Tiền lại vào ngân hàng

Trong tháng 2/2024, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp giảm, nhưng của khu vực dân cư lại tăng cao kỷ lục, đạt gần 6,64 triệu tỷ đồng.

Người dân tăng gửi tiền ngân hàng

Người dân tăng gửi tiền ngân hàng

Hệ lụy tiền rẻ nhìn từ khía cạnh gửi tiết kiệm

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm 2024, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng bắt đầu từ tháng 2. Cụ thể, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước đó.

Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Cụ thể, nhóm này chỉ gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm. Đà giảm tiền gửi của khối này khiến tổng tiền gửi trong hệ thống giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ đồng cuối tháng 1 xuống 13,16 triệu tỷ đồng cuối tháng 2.

Báo cáo tài chính quý I/2024 các ngân hàng cho thấy, tiền gửi của khách hàng tại 18 ngân hàng trên sàn chứng khoán vẫn tăng trưởng dương trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, LPBank là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất với mức tăng 10,4%; bên cạnh đó là BIDV tăng 1,8%, VietinBank tăng 1,2%... Mặc dù vậy, cũng có 9 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm gồm Vietcombank, MBBank, SHB, VIB, TPBank, ABBank, Kienlongbank, Saigonbank, BAC A BANK.

Nhận định về diễn biến tiền gửi của dân cư tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt tích cực là các ngân hàng luôn luôn cần tiền gửi, đặc biệt là những ngân hàng có nợ xấu cao. Lý do bởi tiền gửi dùng để cho vay đã trở thành nợ xấu nên dòng tiền không quay trở lại và khi đến hạn, người dân rút tiền, ngân hàng cần dòng tiền mới để trả cho khách hàng của mình.

Ngoài ra, trong bối cảnh các thị trường tài chính đều chưa hấp dẫn, trừ thị trường vàng, cho nên tiền gửi ngân hàng luôn là nơi an toàn nhất đối với người dân, dẫn tới tiền được “dồn” vào ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường vàng vốn có độ rủi ro rất cao nên không phải là “điểm đến” của những người “yếu tim”.

Theo TS. Hiếu, điểm không tích cực ở đây là lượng huy động vào thì lớn nhưng cho vay ra rất chậm, thậm chí không cho vay được, mà vẫn phải nhận tiền gửi của khách hàng và không thể từ chối. Lãi suất huy động đang được duy trì ở mức rất thấp một mặt nhằm hạn chế phần nào lượng khách gửi tiền, nhưng mặt khác, các ngân hàng cũng lo sợ nếu khách không gửi sẽ có rủi ro về thanh khoản cũng như ảnh hưởng tới cơ hội huy động vốn trong tương lai.

“Đây có thể gọi là hệ lụy của tiền rẻ, nhưng ở thời điểm này không theo nghĩa đồng tiền rẻ như trước đây, khi tiền của ngân hàng rẻ và người ta dùng tiền vay đó để đầu tư vào những kênh đầu tư rủi ro nhằm kiếm lợi nhuận cao. Đồng tiền rẻ ở đây là khía cạnh gửi tiết kiệm, nghĩa là người dân gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng trả cho khách hàng một tỷ lệ lãi suất tương đối thấp”, ông Hiếu phân tích.

Xuất hiện rủi ro thanh khoản

Trong bối cảnh các thị trường tài chính đều chưa hấp dẫn, tiền gửi ngân hàng luôn là nơi an toàn nhất đối với người dân, dẫn tới tiền được “dồn” vào ngân hàng.

Trong diễn biến có liên quan, khoảng thời gian đầu tiên của tháng 6/2024, nhiều ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng nhỏ, đã đồng loạt tăng lãi suất. Dẫn đầu với mức tăng lãi suất kỷ lục trong một lần điều chỉnh là ABBank. Sau 4 lần tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn trong tháng 5/2024, ngân hàng này tiếp tục tăng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn kể từ ngày 6/6/2024.

Cụ thể, với huy động trực tuyến tại kỳ hạn 1 tháng tăng 0,4%/năm lên 3,2%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,5%/năm lên 3,4%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 3-5 tháng thậm chí còn tăng mạnh hơn với mức tăng thêm 0,6%/năm, lên 3,6%/năm. Vốn đã điều chỉnh từ tháng trước nên kỳ hạn tiền gửi 6 tháng sau chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm lên 4,8%/năm và các kỳ hạn từ 7-11 tháng đồng loạt tăng thêm 0,3%/năm, lên 4,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,4%/năm lên 5,6%/năm.

Đáng chú ý, kỳ hạn từ 13-60 tháng đồng loạt tăng lên 5,7%/năm, tức tăng 1,6%/năm so với biểu lãi suất trước đó - là mức tăng lãi suất lớn nhất chỉ trong một lần điều chỉnh và cũng là mức lãi suất huy động cao nhất của ABBank sau nhiều tháng duy trì lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 4,1%/năm.

