Tiền nong gia đình: Không tiếc tiền biếu Tết nhà ngoại nhiều gấp đôi
Nhiều cặp đôi đã thống nhất chuyện biếu Tết từ sớm để không xảy ra tranh cãi trong những ngày cuối năm.
Tết nhất, câu chuyện về tiền giữa những cặp vợ chồng lại được nói đến nhiều hơn khi cả hai đều cần lì xì và biếu quà gia đình nội ngoại. “Nên biếu Tết gia đình hai bên thế nào?” chính là chủ đề tiền nong khá nhạy cảm với nhiều gia đình. Ngược lại, có những cặp đôi bước qua mùa Tết tương đối nhẹ nhàng và chưa bao giờ xảy ra tranh cãi về chuyện biếu Tết nội ngoại. Họ đã giải quyết bài toán tài chính này như thế nào?
Không tiếc biếu Tết nhà ngoại nhiều hơn
Đó là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Thanh (29 tuổi, Hưng Yên), vừa mới lên đường rời Hà Nội về quê sau khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của năm Quý Mão là 28 Tết. Mọi năm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh luôn phân chia khoản tiền biếu gia đình hai bên ngang nhau, tức 10 triệu đồng tiền mặt, chưa tính 3-4 triệu đồng mua quà biếu họ hàng.
Tuy nhiên, năm nay tiền thưởng Tết của vợ chồng anh đều giảm. Nếu như năm ngoái, thưởng Tết của vợ là 2 tháng lương thì năm nay giảm còn một nửa. Trong khi đó, tiền thưởng của Nguyễn Thanh chỉ nhận được sau Tết.
Khi bàn chuyên biếu bố mẹ như thế nào, Nguyễn Thanh đã đề xuất biếu gia đình nhà ngoại nhiều hơn. Vợ anh cũng đồng tình với cách phân chia này.
Nguyễn Thanh giải thích: “Suốt 5 năm kết hôn, vợ chồng mình chưa từng có một ngày về ăn Tết nhà ngoại. Mặc dù nhà ngoại chỉ còn lại mẹ và em gái của vợ. Bởi vợ là con lớn trong nhà nên hai vợ chồng tự nhận thức phải sắm sửa đầy đủ cho gia đình nhà ngoại, để Tết bên đấy có thêm không khí. Thêm nữa, trước đó mình đã mua sắm đồ Tết cho gia đình bên nội. Nên tính ra, mặc dù đưa cho nhà ngoại nhiều tiền mặt hơn nhưng chi phí của hai bên là ngang nhau".
Như vậy, năm nay gia đình Nguyễn Thanh đưa 5 triệu đồng cho nhà nội, 10 triệu đồng cho nhà ngoại, chưa tính tiền quà cáp. Theo trải nghiệm cá nhân của Nguyễn Thanh, việc biếu Tết nội ngoại như thế nào không chỉ phụ thuộc vào tình hình tài chính của vợ chồng mà còn là hoàn cảnh của gia đình hai bên, bố mẹ có thể hỗ trợ tiền nong cho con cái đến đâu.
Nguyễn Thanh nêu quan điểm: “Nhiều vợ chồng thấy căng thẳng với nhau khi biếu Tết giữa hai nhà nội ngoại chênh lệch nhau. Biếu bố mẹ không nên tính toán quá, biếu xong mà mình thấy áp lực, rồi lan tỏa năng lượng đó tới ông bà thì biếu làm gì?
Mình nghĩ năm nay nhà nào có ít biếu ít. Bạn nên bảo năm nay bọn con khó khăn, ra Tết rủng rỉnh thì sẽ lì xì thêm cho bố mẹ. Chứ không nên tính toán thiệt hơn quá nhiều, bố mẹ không thích mà bản thân cái Tết cũng mất vui".
Hai bên biếu Tết ngang bằng nhau
Một trường hợp khác, Cẩm Nhung (25 tuổi, Hà Nội) quan điểm, không riêng khoản tiền biếu Tết mà nhiều chi phí khác trong cuộc sống cũng nên tuân theo nguyên tắc “nội sao thì ngoại vậy". Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, vợ chồng cô thống nhất biếu nhà nội và nhà ngoại là 3 triệu đồng.
Cẩm Nhung nói thêm, việc vợ chồng cô chọn biếu Tết hai bên ngang bằng nhau bởi lẽ hai ông bà không tạo áp lực tài chính phải biếu Tết. Đồng thời trong năm họ đã mua sắm nhiều đồ cho bố mẹ nên không đặt nặng tính toán cần biếu bên nào nhiều hơn bên nào.
