Tiền Giang: Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Trong những năm gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam. Tiền Giang là một trong những tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của dịch bệnh SXH.

Trước tình hình dịch bệnh SXH, Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp chủ động và tích cực nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh SXH.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệt tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra lăng quăng tại hộ gia đình ở xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệt tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra lăng quăng tại hộ gia đình ở xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành.

Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong tuần 30 (đến ngày 28-7-2024), tỉnh đã ghi nhận 19 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca nặng và không có trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 757 ca, tương đương với tỷ lệ 41 ca mắc/100.000 dân, không có trường hợp tử vong nào do SXH từ đầu năm đến nay.

Số ca mắc SXH trong tuần 30 đã giảm đáng kể so với tuần trước (29 ca) với mức giảm 34,4%. So với cùng kỳ năm 2023, tỉnh ghi nhận 53 ca mắc trong tuần 30, con số này đã giảm 64,2%. Tính tổng cộng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay (757 ca) cũng giảm 58,1% so với cùng kỳ năm 2023 (1.806 ca).

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Võ Thanh Nhơn, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, để đối phó với dịch bệnh SXH, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, bao gồm: Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về cách phòng, chống SXH như diệt muỗi, lăng quăng, giữ gìn vệ sinh môi trường; cách nhận biết các triệu chứng của bệnh SXH để kịp thời điều trị.

Định kỳ, các đội y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các nơi tập trung đông dân cư và các khu vực có nhiều ổ lăng quăng. Ngoài ra, CDC tỉnh Tiền Giang lập các đoàn giám sát hoạt động phòng, chống SXH tại các địa phương, thường xuyên kiểm tra và ghi nhận tình hình dịch bệnh, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch.

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn trong trạng thái sẵn sàng, từ việc cung cấp đủ thuốc men, trang thiết bị y tế, đến việc tập huấn cho cán bộ y tế về cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH.

Bên cạnh đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, rất cần sự chung tay của cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, thường xuyên vệ sinh nơi ở, tiêu diệt các ổ lăng quăng xung quanh nhà.

Theo CDC tỉnh Tiền Giang, hiện nay dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong nước. Trước tình hình dịch bệnh, Tiền Giang đã không chủ quan, lơ là mà đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh SXH. Sự nỗ lực của chính quyền và ngành Y tế, cùng với sự hợp tác của cộng đồng, sẽ là yếu tố quan trọng giúp tỉnh nhà vượt qua dịch bệnh SXH và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202408/tien-giang-trien-khai-nhieu-bien-phap-phong-chong-sot-xuat-huyet-1017694/