Tiền mất tật mang: 8 cạm bẫy tiền điện tử bạn phải biết!
Lừa đảo tiền điện tử đang là một trong những vấn nạn nhức nhối và đáng báo động nhất hiện nay.
Thị trường tiền điện tử đang ngày càng "nóng" với sự xuất hiện của vô số dự án và đồng tiền số mới ra đời. Nhưng ẩn sau lớp vỏ hào nhoáng ấy là những cạm bẫy tinh vi có thể khiến bạn mất trắng chỉ trong nháy mắt. Dưới đây là 8 chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất mà các nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới, cần hết sức cảnh giác.

Lừa đảo tiền ảo đang vô cùng thịnh hành, hãy cảnh giác!
1. Lừa đảo rút sạch ví tiền ảo trong tích tắc
Hãy tưởng tượng ví tiền điện tử của bạn như một két sắt chứa đầy vàng. Kẻ gian sẽ dùng mọi thủ đoạn để đánh cắp chìa khóa (mã khóa riêng tư) hoặc mật khẩu (các cụm từ bí mật – Seed Phrases) của két sắt này. Chúng có thể giả mạo email, tin nhắn, thậm chí là trang web chính thức chỉ để đánh lừa được bạn, nhằm cung cấp thông tin cho chúng. Chỉ một phút sơ sẩy, toàn bộ tài sản kỹ thuật số của bạn có thể "bốc hơi" trong tích tắc.
Để bảo vệ bản thân, tuyệt đối không chia sẻ mã khóa riêng tư hoặc các cụm từ bí mật với bất kỳ ai. Bên cạnh đó, luôn kiểm tra kỹ lưỡng về trang web đang truy cập để truy cập vào ví tiền điện tử. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ cài đặt các ứng dụng hoặc tiện ích mở rộng ví tiền số hợp pháp.

Chỉ một phút sơ sẩy, toàn bộ tiền trong ví sẽ bị rút sạch.
2. Giả danh để lừa đảo
Bạn đang gặp phải sự cố với tài khoản hoặc ví điện tử? Khi đó, đừng vội tin tưởng những "anh hùng bàn phím" xuất hiện và hứa hẹn sẽ giúp đỡ. Rất có thể đó là những kẻ lừa đảo giả mạo nhân viên hỗ trợ khách hàng, chỉ chờ bạn sơ hở để đánh cắp thông tin đăng nhập và "cuỗm" sạch tài sản.
Cách phòng tránh tốt nhất là chỉ liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng thông qua kênh chính thức của sàn giao dịch hoặc nhà cung cấp ví. Đồng thời, không nhấp vào liên kết đính kèm trong email hoặc tin nhắn đáng ngờ.
3. Bẫy thanh khoản (Rug Pull)
Hãy hình dung một dự án tiền điện tử giống như một con tàu. Thanh khoản chính là chiếc "phao cứu sinh", đảm bảo con tàu không bị chìm khi gặp sóng gió. Những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra các dự án ma và hoàn toàn không có phương án cứu sinh này. Khi đã huy động đủ tiền, chúng sẽ "rút phao" và biến mất, để lại cho nhà đầu tư những đồng token vô giá trị.
Để bảo vệ bản thân, hãy luôn xác minh rằng thanh khoản của token bị khóa bằng cách sử dụng các trình khám phá blockchain như Etherscan hoặc BscScan hoặc các công cụ như DexScreener và RugCheck. Ngoài ra, đặc biệt cảnh giác với những dự án hứa hẹn lợi nhuận "khủng" chỉ sau vài ngày.
5. Chiến thuật tấn công "Dusting"
Chiến thuật tấn công tinh vi này chủ yếu dùng để đánh vào tâm lý tin tưởng của nạn nhân, bằng cách tin tặc sẽ gửi một lượng nhỏ tiền điện tử "từ trên trời rơi xuống" cho họ. Khi họ giao dịch số tiền này, chúng sẽ lần theo dấu vết và tìm cách đánh cắp danh tính, tống tiền hoặc lừa đảo.
Về giải pháp xử lý chiến thuật tấn công Dusting, bạn tuyệt đôi không chuyển đi số tiền nhận được từ tin tặc, cũng như sử dụng ví dùng một lần để xử lý các khoản tiền bất ngờ.
6. Chiêu bài "thổi giá - xả hàng"
Nói một cách đơn giản, bạn chỉ việc tưởng tượng thị trường tiền điện tử như một trò chơi đánh đu. Những kẻ thao túng sẽ "thổi" giá của một đồng tiền ảo lên mức cao ngất, từ đó thu hút nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào. Khi giá đạt đỉnh, chúng sẽ "xả" hết hàng, khiến giá lao dốc và những người mua "đu đỉnh" sẽ bị rơi vào tình trạng khốn đốn.

Những kẻ thao túng thường đẩy giá tiền ảo lên rất cao và đột ngột "xả" hàng.
Khi đầu tư tiền điện tử, hãy cẩn trọng với những lời quảng cáo "trên trời" về các đồng tiền ảo, đặc biệt là meme coin. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu kỹ về dự án, đội ngũ phát triển, và các yếu tố cơ bản trước khi đầu tư.
7. Mạo danh người nổi tiếng
Tin tặc thường nhắm đến những người nổi tiếng vì sức ảnh hưởng của họ. Vì thế, hãy cẩn thận và không nên tin tưởng tuyệt đối vào các nhân vật thần tượng này, tài khoản mạng xã hội của họ có thể bị hack để quảng bá cho các dự án tiền điện tử lừa đảo. Nếu tin và làm theo sự dẫn dắt, bạn có thể bị mất tiền oan.
Hãy kiểm tra thông tin trên các kênh chính thức của người nổi tiếng hoặc công ty. Đặc biệt, các dự án "Airdrop" thật sự sẽ không bao giờ yêu cầu người dùng của họ gửi tiền.
8. Lừa đảo bằng tình cảm (Pig Butchering)
Trong thế giới ảo, việc tìm kiếm tình yêu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng hãy cảnh giác, có những kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận, tạo dựng mối quan hệ thân thiết với bạn, sau đó dụ dỗ bạn đầu tư vào những dự án "ma" và khiến bạn mất trắng.

Lợi dụng tình cảm để lừa tiền ảo là một phương pháp khá phổ biến.
Cách phòng tránh "bẫy tình" là hãy cẩn trọng với những người bạn mới quen trên mạng xã hội, đặc biệt là khi họ đề cập đến chuyện đầu tư tiền điện tử. Cũng như luôn tìm hiểu kỹ về nền tảng đầu tư và không tin vào những lời hứa "đảm bảo lợi nhuận" từ những mối quan hệ ảo trên mạng.