Tiền Giang: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
(ABO) Sáng 8-11, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Giới thiệu, công bố những kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp”.
Trong những năm qua, được sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2023, GRDP Tiền Giang tăng 5,72%, trong đó ngành Nông nghiệp đóng góp 1,48%. Nhiều mô hình sản xuất mới với công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến được áp dụng mang lại hiệu quả cao.
Nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC, FSSC, HALAL và hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản đối với vùng nguyên liệu sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Kết quả đến nay, toàn tỉnh có trên 30 cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn về ISO, HACCP, BRC, FSSC, HALAL....; trên 3.800 ha rau quả được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP; 300 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm từ rau quả với tổng công suất trên 1,7 triệu tấn/năm. Trong đó, có 30 cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn về ISO, HACCP, BRC, FSSC, HALAL...
Qua 2 năm triển khai thực hiện các chương trình, Dự án Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 3,5% đến 4%/năm, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn được áp dụng và ngày càng nâng cao.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của tỉnh như trứng chim cút, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long... đã từng bước chuẩn hóa và xuất khẩu ra thị trường thế giới như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã giúp người dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Song song đó, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là định hướng rất quan trọng, trong đó vai trò của khoa học công nghệ được ưu tiên hàng đầu và góp phần vào việc hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn được ưu tiên. Cùng với đó là đầu tư nghiên cứu, phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác chuyển giao, đặc biệt là công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành Nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trịnh Công Minh cho biết, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng.
Hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngành Nông nghiệp được triển khai đồng bộ từ công nghệ chọn tạo giống, công nghệ sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc đến công nghệ bảo quản, chế biến. Từ đó, hình thành các hệ thống mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao..., góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.