Tiền Giang: Xác định vùng trồng sầu riêng thích nghi, không để người dân trồng tự phát

Sáng 15-2, tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá khả năng thích nghi của cây sầu riêng trong vùng Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Đề án) và sơ kết Đề án đến năm 2022.

Quang cảnh hội thảo.

Theo Sở NN&PTNT, từ khi Đề án được triển khai thực hiện đến nay, diện tích cây trồng được chuyển đổi (chủ yếu chuyển trên đất trồng lúa) là 2.926 ha, đạt 119,1% so với kế hoạch đến năm 2022 và đạt 39,3% so với mục tiêu đến năm 2025 (7.327 ha).

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội thảo.

Trong đó, chuyển sang cây rau màu là 368 ha, cây ăn trái 2.297 ha (sầu riêng 985,29 ha, mít 730,32 ha, bưởi 26,2 ha, cây khác 554,98 ha), nuôi trồng thủy sản 261 ha.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh là 17.653 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam phát biểu tại hội thảo.

Diện tích cho thu hoạch khoảng 10.539 ha, năng suất bình quân đạt 27,8 tấn/ha, sản lượng ước đạt 293.033 tấn.

Thời gian gần đây, tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 đã phát triển mạnh cây sầu riêng. Nhiều người dân đã chuyển từ đất trồng lúa, cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng.

Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các ngành chuyên môn đã tập trung đánh giá về việc phát triển cây sầu riêng tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Quang Khôi phát biểu tại hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã phân tích đánh giá về khả năng thích nghi của cây sầu riêng tại từng khu vực trong vùng Đề án. Từ đó, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh nghiên cứu để xác định vùng phát triển cây sầu riêng thích hợp.

Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng Đề án thời gian qua rất đa dạng.

Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè phát biểu tại hội thảo.

Những mô hình, kết quả đạt được hiện đang còn hiệu quả tốt. Do đó, các địa phương trong vùng Đề án tiếp tục duy trì, tạo sự thay đổi để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy trồng xen sầu riêng với mít Thái.

Về tình hình phát triển “nóng” cây sầu riêng, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẩn trương phối hợp vối các địa phương khảo sát chi tiết để xác định vùng trồng sầu riêng thích nghi mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đảm bảo tính bền vững, chứ không để người dân tự phát.

Sau khi xác định vùng trồng phải có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng vùng. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tại các địa phương về hướng dẫn kỹ thuật canh tác sầu riêng không để nông dân thất bại…

M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202302/tien-giang-xac-dinh-vung-trong-sau-rieng-thich-nghi-khong-de-nguoi-dan-trong-tu-phat-971447/