doanh nghiệp nói riêng… được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Qua đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến quyền lợi của lao động nữ nhiều hơn như lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho nữ công nhân, lao động đang nuôi con nhỏ; kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân viên; tổ chức các hoạt động Công đoàn sôi nổi, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia…

Được đào tạo nghề, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của bản thân. Từ đó, vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng đi vào thực chất.

H. NGHỊ - T.H

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202411/tien-giang-thuc-day-binh-dang-gioi-trong-lao-dong-viec-lam-1025751/