Tiền Giang: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 21-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình cháy có chiều hướng tăng, nhất là tại khu dân cư, khu công nghiệp; trong quý 1 năm 2025, đã xảy ra 7 vụ cháy, làm chết 4 người, trong đó có 3 vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Quảng Việt (Khu Công nghiệp Tân Hương), Viễn thông Tiền Giang (số 01, đường Lê Lợi, phường 1, thành phố Mỹ Tho) và vụ cháy tại căn nhà số 209/3, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu phố 7, phường 4, thành phố Mỹ Tho.
Nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác phòng cháy, chữa cháy chưa cao, còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng thiết bị điện; việc tổ chức tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện, khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy,…
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ban đảng, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 19-8-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 21-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18-5-2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ),...
2. Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao theo phân cấp quản lý, nhất là các khu nhà cao tầng, hộ gia đình, khu vực đông dân cư sinh sống, các khu, cụm công nghiệp, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2 (trang bị thang dây, mở lối thoát nạn lên mái nhà hoặc sang nhà liền kề...), trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; vận động tất cả các hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và dụng cụ phá dỡ thô sơ.
Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật trên từng địa bàn, nhất là ở những nơi dễ phát sinh cháy, nổ,...
3. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tin, bài, xây dựng phóng sự tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ có nhiều người xem, nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu cho nhân dân biết, thực hiện. Kịp thời biểu dương, nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,...
4. Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường,… xử lý nghiêm vi phạm và kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện.
Thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người dân tại khu dân cư, bảo đảm 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có ít nhất 1 người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra,…
5. Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từng thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các ngành, đơn vị, địa phương được phân công phụ trách thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp phòng cháy, chữa cháy.
6. Cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kịp thời phát hiện, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền do thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
7. Giao Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nội dung Công văn này; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, tiếp tục chỉ đạo.