Tiền margin 'nằm im' trong công ty chứng khoán?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, từ rất lâu, nhà đầu tư Việt Nam mới trải qua một xu hướng giảm (downtrend) kéo dài hơn 1 năm, nên đa phần đang trong trạng thái sợ hãi hơn là tham lam.
Lượng mua vào bằng vốn chủ sở hữu đã hiếm, không nói đến việc sử dụng margin. Đây là một trong những lý do khiến TTCK khó có sự bứt phá.
Nhà đầu tư Mỹ đoán đáy, đỉnh qua tỷ lệ dư nợ margin
Ông Dương Văn Chung.
Tại bất kỳ thị trường nào, lượng cho vay ký quỹ đều được xem là một chỉ báo về mặt tâm lý cho số đông giới đầu tư. Ở các thị trường phát triển, dư nợ cho vay margin được quan sát để ra quyết định theo hướng khi có sự thái quá, nhiều khả năng thị trường sẽ ở vùng đảo chiều. Cụ thể, nếu dư nợ cho vay ở mức quá cao, thị trường đã đạt ngưỡng hoặc nếu ở mức quá thấp, thị trường nhiều khả năng đã bi quan tột cùng và tạo đáy.
Do đặc điểm của mỗi thị trường khác nhau nên ngưỡng tới hạn cũng riêng biệt. Chẳng hạn, trên sàn chứng khoán New York (NYSE), tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn hóa từ năm 2010 đến này dao động trong khoảng 2 - 2,5%, khi xuống khoảng 2% thì khả năng cao là tạo đáy và theo chiều ngược lại, khi lên ngưỡng 2,5% thì xác suất cao là đạt đỉnh.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, số liệu cập nhật hàng ngày chỉ mang tính thống kê đối với từng công ty chứng khoán và không bắt buộc công bố. Thông thường, số liệu chỉ được cập nhật khi các công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý và khi đó, diễn biến thị trường đã đi qua. Do vậy, rất khó để xác định chính xác và không có căn cứ đưa ra ngưỡng đảo chiều trên ngưỡng dư nợ tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế là không ít nhà đầu tư dựa trên kinh nghiệm, sự tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau và cảm nhận cá nhân để dự báo tương đối sát ngưỡng tới hạn của thị trường.
Trong quá khứ, những suy giảm liên quan đến vấn đề giải chấp margin thường có mức độ biến động rất lớn và gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư. Hai sóng giảm nổi bật nhất những năm gần đây là thời điểm khi có dự thảo Thông tư 36/2014/TT-NHNN (cuối năm 2014) và đỉnh thị trường ở 1.200 điểm (năm 2018) đều liên quan đến hoạt động giải chấp margin. Với Thông tư 36, khi các công ty chứng khoán chưa kịp tăng vốn, quy định mới khiến lượng tiền cho vay trên thị trường giảm đi, tạo ra một cú sốc thực sự cho thị trường. Ngay sau đó, chỉ số giảm đến 21% từ mức đỉnh trong vòng 3 tháng, từ 640 điểm về sát 500 điểm.
Ðối với đỉnh TTCK năm 2018, theo khảo sát của người viết, tại các công ty chứng khoán lớn thời điểm này, room tín dụng cho các mã cổ phiếu trụ cột gần như đã đầy, đặc biệt với các mã thuộc nhóm ngân hàng. Khi dư địa margin đã hết, thị trường hụt hơi và với diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới, cuộc tháo chạy và giải chấp margin khiến thị trường giảm hơn 26% chỉ trong vòng 3 tháng.
Cuộc chơi thay đổi khi thị trường tạo đỉnh
Sau cú sập sàn từ đỉnh 1.200 điểm tháng 4/2018, TTCK Việt Nam không chỉ giảm về điểm số, mà còn lao dốc thanh khoản. Với một thị trường mà nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 80% giá trị giao dịch, sự sụt giảm trong thanh khoản đến chủ yếu từ giao dịch của nhóm nhà đầu tư này, vốn cũng được xem là thành phần nhà đầu tư chính sử dụng margin.
