Tiền mặt đang trú ẩn ở đâu?
Vòng quay tiền chậm lại, tiền mặt rút khỏi lưu thông… tất cả đang trú ẩn nơi an toàn, và sẽ xuất hiện trở lại khi có cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Khi cảm nhận nền kinh tế đang thiếu tiền, chúng ta thường đổ cho tiền “chôn” vào bất động sản, hay tiền “kẹt” ở chứng khoán, trái phiếu… Tuy nhiên, đây là cách hiểu không chính xác. Có thể một cá nhân, doanh nghiệp bị chôn vốn do thị trường bất động sản đóng băng, tài khoản chứng khoán của một nhà đầu tư đang lỗ nặng, một trái chủ chưa thu hồi được nợ, nhưng trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, có người mua thì phải có người bán, có người chi tiền ra thì phải có người thu tiền về.
Cảm giác thiếu tiền do đâu?
“Khi nền kinh tế thiếu tiền mặt, chắc chắn có một bộ phận rút tiền mặt ra khỏi lưu thông và không đẩy lượng tiền mặt này trở lại lưu thông” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Có hai yếu tố tác động đến lượng tiền trong lưu thông là cung tiền và tốc độ quay vòng của đồng tiền. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan có chức năng thực hiện các chính sách tiền tệ. Thông qua nghiệp vụ thị trường mở, NHNN điều tiết tổng lượng tiền trong nền kinh tế, thu tiền về bằng cách bán ra các loại giấy tờ có giá cho các ngân hàng thương mại hoặc ngược lại bơm tiền ra thông qua việc mua lại các loại các giấy tờ có giá đã bán ra trước đó.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trên thị trường mở, NHNN thường xuyên thực hiện đồng thời cả giao dịch mua và bán. Nhưng không công khai số liệu thống kê được tổng hợp đều đặn và chính xác về số lượng giao dịch của NHNN trong một thời gian nhất định nên ngay cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng khó đánh giá, tính toán được tiền mặt trong nền kinh tế đang tăng hay giảm…
“Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu nền kinh tế thiếu tiền mặt trong tình hình nguy cơ lạm phát cao, chúng ta có thể ước đoán rằng đó là do NHNN đang hút tiền về nhằm kiểm soát lạm phát” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Về tốc độ vòng quay của đồng tiền, TS Cấn Văn Lực tính toán chỉ số năm 2022 chỉ là 0,65 lần so với thông thường mức 0,9–1 lần trong thời kỳ nền kinh tế phát triển bình thường.
Cùng một lượng tiền mặt, cung tiền nếu được quay vòng nhanh sẽ tạo ra hiện tượng nhiều tiền, ngược lại cung tiền quay chậm sẽ tạo ra hiện tượng thiếu tiền. Vận tốc quay của cung tiền chậm có thể do việc sản xuất kinh doanh chậm chạp, trì trệ, và cũng có thể do các thành phần kinh tế tiết kiệm, giảm chi tiêu, hay do đưa tiền vào những tài sản dự trữ như vàng, đô la hay “chôn’ tiền ở một chỗ nào đó như cách dư luận cảm nhận.
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý hiện tượng buôn lậu: “Giới buôn lậu gom tiền để mua hàng lậu, bao gồm vàng, đô la, thuốc phiện và các loại hàng xa xỉ qua đường buôn lậu. Hiện không có một thống kê nào về số tiền mặt được đưa vào thế giới ngầm này”.
Tài chính khu vực này thường được ví von là “shadow banking”, tức ngân hàng trong bóng tối. Và theo ông Hiếu, lượng tiền mặt này rất lớn, được rút ra khỏi lưu thông, làm nghiêm trọng tình trạng khan hiếm tiền trong nền kinh tế.
Niềm tin bị thử thách, giới đầu tư phòng thủ
Theo TS Cấn Văn Lực, năm 2022 đã có nhiều xáo trộn làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Người dân, doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn. Chưa kể, lường trước khó khăn của năm 2023, các chủ thể nền kinh tế đều có xu hướng tiết kiệm hơn.
Năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức, khó khăn khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp cả về chính trị, kinh tế - xã hội. Năm ngoái, thị trường chứng khoán đã sụt giảm 30% kể từ đỉnh VN-Index 1.500 điểm. Năm nay, thị trường chứng khoán vẫn lình xình, thị trường trái phiếu vẫn tiếp tục đóng băng. Bất động sản thanh khoản kém.
“Trong bối cảnh kinh tế có yếu tố bất ổn, các kênh đầu tư trở nên rủi ro, tâm lý phổ biến của dòng tiền đầu tư là “wait and see” (đợi và xem - PV) tình hình diễn biến ra sao” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Về lý thuyết, vòng quay tiền chậm lại, dòng tiền được rút ra từ các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản đang nằm nơi trú ẩn an toàn và chắc chắn đang chờ đợi nhập cuộc trở lại, khi các cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-mat-dang-tru-an-o-dau-post720662.html