Tiến ra biển lớn - Kỳ 2: Chuyển đổi để tăng trưởng xanh
Kỳ 2: Chuyển đổi để tăng trưởng xanh
Trong hàng thập niên, việc nuôi biển bằng lồng bè gỗ truyền thống đã để lại nhiều hệ lụy về môi trường, không thích ứng được với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường là định hướng lớn mà tỉnh đang theo đuổi để phát triển kinh tế biển xanh.
Cách nuôi truyền thống làm ảnh hưởng môi trường
Một ngày mới của người nuôi biển ở TP. Cam Ranh không bắt đầu khi mặt trời mọc từ phía biển, mà bắt đầu từ nửa đêm. Khi ấy, khắp các ngả đường dẫn đến cảng cá Đá Bạc, hoặc các bến dân sinh ven vịnh Cam Ranh bắt đầu rộn tiếng xe lôi, xe ba gác máy chở cá tạp, nhuyễn thể ra các bến, cảng để người nuôi đưa lên tàu mang ra biển làm thức ăn cho khoảng 100.000 lồng tôm hùm, cá đang nuôi trên khắp vịnh Cam Ranh.
Trên cảng Đá Bạc, thấy tôi chưa hiểu lắm về lượng thức ăn mang ra các vùng nuôi rất lớn, anh Nguyễn Văn Thế - người có hơn 20 năm nuôi tôm hùm ở phường Cam Linh (Cam Ranh) phân tích: “Với 1 lồng thả nuôi 600 con tôm xanh, trong 9 tháng từ khi nuôi đến khi thu hoạch cần hơn 4 tấn thức ăn. Với cá biển, cứ thả nuôi 1.000 con cá bớp, cá mú trong 9 tháng, cũng mất khoảng 4 tấn cá tạp”. Với con số chừng 100.000 lồng tôm, cá trên vịnh Cam Ranh thì lượng thức ăn tươi mang ra vịnh Cam Ranh mỗi ngày rất lớn. Trong khi tôm, cá chỉ ăn khoảng 70 - 80% lượng thức ăn thả xuống mỗi ngày nên lượng dư thừa lớn. Nghe vậy, tôi mới phần nào hiểu được, qua nhiều năm phát triển nuôi lồng bè, vịnh Cam Ranh gánh lượng trầm tích rất lớn, thậm chí có nơi bùn đọng đến cả mét.
Những ngày tìm hiểu chuyện nuôi biển ở vịnh Vân Phong, tôi đã đến thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh), nơi tập trung nhiều vựa cung cấp thức ăn cho tôm, cá nuôi ngoài biển. Bà Nguyễn Thị Riêng - người làm tại một cơ sở chuyên cung cấp thức ăn tươi cho các bè nuôi cá ở thị trấn Vạn Giã cho biết: “Tại khu vực này có nhiều vựa bán thức ăn tươi cho các bè nuôi cá, tôm. Hiện nay, lượng thức ăn tươi phục vụ nuôi tôm, cá rất lớn, trong tỉnh không đủ còn phải nhập từ tỉnh khác về”. Khi thức ăn tươi khan hiếm, các loại cá tạp không đảm bảo chất lượng khiến người nuôi lo lắng.
Cũng vì lẽ ấy, mới đây, khi đi khảo sát nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã hết sức lo lắng về tình trạng: “Lồng bè chen chúc, tràn lan ngoài vùng quy hoạch, cách thức nuôi truyền thống theo kiểu “lấy cá, cua cho cá, tôm ăn” đang để lại hệ lụy lớn về ô nhiễm môi trường, gây xung đột với các ngành kinh tế khác trên cùng một không gian biển, dẫn đến hiệu quả không cao”.
Công nghệ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu
Tôi đã từng chứng kiến những giọt nước mắt của nhiều người đàn ông rắn rỏi, quanh năm “ăn sóng, nói gió” trên vùng nuôi Bình Hưng, xã Cam Bình và xã Cam Lập (Cam Ranh) sau khi cơn bão số 9 năm 2021 đánh tan cả vùng nuôi lồng bè bằng gỗ tại đây. Khi ấy, 120 bè nuôi, với khoảng 2.500 lồng nuôi tôm hùm, cá biển của người dân tại khu vực Bình Hưng và 3 bè nuôi, với 279 lồng tại khu vực Cam Lập bị sóng đánh bầm dập, ước thiệt hại lên đến gần 270 tỷ đồng. “Khi ấy, nếu sử dụng lồng nuôi HDPE, tôi tin thiệt hại không nặng nề đến thế!” - ông Trần Văn Thuận (người nuôi tôm hùm ở Bình Hưng) nói khi tìm hiểu về lồng HDPE tại mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển hở xã Cam Lập.