Khi thanh khoản kém, theo logic thông thường, dư nợ margin cũng sẽ giảm theo, tuy nhiên, thực tế không phải vậy, nhất là vào thời điểm cuối quý II/2018 đến cuối quý I/2019. Theo đó, trước bối cảnh nguồn thu từ phí giao dịch và lãi vay có thể giảm nếu chỉ tập trung cho vay với khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, các công ty chứng khoán đã có sự thay đổi chiến lược để thích nghi. Nhiều công ty chứng khoán hiện tại hướng sang cho vay tập trung vào các khách hàng, nhóm khách hàng lớn.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm các chủ doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn và tín dụng ngân hàng đang có dấu hiệu siết lại cũng lựa chọn nguồn vốn vay từ các công ty chứng khoán cho phần cổ phiếu của chính mình. Ðiều này khiến dù dư nợ cho vay tăng, nhưng lượng cho vay đến khách hàng cá nhân có giao dịch, những người ảnh hưởng lớn đến thị trường hiện tại thấp đi rất nhiều.
Hệ lụy tiền margin chuyển động chậm
Tại Việt Nam, hiện không đủ số liệu thống kê và không có định nghĩa chính thức thế nào là nhà đầu tư cá nhân lớn hay nhỏ, ít giao dịch hay nhiều giao dịch để nhìn rõ hướng chảy của dòng tiền margin hiện tại.
Tuy nhiên, quan sát từ thực tế cho thấy, đội ngũ môi giới cá nhân và các khách hàng có thói quen dùng margin cao đang rất hạn chế sử dụng công cụ này. Ðiều này khiến các cổ phiếu nóng một thời gần như mất thanh khoản, nhất là nhóm ngân hàng. Chẳng hạn, với ACB, MBB, CTG, VPB…, thanh khoản hiện tại chỉ còn 1/3 so với lúc đỉnh, dư nợ margin các cổ phiếu này rất ít.
Với góc nhìn margin thay đổi như hiện tại, góc nhìn về thị trường cũng cần có sự thay đổi. Thị trường không có margin, giao dịch kém năng động nên khó có sóng tăng hoặc giảm mạnh. Có thể thấy, ngoại trừ sóng đầu năm sau Tết âm lịch 2019, thị trường biến động tăng giảm xen kẽ đan xen, giảm theo kênh và mức biến động cũng rất thấp. Bằng chứng là thị trường giao cắt rất nhiều lần và tạo tín hiệu sai với đường trung bình di động 20 ngày, cho thấy đang bị nhiễu trong ngắn hạn.
Với lượng tiền ít, lượng margin khiêm tốn, khó có thể đẩy chỉ số chứng khoán tăng mạnh, cũng khó có hiệu ứng dây chuyển đẩy thị trường lao dốc. Trong bối cảnh như vậy, có lẽ cách giao dịch tốt nhất vẫn là mua khi giảm mạnh và bán khi quá hưng phấn. Bất kỳ sự mất kiên nhẫn nào theo cả 2 hướng mua - bán sẽ gây ra bất lợi và nhà đầu tư nên thích nghi với sự vận động này để có chiến lược giao dịch phù hợp.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, đã từ rất lâu, nhà đầu tư Việt Nam mới trải qua một xu hướng giảm (downtrend) kéo dài hơn 1 năm, nên đa phần đang trong trạng thái sợ hãi hơn là tham lam. Lượng mua vào bằng vốn chủ sở hữu đã hiếm, không nói đến việc sử dụng margin. Vì vậy, dư nợ margin hiện nay tại các công ty chứng khoán cũng sụt giảm, tuy có nhỉnh hơn so với đầu năm 2019, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh năm 2018.
Rất nhiều công ty chứng khoán đang ở trạng thái dư tiền để giải ngân margin và đều nỗ lực để gia tăng con số này, nhưng điều kiện thị trường chưa cho phép.
“Ðối với chúng tôi, thời điểm dư nợ margin thấp chính là cơ hội cho những người đang cầm tiền mặt nhiều để giải ngân và phải cảnh giác khi thị trường căng margin. Do đó, thị trường giai đoạn hiện nay tạo ra cơ hội lớn xét trong trung hạn”, ông Chung cho biết.