Cũng trong ngày 6/6/2024, MSB gia nhập cuộc đua tăng lãi huy động khi vừa điều chỉnh tăng tại tất cả các kỳ hạn. Biểu lãi suất huy động trực tuyến của MSB cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng thêm 0,5%/năm lên 4,6%/năm; các kỳ hạn 12-36 tháng có lãi suất mới lên đến 5,4%/năm sau khi tăng mạnh thêm 0,9%/năm.

Đáng chú ý, MSB có chính sách ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng mới không có sổ tiết kiệm tại thời điểm gửi tiền là 5,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng (cao hơn 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết ở trên); các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng có lãi suất 5,7%/năm (cao hơn 0,3%/năm). Mức lãi suất ưu đãi có thể lên đến 7%/năm dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, trong tuần cuối của tháng 5 và đầu tháng 6/2024, thanh khoản hệ thống quay lại trạng thái ổn định khiến hoạt động thị trường mở (OMO) trầm lắng trở lại và lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đáng kể so với thời gian trước đó. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm và chốt phiên giao dịch ngày 31/5/2024 ở mức 2,9%/năm, giảm 200 điểm cơ bản so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch trung bình ngày duy trì ở mức cao (khoảng 300.000 tỷ đồng/ngày) và chênh lệch lãi suất VND-USD nới rộng gần -250 điểm cơ bản.

Ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc Phân tích cấp cao, Khối Xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating cho rằng, các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng cỡ vừa đang chịu rủi ro về thanh khoản vì quy mô huy động tiền gửi thấp, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng và thiếu các tài sản có tính thanh khoản cao. Ví dụ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng nguồn vốn trong quý I/2024 của các ngân hàng này chỉ ở mức 7% so với mức trung bình ngành là 14%.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết lãi suất OMO song hành với lãi suất qua đêm liên ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn OMO có thể đóng vai trò là người cho vay cuối cùng cho các ngân hàng thương mại khi cần thiết”, ông Duy nói.

Lãi suất: Kỳ vọng sự ổn định

Thông tin về kết quả đấu thầu thị trường mở ngày 6/6/2024 được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, kỳ hạn 28 ngày có 6 thành viên tham gia và trúng thầu với khối lượng 5.800 tỷ đồng, lãi suất 4,25%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây phản ánh thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống, sau khi Ngân hàng Nhà nước chủ động rút bớt cung tiền nhằm hạn chế biến động trên thị trường ngoại tệ. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn vốn liên ngân hàng để cho vay và đảm bảo thanh khoản. Giảm bớt rủi ro, một vài ngân hàng gần như đồng loạt tăng lãi suất gửi tiết kiệm nhằm huy động nguồn tiền dự phòng cho hiện tại và tương lai”.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ cho biết, tín dụng tính đến cuối tháng này chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 5%, cả năm khoảng 15%.

“Đối với nền kinh tế, tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế ‘đầy’ trong ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng được ‘chọn’ là điểm đến đầu tư và dòng vốn chưa chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh vốn đang được nhận định nhiều rủi ro khiến nền kinh tế èo uột thêm. Đây là điểm bất lợi trong hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất nhìn từ thị trường ngoại hối, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.

Theo ông Phước, nhiều dự báo cho rằng, đến tháng 9/2024 mới có đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng có thể không phải đợi đến lúc đó, mà ngay trong tháng 7 tới Mỹ sẽ giảm lãi suất. Một yếu tố đáng quan tâm nữa là ngày 5/11/2204, Mỹ bầu cử Tổng thống, kỳ vọng của thị trường là USD phải giảm giá.

“Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ”, ông Phước nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, lãi suất điều hành sẽ đi ngang từ nay đến hết năm 2024. Còn đại diện VIS Rating kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp trong năm nay.

Ngân hàng tăng lãi suất huy động chủ yếu là để tạo ra mức lãi suất thực cho tiền gửi

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế

Trên thế giới, thường không quan tâm đến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, mà quan trọng nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hoặc lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng trung ương. Quyết định số 1123/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 quy định mức lãi suất tái cấp vốn là 4,5%/năm được áp dụng từ ngày 19/6/2023 đến nay không có nhiều giá trị về mặt phân tích nên chỉ có thể nhìn vào thị trường liên ngân hàng.

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, lãi suất qua đêm đã tăng trên 4%/năm chứng tỏ có hiện tượng ngân hàng hút tiền về chủ yếu qua con đường bán ngoại tệ và hoạt động nghiệp vụ thị trường mở chưa đáp ứng được khả năng bơm - hút nhạy cảm vừa qua. Mặc dù các ngân hàng thừa tiền, hay nói cách khác là không cho vay ra được, nhưng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đang tăng dần, dẫn đến có khó khăn về thanh khoản. Tôi cho rằng, diễn biến này căng thẳng dần lên trong lúc lãi suất đang thấp, nên các ngân hàng cần huy động và đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm. Cần chú ý, hành động của thị trường tiền tệ là hành động kỳ vọng, chứ không phải thời gian thực.

