Tiền mã hóa và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, giám sát
Sự xuất hiện các đồng tiền mã hóa như đồng Bitcoin, Ethereum hay đồng Diem trong giao dịch và thanh toán đã, đang tạo ra những thay đổi trong quan niệm truyền thống về tiền tệ, cũng như đặt ra những thách thức đối với hệ thống thanh toán và chính sách tiền tệ quốc gia. Mặc dù, chưa được nhiều nền kinh tế chính thức công nhận là đơn vị tiền tệ trong giao dịch và thanh toán, nhưng những đồng tiền mã hóa, nhất là đồng Bitcoin, vẫn đang được giao dịch rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là cần phải làm gì trong quản lý, giám sát các giao dịch tiền mã hóa nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các giao dịch bất hợp pháp góp phần đảm bảo an ninh tài chính và hệ thống thanh toán quốc gia.
Đặt vấn đề
Các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum, Diem... còn được gọi là “tiền điện tử”, “tiền ảo”… xuất hiện trong những năm gần đây dựa trên sự phát triển của công nghệ số như: công nghệ tính toán, chuỗi khối. Theo Coinmarketcap (website theo dõi hầu hết các đồng tiền mã hóa đang được niêm yết trên thị trường), năm 2021, có khoảng 3.000 loại tiền điện tử đang được lưu hành trên toàn thế giới. Các đồng tiền này có vai trò như một phương tiện trao đổi, đầu tư thông qua internet, sử dụng các chức năng mã hóa để thực hiện các giao dịch.
Trong các đồng tiền mã hóa trên thị trường, đồng Bitcoin và đồng Diem được đánh giá là có những tác động lớn đến hệ thống tài chính của quốc gia cũng như thế giới. Sự phát triển các loại hình tiền tệ này, một mặt cung cấp các công cụ tài chính mới ra thị trường, mặt khác, do tính phi tập trung, những đồng tiền này đã và đang gây ra những thách thức không nhỏ đối với Chính phủ các nước trong thực thi chính sách tiền tệ, ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp nhằm đảm bảo an ninh tài chính và hệ thống thanh toán.
Bài viết khái quát những nội dung cơ bản về đồng Bitcoin và đồng Diem. Hai đồng tiền mã hóa đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính tiền tệ. Nhận diện những tác động của đồng tiền này đến hệ thống tài chính, bài viết đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý loại tiền tệ này trong thời gian tới.
Sơ lược về đồng Bitcoin và Diem
Bitcoin là tiền mã hóa, được tạo ra bởi một người hoặc tổ chức có biệt danh là Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo bitcoin đầu tiên hình thành trong hệ thống vào ngày 03/01/2009, bắt đầu được giao dịch trên sàn giao dịch MtGox vào tháng 6/2010 và đến năm 2013, được sử dụng để giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư.
Bitcoin được tạo ra từ các thuật toán hay còn gọi là “đào” bitcoin. Đào bitcoin là quá trình sử dụng thuật toán để tạo ra số định danh của khối (block) mới, tại thời điểm ban đầu, số tiền thưởng này là 50 bitcoin cho mỗi khối. Cuối năm 2016, phần thưởng đã giảm còn 12,5 bitcoin cho mỗi khối. Giao thức bitcoin quy định rằng, phần thưởng sẽ giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối được khai thác. Cuối cùng, phần thưởng sẽ tiệm cận tới số 0 khi số bitcoin trên thị trường đạt ngưỡng 21 triệu (tính đến năm 2021, 18,6 triệu bitcoin đã được khai thác, tương đương 88,57% so với mức tối đa 21 triệu bitcoin).
Vì vậy, số bitcoin đào được sẽ giảm dần nên công sức bỏ ra để có 1 bitcoin càng tốn kém hơn. Do bitcoin được tạo ra bởi thuật toán được thiết kế trong mã nguồn của bitcoin, nên xét về lý thuyết, không ai có thể kiểm soát việc tạo ra bitcoin, trừ khi thay đổi mã nguồn... Mỗi bitcoin về cơ bản là một tệp file máy tính được lưu trữ trong ứng dụng ví tiền điện tử, mọi người có thể gửi hoặc nhận bitcoin qua ví của họ. Đơn vị nhỏ nhất của bitcoin được đặt theo tên gọi của nhà sáng lập chính là Satoshi, 1 bitcoin bằng 100,000,000 Satoshi.