Giảm lãi suất, cho vay doanh nghiệp, thúc dòng tiền margin chuyển động
Bối cảnh chung thị trường ảm đảm kéo dài đã khiến không ít công ty chứng khoán suy giảm mạnh doanh thu. Ðể cạnh tranh thu hút khách hàng, một số công ty chứng khoán thậm chí miễn phí giao dịch, chỉ thu phần phí ứng trước và margin.
Một thực tế cho thấy, với dòng tiền hơn 50.000 tỷ đồng từ 30 công ty chứng khoán có nghiệp vụ margin trên thị trường, trong giai đoạn này, một số công ty lớn đã “xé lẻ” cho vay doanh nghiệp ngắn hạn để kiếm thêm nguồn thu, nhưng vẫn thông qua hợp đồng cho vay margin. Chia sẻ từ một khách hàng của công ty chứng khoán cho thấy, một số doanh nghiệp đang khát vốn nhưng cửa phát hành cổ phiếu quá khó khăn, nên lựa chọn thế chấp cổ phiếu hoặc tài sản để vay từ công ty chứng khoán.
Việc cho vay luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay các doanh nghiệp đang gồng mình chịu lãi vay lớn và kinh doanh khó khăn. Chưa kể, hoạt động của doanh nghiệp luôn phải chịu rủi ro khách quan từ yếu tố vĩ mô khó lường hết. Do đó, cách đẩy dòng tiền margin vào doanh nghiệp không phổ biến và thường các công ty chứng khoán chỉ ưu tiên khách hàng có mối quan hệ thân thiết. Qua giai đoạn khó khăn, khi nhu cầu margin cho khách hàng cá nhân tăng cao hơn, các công ty chứng khoán sẽ tập trung nguồn vốn trở lại vào hoạt động kinh doanh chính.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang nhích dần lên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên đến 14,5%. Việc có nguồn vốn cho vay dồi dào cũng là lợi thế của công ty chứng khoán.
Ðể tăng hoạt động cho vay, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng “phá giá” lãi suất để thu hút nhà đầu tư. Ðơn cử, Công ty Chứng khoán Ngân hàng VPBank (VPS) đang áp dụng mức lãi suất margin 9,8%/năm với tỷ lệ khá cao, thậm chí có những thời điểm tỷ lệ cho vay lên đến 70% với một số mã như PLX, PVD, TCB, BID... Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện miễn lãi T+2.
Một số công ty chứng khoán có nguồn vốn dồi dào từ Hàn Quốc như Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) có nhiều thời điểm chỉ áp dụng mức lãi suất margin ở mức 8,3%/năm. Nhờ nguồn vốn mới dồi dào, KBSV cũng là công ty duy nhất trên thị trường áp dụng miễn lãi margin đến 10 ngày giao dịch…
Margin mang lại nguồn thu không nhỏ đối với các công ty chứng khoán, nhất là các công ty trong Top đầu về thị phần môi giới. Thế nên, việc xây dựng cơ chế cho vay margin tại các công ty chứng khoán khá linh hoạt, không “đóng đinh” ở một quy định cụ thể, nhằm thu hút đa dạng nhà đầu tư sử dụng vốn vay.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, dù áp dụng cho vay đối với những cổ phiếu và tỷ lệ nằm trong quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng khách hàng lớn (khách VIP) được duyệt theo tỷ lệ “lỏng” hơn, tùy vào từng loại cổ phiếu và xét tại thời điểm cụ thể. Thậm chí, bằng mối quan hệ, môi giới có thể mời khách hàng tại công ty khác cầm cố cổ phiếu để vay tiền đầu tư với lãi suất thấp. Hình thức sẽ là chuyển chứng khoán đang ở trong tài khoản về thông qua mua - bán thỏa thuận, sau đó dùng số cổ phiếu đó cầm cố vay đầu tư mới.
Có thể thấy, không chỉ linh hoạt trong phương thức, các sản phẩm margin cũng được nhiều công ty chứng khoán thiết kế mới nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm giao dịch ký quỹ cho nhà đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, nhà đầu tư có sử dụng tiền vay hay không mới là yếu tố quyết định tính hiệu quả của dòng tiền margin đang chờ sẵn tại các công ty chứng khoán, cũng như khả năng thay đổi hiện trạng “trầm ngâm” của thị trường lúc này.