Một yếu tố nữa là, người dân sợ lạm phát có thể cao hơn, tỷ giá hối đoái cũng có thể tăng lên và thực tế đang cho thấy, lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện thấp hơn lạm phát năm (dự báo là 4%). Hay nói theo cách khác, do lãi suất huy động đang ở mức rất thấp nên các ngân hàng nâng lên chủ yếu là để tạo ra mức lãi suất thực cho tiền gửi. Song, tôi cho rằng, cho dù các ngân hàng có tăng lãi suất huy động nhưng không thể đẩy lên quá cao bởi lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo, nhưng doanh nghiệp có vay vốn đâu để tăng lãi suất. Do đó, động thái tăng lãi suất huy động vừa qua chủ yếu nhằm hút tiền của khách hàng về, mà không bị ngân hàng khác lôi kéo mất.

Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tuy tăng khoảng 1,6% nhưng tiền gửi doanh nghiệp lại giảm mạnh 4,66% so với đầu năm, dẫn tới tổng tiền gửi giảm, nên dù thừa tiền nhưng thanh khoản khó khăn là vậy. Nói một cách đơn giản, tiền gửi của doanh nghiệp phần lớn là tiền gửi thanh toán nên giúp CASA của các ngân hàng dồi dào với lãi suất bình quân thấp, thanh khoản rộng rãi… Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn nên CASA giảm sút. Đó là lý do lãi suất tiền gửi tăng bởi ngân hàng phải tính đến phương án huy động tiền từ người dân.

Nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất đầu vào đã tạo đáy trong quý II/2024

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất đầu vào đã tạo đáy trong quý II/2024, khi một số ngân hàng thương mại quy mô lớn bắt đầu nâng lãi suất huy động lên khoảng 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn, đồng thời trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm cũng duy trì ở mức trên 4%/năm trong những tuần gần đây phát đi tín hiệu về việc thanh khoản hệ thống đang thu hẹp.

Nhìn từ đây về cuối năm, tôi cho rằng, nhu cầu vốn sẽ tăng lên với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ nét hơn khi trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước - cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Hoạt động nhập khẩu cũng sôi động với mức tăng gần 30%, chứng tỏ các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho một chu kỳ sản xuất mới. Hoạt động sản xuất cũng tích cực khi Chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) liên tục đứng trên mức 50 trong nhiều tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng ước đạt 2,4% - tức là đã có chuyển biến đáng kể so với mức 1% ngày 10/4/2024 và mức 0,26% cuối tháng 3/2024.

Từ những diễn biến trên, tôi cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn có thể sẽ tăng thêm 50-70 điểm cơ bản, lên 5,1-5,3%/năm trong nửa sau năm 2024. Mức tăng này vẫn trong phạm vi hợp lý và sẽ ít tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay đầu ra trong thời gian ngắn.

Tăng lãi suất huy động để duy trì sức hấp dẫn của kênh này

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Câu chuyện lãi suất tiết kiệm tăng thể hiện diễn biến tổng hợp các thị trường trong bối cảnh vĩ mô duy trì ổn định, chúng ta thấy như sau:

Thứ nhất, diễn biến lạm phát và chuyển đổi các kênh đầu tư và tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm thời gian qua đang xấp xỉ với tỷ lệ lạm phát trong các tháng đầu năm 2024, dẫn đến nhu cầu chuyển đổi kênh đầu tư từ gửi tiết kiệm sang cất trữ vàng hay ngoại tệ để duy trì tính thanh khoản… Điều này có thể đã ảnh hưởng đến lượng tiền huy động của một số ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng chọn phương án tăng lãi suất huy động để duy trì sức hấp dẫn của kênh này.

Thứ hai, các ngân hàng cần duy trì tỷ lệ nhất định giữa tiền gửi và cho vay. Để nâng cao khả năng cho vay, các ngân hàng có thể có mục tiêu tăng khối lượng huy động thông qua biện pháp tăng lãi suất tiền gửi. Đây có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu tăng tín dụng khả quan hơn trong thời gian tới.

Thứ ba, phản ứng của thị trường trước các biến động tỷ giá và lãi suất. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã tăng mạnh trong thời gian qua và vẫn duy trì ở mức cao hơn so với đầu năm. Đây là dấu hiệu thu hẹp thanh khoản trên thị trường. Các ngân hàng bên cạnh việc cân đối nguồn vốn qua thị trường liên ngân hàng cũng có thể tăng cường huy động tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn. Tuy lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên, nhưng việc tăng lãi suất huy động sẽ làm tăng chi phí vốn của các ngân hàng, từ đó có thể gây áp lực lên lãi suất cho vay.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-lai-vao-ngan-hang-post346926.html