Tuy nhiên, bitcoin không chỉ dừng lại là một đồng tiền, mà còn là một mạng lưới giao dịch, trao đổi quốc tế phi tập trung hóa hoàn toàn. Bitcoin không thuộc quyền điều hành, chi phối của các ngân hàng trung ương và không có liên hệ gì với nền kinh tế thực thông qua tỷ giá như các đơn vị tiền tệ đang lưu hành hiện nay. Ẩn danh, thanh toán an toàn, nhanh chóng, chuyển tiền trực tiếp không qua trung gian, tiết kiệm thời gian và chi phí... là những đặc điểm trong giao dịch của đồng bitcoint.
Mỗi giao dịch đơn lẻ đều được ghi chép lại trong một danh sách trên sổ cái, sau khi xác nhận, giao dịch không thể đảo ngược lại, không thể chỉnh sửa hay xóa đi. Danh tính của người sở hữu hoàn toàn được ẩn, họ nhận được bitcoin trên các địa chỉ bằng các ký tự dường như ngẫu nhiên (có khoảng 30 ký tự). Giao dịch bằng bitcoin được triển khai gần như ngay lập tức và được xác nhận trong vài phút.
Diem là đồng tiền mã hóa với tên gọi ban đầu là Libra, được phát triển dựa trên sáng kiến của Facebook với mục đích giúp hệ thống tiền tệ và hạ tầng tài chính trở nên đơn giản hơn, qua đó, trao quyền quyết định cho hàng tỷ người dùng toàn cầu. Ba thành phần chính cấu tạo nên hệ thống tài chính toàn cầu của Diem gồm: (i) Xây dựng trên nền tảng blockchain bảo mật, có khả năng mở rộng và đáng tin cậy; (ii) Đồng Diem được bảo đảm bằng một kho dự trữ tài sản (quỹ tiền tệ); (iii) Đồng Diem được kiểm soát bởi một Hiệp hội độc lập phi lợi nhuận, có nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái.
Nền tảng của Diem là mã nguồn mở, được thiết kế với mục đích cho phép bất cứ ai cũng có thể phát triển các ứng dụng tài chính trên nền tảng này. Khác với đồng bitcoin, đồng Diem có giá trị được gắn với một quỹ tiền gửi ngân hàng và chứng khoán chính phủ ngắn hạn của một số các loại tiền tệ quốc tế có tính ổn định cao trong lịch sử, bao gồm đồng: USD, Bảng Anh, EURO, Franc Thụy Sĩ và Yên Nhật. Được điều hành bởi Hiệp hội Diem, Hiệp hội có nhiệm vụ duy trì quỹ tài sản này và có thể thay đổi số dư của các thành phần nếu cần thiết để bù đắp biến động giá và giữ ổn định giá trị của một Diem.
Nếu thành công đồng Diem trở thành đồng tiền chuyển đổi chung của thế giới có xu hướng ổn định vì nó được gắn với rổ tiền tệ mạnh của các nền kinh tế thực. Mọi khoản thanh toán Diem được ghi vĩnh viễn vào Diem Blockchain - cơ sở dữ liệu được xác thực bằng mật mã, hoạt động như một sổ cái trực tuyến công cộng được thiết kế để xử lý 1.000 giao dịch mỗi giây. Diem Blockchain được vận hành và liên tục được xác minh bởi các thành viên sáng lập của Hiệp hội Diem vận hành nút xác thực. Khi một giao dịch được gửi, mỗi nút sẽ chạy một phép tính dựa trên sổ cái hiện có của tất cả các giao dịch.
Xét về hình thái tiền tệ, theo quan niệm truyền thống, tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận. Bitcoin, Diem và một số đồng tiền mã hóa khác cũng có đủ 3 chức năng chính của tiền là thước đo giá trị, là phương tiện thanh toán và cũng dùng để tích trữ của cải. Tuy nhiên, các đồng tiền này không do ngân hàng trung ương phát hành như tiền giấy hay có giá trị giao dịch vật chất. Người nắm giữ nó có một mật mã là họ có quyền ngang hàng với bất kỳ ai, có thể trao đổi bình đẳng và không chịu bất kỳ tác động nào từ cơ quan quản lý.
