Tiền Giang trực tuyến Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
Sáng 18-5, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch thực hiện các nghị quyết.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và điểm cầu cấp huyện, cấp xã.
Tại Tiền Giang, dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ hiện đang sinh hoạt trên địa bàn TP. Mỹ Tho; các đồng chí hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh…
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề 1 Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Đại biểu dự tại Hội trường Ấp Bắc - Trung tâm Hội nghị, tỉnh Tiền Giang.
Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/ngàn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Về tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Đại biểu dự tại Hội trường Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng tập trung trình bày 5 nhóm nội dung chủ yếu: Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16-5-2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17-5-2025 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; tổ chức thực hiện.

Đại biểu dự tại Hội trường Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trình bày Chuyên đề 2: Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Chủ tịch Quốc hội đã tập trung làm rõ một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết 66; những mặt được, những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua; những nội dung trọng tâm, cốt lõi Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị, bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.

Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Đại biểu dự tại Hội trường Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị về thể chế, pháp luật, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân.
Tổng Bí thư gọi đây là “bộ tứ trụ cột chiến lược”, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Trong đó, Nghị quyết 68 xác định rõ: Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh tại Hội trường Ấp Bắc, tỉnh Tiền Giang.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, phát triển khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu kinh tế, mà còn là mệnh lệnh chính trị và chiến lược quốc gia. Đồng chí kêu gọi bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn lực và tháo gỡ các rào cản thể chế để khu vực này phát triển thực chất, bền vững. Doanh nhân Việt Nam cần được xem là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, mang trong mình khát vọng cống hiến và bản lĩnh vươn tầm quốc tế.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng lưu ý: Nghị quyết 68 nhấn mạnh vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân nhưng không có nghĩa là phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt, đưa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào năm 2045 thành hiện thực.
Bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư; đồng thời, hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết trong thời gian tới.