Tuy nhiên, Cẩm Nhung thông cảm với những gia đình chọn biếu Tết nhà nội nhiều hơn nhà ngoại hoặc ngược lại. Cô chia sẻ: “Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nên để kể ra phải biếu Tết ông bà như nào thì rất đa dạng. Mình cứ theo hoàn cảnh kinh tế của mình mà làm. Ví dụ, nhà mình biếu bố mẹ hai bên ngang nhau, ông bà vui, con cháu cũng vui.
Nhưng nhà đồng nghiệp mình lại khác. Họ biếu ông bà nội nhiều hơn vì cả năm trông con hộ hai vợ chồng. Cả năm, họ không cho ông bà được đồng nào, có khi bố mẹ còn phải phụ con tiền bỉm, tiền đồ ăn cho con, cho cháu. Do đó, họ thống nhất số tiền biếu nhà nội dư dả hơn, coi như cảm ơn ông bà cả năm giúp đỡ con cháu. Phía đằng ngoại cũng biết hoàn cảnh con, thế nên bà ngoại cũng bảo nên biếu bố mẹ chồng nhiều hơn là hợp lý".
Cả Nguyễn Thanh và Cẩm Nhung đều đồng tình trong câu chuyện tính toán biếu nội ngoại như thế nào, hai vợ chồng cần thống nhất quan điểm. Bởi tài chính biếu bố mẹ là một trong nhiều vấn đề mà vợ chồng cần giải quyết nhanh chóng, nếu không ổn thỏa có thể dẫn đến tranh cãi trong ngày Tết.
Cẩm Nhung bày tỏ: “Từ trước khi kết hôn, vợ chồng mình đã thống nhất việc phân chia tiền nong cho gia đình hai bên rồi. Chỉ riêng trong chuyện chi tiêu Tết, chồng dùng lương chồng biếu nhà nội, vợ dùng lương vợ biếu nhà ngoại. Chẳng may năm nào không đủ tiền thì vẫn chấp nhận biếu ông bà nhiều, ra Tết bớt tiêu là lại là ổn”.
Làm sao để cân đối tài chính khi chi tiêu Tết tăng cao?
Ngoài chuyện biếu gia đình nội ngoại, một vấn đề mà các cặp đôi trẻ cần quan tâm là cân đối tài chính như thế nào khi chi tiêu trong ngày Tết tăng cao.
Nguyễn Thanh bày tỏ, từ trước Tết cứ khi nào rảnh thì vợ chồng sẽ đi sắm Tết, “tích tiểu thành đại”. Điều này giúp họ sắm sửa đồ đạc từ sớm, có nhiều lựa chọn và tiết kiệm chi phí hơn. Tính chất công việc của hai vợ chồng đều bận rộn cả những ngày giáp Tết, do đó tranh thủ mua sắm cũng giúp họ tránh căng thẳng mua đồ nếu về ăn Tết muộn.
Thêm nữa, từ cách đây 2 năm, vợ chồng Nguyễn Thanh đã thống nhất trước Tết vài tháng, cặp đôi sẽ cố gắng gửi một khoản nhỏ vào quỹ tiết kiệm, để dành chi tiêu trong những ngày cuối năm. “Mỗi tháng, mình cho tiền vào một tài khoản nhỏ, không để ý tới. Cuối năm chỉ việc lấy số dư để tiêu tiền và biếu bố mẹ thôi", Nguyễn Thanh nói.
Còn về phía vợ chồng Cẩm Nhung, cô cho rằng đều đặn gửi tiền vào tài khoản trước Tết là ý kiến hay. Nhưng nó không khả thi với những gia đình “có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu" và đang nuôi con nhỏ.
Để chi tiêu trong những ngày Tết, từ cách đây 1 tháng, gia đình Cẩm Nhung tính toán những khoản cần chi. Tiếp theo, cô sẽ đánh giá tình hình tài chính và lương thưởng của vợ chồng để đặt ra giới hạn chi tiêu. Bên cạnh đó, mỗi năm cặp đôi sẽ để dành một số tiền nhỏ cho các khoản chi phí phát sinh - đây là nguyên tắc quan trọng để vợ chồng Cẩm Nhung tránh những cuộc cãi vã về tiền nong trong Tết.