Xét về giao dịch, tiền mã hóa có thể thực hiện trao đổi trực tiếp mà không thông qua bất kỳ bên thứ ba nào khác. Các giao dịch có thể thực hiện bất cứ lúc nào, với 1 thiết bị thông minh có kết nối Internet. Đồng thời, thực hiện các giao dịch chuyển tiền giữa các quốc gia một cách nhanh chóng và chi phí rất thấp với tính bảo mật cao. Tuy nhiên, việc sử dụng các đồng tiền này chưa được chấp nhận rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới.
Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, giám sát đồng tiềm mã hóa
Bitcoin, Diem và các đồng tiền mã hóa khác với bản chất không tập trung, xuyên quốc gia sẽ đặt ra những vấn đề về giám sát tính minh bạch và toàn vẹn khu vực tài chính. Các đồng tiền này khi được sử dụng trong các giao dịch và thanh toán, sẽ có những tác động lớn đến hệ thống thanh toán, chính sách tiền tệ, chính sách thuế của mỗi quốc gia.
Các chủ thể có thể chuyển tiền tới bất kỳ đâu trên thế giới, do vậy, việc kiểm soát loại hình tiền tệ này rất khó khăn, hiệu lực chính sách tiền tệ bị ảnh hưởng. Đây là những thách thức mà các đồng tiền mã hóa đang đặt ra đối với chính sách tiền tệ, cũng như hệ thống thanh toán của các quốc gia.
Chính vì vậy, các quốc gia hiện nay trong đó có Việt Nam cần tăng cường quản lý các đồng tiền này, nếu quản lý tốt không chỉ giúp bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế mà còn tạo điều kiện để thực thi chính sách tiền tệ an toàn, hiệu quả. Để quản lý các đồng tiền mã hóa nhằm hạn chế tác động tiêu cực đối với chính sách tiền tệ và nền kinh tế, xã hội nói chung, Việt Nam cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý, giám sát. Cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý các đồng tiền mã hóa tại Việt Nam. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg, yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam, từ đó, tháo gỡ những khó khăn trong công tác thống kê tiền tệ, quy mô thanh toán của nền kinh tế, tạo cơ sở đảm bảo sự ổn định, tính thông suốt của thị trường tiền tệ, kiểm soát được lãi suất, mức tăng trưởng tín dụng và lạm phát.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực đội ngũ quản lý. Để nâng cao hiệu quả quản lý các đồng tiền mã hóa trong dài hạn, qua đó hạn chế các tác động tiêu cực tới mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ, cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật.
Kết luận
Bitcoin, Diem là tiền mã hóa có tính phi tập trung cao, giao dịch ngang hàng và không gắn với một nền kinh tế và không chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương. Vì vậy, việc công nhận lưu thông những đồng tiền này lại đang rất khác nhau giữa các quốc gia. Với đồng Diem, hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị và cần nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng trung ương, nhưng đây là một quá trình không dễ dàng. Với đồng bitcoint, rất nhiều ngân hàng trung ương không công nhận là một loại tiền tệ và xem bitcoint là một tài sản. Do đó, họ sẽ không điều chỉnh việc sử dụng nó, nhưng sẽ cảnh báo cho công dân về những rủi ro cao khi sử dụng.
Hiện tại, các đồng tiền mã hóa không được công nhận tại Việt Nam như một loại tiền tệ hay một phương thức thanh toán. Chính vì không được công nhận nên mọi rủi ro liên quan đến đầu tư, giao dịch các đồng tiền mã hóa này sẽ không được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, về lâu dài, với sự phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin, sự hiện diện của các đồng tiền mã hóa ở Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cần xây dựng các công cụ và chính sách kiểm soát hiệu quả các đồng tiền này tránh rủi ro không chỉ cho những nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Trung Anh (2019), Tác động của tiền mã hóa Libra đối với chính sách tiền tệ, http://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-tien-ma-hoa-libra-doi-voi-chinh-sach-tien-te.htm;
2.Chính phủ (2017), Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017, phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử;
3.Phạm Xuân Hòe (2019), Bitcoin, Libra và tư duy chính sách, https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/bitcoin-libra-va-tu-duy-chinh-sach-548505.html;
4.Ngân hàng Nhà nước (2018), Chỉ thị số 02/CT-NHNN Về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.