Trước đó, cơn bão số 12 năm 2017 cũng đã khiến cho nghề nuôi biển bằng lồng bè gỗ truyền thống trên các vùng biển của tỉnh thiệt hại nặng nề. Đến thời điểm này, vẫn còn không ít hộ nuôi ở vịnh Vân Phong còn kinh hoàng khi nhớ đến cơn bão lịch sử này. Có hộ mất trắng tài sản, đến nay vẫn chưa vượt qua được cú sốc do bão gây ra.
Nhắc lại cơn bão này, Kỹ sư Phạm Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) kể: Khắp các vùng nuôi trên vịnh Vân Phong tả tơi sau khi cơn bão số 12 đi qua, nhưng các đơn vị nuôi biển công nghệ cao, sử dụng lồng nuôi HDPE tương tự trang trại của chúng tôi vẫn trụ vững. Tất cả lồng nuôi, cá nuôi trong lồng, trang thiết bị của trang trại đều an toàn trong cơn bão sức gió đến cấp 12. Có thể nói, cơn bão số 12 năm 2017 đã “kiểm định” cho kết quả rõ ràng nhất đối với khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của vật liệu HDPE trong nuôi biển.
Chuyển đổi để phát triển bền vững
Không thể phủ nhận những gì mà nghề nuôi biển theo phương thức truyền thống mang lại cho người dân các địa phương ven biển trong tỉnh. Theo ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, nghề nuôi tôm hùm, cá biển ở Cam Ranh đã có từ mấy chục năm nay, mang lại thu nhập, đời sống ổn định cho người dân địa phương. Vì vậy, từ năm 2010, nghề nuôi biển ở địa phương phát triển mạnh. Đến thời điểm hiện nay, tại địa phương có hơn 2.000 hộ nuôi thủy sản lồng bè, với hơn 100.000 lồng nuôi. Còn ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Từ năm 1993, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè gỗ đã xuất hiện ở Vạn Ninh và nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đến nay, toàn huyện có 1.848 bè nuôi trồng thủy sản của 1.352 hộ nuôi, với sản lượng hàng năm đạt hơn 11.300 tấn, chiếm đến 70% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp huyện”.
Cả ông Thạch và ông Luyện đều nhìn nhận: Sau nhiều năm nuôi biển theo phương thức truyền thống đã để lại những hệ lụy trên các vùng nuôi. Chính vì vậy, việc chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghệ cao, hướng ra xa bờ là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững nghề này. Từ đó, đưa nuôi biển trở thành một trụ cột trong phát triển kinh tế biển xanh. “Nhiều người dân địa phương sau khi tham quan mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập đã nhận thấy hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và mong muốn được hỗ trợ để từng bước chuyển đổi từ nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi biển công nghệ cao” - ông Thạch nói.
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúc rút: “Sử dụng lồng nuôi HDPE ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm rác thải nhựa ra môi trường. Thức ăn cho tôm, cá được giám sát bằng công nghệ theo tiêu chí “đúng - đủ” sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa. Chuyển sang nuôi biển công nghệ cao sẽ thay đổi phương thức sản xuất của người dân gắn với bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan kết hợp với du lịch sinh thái. Tỉnh đang từng bước đưa ngành nuôi biển phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, cấp thiết của mọi quốc gia trên thế giới. Trong xu thế ấy, Tỉnh ủy đã xác định: “Nông nghiệp xanh” sẽ là 1 trong 6 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh. Vậy nên, chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghệ cao, hướng ra xa bờ sẽ thúc đẩy chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp, cũng như phát triển kinh tế biển xanh của tỉnh. Muốn vậy, tỉnh phải thực hiện thành công Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa công nghiệp nuôi biển của tỉnh trở thành ngành xuất khẩu tỷ đô.