Tiên phong nghỉ việc, nhiều cán bộ, công chức xã hưởng chính đáng hàng trăm triệu đồng
Nhằm giải quyết bài toán dôi dư cán bộ do sáp nhập xã, các cấp ở Hà Tĩnh đã tăng cường vận động, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức khi nghỉ việc. Một số cán bộ, công chức được hưởng chính đáng hơn 550 triệu đồng sau khi nghỉ việc.
Vẫn biết, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức là trên hết, song nguồn hỗ trợ cũng góp phần động viên cán bộ, công chức để họ đưa ra quyết định.
Thường trực Huyện ủy Can Lộc gặp gỡ đội ngũ cán bộ cấp xã xin nghỉ việc liên quan đến sáp nhập xã
Tại Thạch Hà, đến thời điểm này đã có hàng chục cán bộ, công chức xin nghỉ việc. Trong số này có một số cán bộ, công chức hưởng theo 2 chính sách là: Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND ngày 20/8/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 – 2021 (gọi tắt là Nghị quyết 164); Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Gọi tắt là là Nghị định 108).
Phó Chủ tịch HĐND xã Thạch Lưu (Thạch Hà) Nguyễn Hữu Chinh sẵn sàng nghỉ hưu sớm hưởng chính sách theo quy định
Theo tính toán của ngành chức năng, công chức Bùi Văn H. (SN 1965), Văn phòng – Thống kê, UBND xã Thạch Liên nghỉ việc và được nhận hơn 574 triệu đồng. Trong đó, hưởng theo Nghị quyết 164 là hơn 380 triệu đồng và hơn 194 triệu đồng theo điểm đ, khoản 1, Điều 6 của Nghị định 108.
Được biết, ông H. sinh năm 1965, hưởng lương hệ số 3.99 theo trình độ đại học.
Cùng được hưởng theo Nghị quyết 164, ông Trần Danh Đ. – công chức Văn hóa – xã hội, UBND xã Thạch Ngọc được hưởng 302 triệu đồng. Ngoài ra, ông Đ. còn được hưởng 161 triệu đồng theo Nghị định 108.
Dù có công chức hưởng hơn 380 triệu đồng chính sách 164 song cũng có những công chức chỉ hưởng hơn 10 triệu đồng từ chính sách này vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hệ số lương, trình độ đào tạo, số năm công tác...
Cùng thụ hưởng chính sách chung, nhiều cán bộ, công chức ở Cẩm Xuyên đang được huyện trình tỉnh phương án nhận trợ cấp. Một cán bộ ở Phòng Nội vụ huyện Cẩm Xuyên cho hay: Đợt này, Cẩm Xuyên có 24 cán bộ, công chức xin nghỉ hưởng chính sách của trung ương, của tỉnh liên quan đến sáp nhập xã, tinh giản biên chế. Theo tính toán, trong số này có một công chức ở xã Cẩm Phúc sẽ được hưởng hơn 550 triệu đồng. Số tiền này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn sau khi công chức nghỉ việc.
Đầu tháng 12/2019, Lộc Hà có 3 cán bộ công chức nghỉ theo Nghị quyết 164 với số tiền hơn 547,4 triệu đồng. Trước đó, số cán bộ công chức nghỉ hưởng theo Nghị quyết số 127/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh là 71 người, với số tiền: 856 triệu đồng.
Ngoài chính sách hiện hành theo quy định của trung ương, tỉnh, UBND Lộc Hà còn ban hành Quyết định số 9171/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 để thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-HĐND, ngày 19/12/2019 “Về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021.
Theo đó, hỗ trợ 1 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi tháng nghỉ công tác, được hưởng 1 lần (tính từ thời điểm cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ công tác và được cơ quan có thẩm quyền quyết định đến đủ tuổi nghỉ hưu hoặc đến thời điểm 31/12/2021, tùy thời điểm nào đến trước thì áp dụng thời điểm đó).
Đến nay, toàn huyện Lộc Hà có 96 người (trong đó có 5 công chức, 91 không chuyên trách) được hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 337,3 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hưởng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Thanh (Đức Thọ) đã viết đơn xin tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi
Ông Lương Quang Diên – Trưởng phòng Ngân sách huyện Xã (Sở Tài chính) cho hay: “Đến ngày 23/12, trên toàn tỉnh đã có 129 cán bộ, công chức cấp xã đã hưởng chính sách theo Nghị quyết 164 với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Cũng với chính sách 164, nếu tính 7 cán bộ, công chức cấp huyện và 48 người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc thì số tiền chi trả theoo Nghị quyết 164 là hơn 19 tỷ đồng.
Cũng theo ông Diên, cán bộ được trợ cấp thôi việc cao nhất là 311 triệu đồng, thấp nhất là 10,4 triệu đồng. Trong khi đó, công chức được trợ cấp thôi việc cao nhất là 380,5 triệu đồng và thấp nhất là 23 triệu đồng.
Với sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân, việc sáp nhập xã ở Đức Thọ đã diễn ra với nhiều bước thuận lợi (Trong ảnh:
Trụ sở UBND xã Đức Lạc, Đức Thọ
)
Sáp nhập xã là chủ trương lớn, được cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đồng tình. Nhiều cán bộ, công chức đã hy sinh quyền lợi của mình để sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính mới.
Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù chính sách của trung ương, của tỉnh đã có tính động viên nhất định, song vẫn còn nhiều cán bộ, công chức chưa mạnh dạn hưởng chính sách để qua đó thể hiện tinh thần của người cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, lượng dôi dư ở các xã vẫn còn là bài toán phải giải quyết trong nhiều năm.