Tiên Lữ phát triển nhanh nông nghiệp công nghệ cao
Từ nay đến năm 2025 huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) tiếp tục thực hiện các khâu đột phá trong trong thu hút đầu tư, phấn đấu trở thành địa phương phát triển mạnh, toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp.
"Xây dựng Tiên Lữ trở thành huyện phát triển nhanh nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới". Đây là ý kiến nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ tại Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Lữ nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 14 ngày 16/8.
*Khai thác lợi thế để vươn lên
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định: với vị trí tiếp giáp thành phố Hưng Yên, có Khu Đại học Phố Hiến và các tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 38B, 39A, Đường 200, Đường nối Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ Ninh Bình, đường Đê tả Sông Luộc… huyện Tiên Lữ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn và toàn diện hơn.
Huyện cần huy động mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và các cụm công nghiệp ở các xã Thiện Phiến, Dỵ Chế, Ngô Quyền và Hải Triều, Trung Dũng, Cương Chính… Mặt khác hoàn thiện Khu Đại học Phố Hiến trên địa bàn; thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp với các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Tiên Lữ có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp với trên 5.400 ha; có 12 km sông Luộc chạy qua cùng hệ thống đầm ao, ruộng trũng. Do vậy, cần coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa tiêu chuẩn VietGap; quy hoạch các vùng chuyên canh; khai thác tiềm năng vùng bãi; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn lồng, cây có múi, hoa, rau màu; ứng dụng công nghệ mới với mô hình nhà lưới, nhà kính; nhân rộng mô hình nuôi cá sông trong ao nước tĩnh; nuôi cá bán nổi; nuôi cá lồng bè trên sông.
Chia sẻ về những bước đi trong nhiệm kỳ tới, Bí thư Huyện ủy Tiên Lữ Doãn Anh Quân cho biết, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp hàng hóa; tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết, với trọng tâm là nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới.
Huyện có kế hoạch xây dựng vùng lúa chất lượng cao 220 ha, hình thành 6 cánh đồng mẫu lớn, 7 cơ sở trồng trọt công nghệ cao, 5 vùng rau an toàn; chuyển dịch khoảng 800 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị cao. Phấn đấu thu nhập bình quân 1 ha canh 250 triệu đồng/năm; có 7/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện cũng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp về chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn gia súc, may công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sản phẩm địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Mặt khác, đẩy mạnh phát triển chợ đầu mối kinh doanh tổng hợp, mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư, kỹ thuật và khoa học công nghệ; phát triển dịch vụ các khâu sản xuất trong nông nghiệp, mạng lưới dịch vụ thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.
*Thành công từ các khâu đột phá
Ông Bùi Tiến Duy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiên Lữ cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Tiên Lữ đã đạt thành tích với điểm nhấn ấn tượng là thực hiện thành công 3 khâu đột phá. Nổi bật là phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với trọng tâm xây dựng mô hình hợp tác xã, với tổng nguồn lực huy động trên 5 tỷ đồng. Qua đó, giúp các hộ liên kết sản xuất, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.
Toàn huyện đã xây dựng được hơn 40 mô hình sản xuất hiệu quả với 36 giống lúa và 2 giống cây ăn quả, duy trì 2 cánh đồng liên sản xuất lúa giống tại xã Hưng Đạo và Nhật Tân với diện tích trên 300 ha/năm. Cùng đó lập được 3 vùng sản xuất VietGAP với diện tích 60 ha nhãn và cây có múi tại các xã Hưng Đạo, Nhật Tân, Hải Triều; chứng nhận VietGAP cho sản phẩm cho 4 hợp tác xã và 5 cơ sở chế biến thực phẩm ở các xã Trung Dũng, Minh Phượng, Cương Chính, Thiện Phiến, Đức Thắng.
Từ các vùng sản xuất nói trên đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cam, bưởi, nhãn cho thu từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm; mô hình hợp tác xã rau, cây hàng năm cho thu từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình hợp tác xã thủy sản hoặc mô hình lúa - cá cho thu từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Bội thu về nông nghiệp, Tiên Lữ cũng thành công bước đầu trong công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có gần 260 doanh nghiệp và 12 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Huyện đã được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 160 ha ở các xã Dị Chế, Ngô Quyền, Thiện Phiến, Hải Triều.
Huyện cũng coi trọng việc duy trì và phát triển 3 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề đan lờ đó thôn Nội Lăng và thôn Tất Viên ở xã Thủ Sỹ, làng nghề làm mành thôn Đa Quang, xã Dị Chế. Các làng nghề này hoạt động ổn định, thu hút trên 3.000 lao động tham gia.
Từ nay đến năm 2025 Tiên Lữ tiếp tục thực hiện các khâu đột phá trong trong thu hút đầu tư, phấn đấu trở thành địa phương phát triển mạnh, toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tien-lu-phat-trien-nhanh-nong-nghiep-cong-nghe-cao/166415.html