Tiến sĩ 29 tuổi vừa tốt nghiệp nhận được đãi ngộ như giáo sư
TRUNG QUỐC - Với những thành tựu xuất sắc, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 29, Nghê Sở Quân được mời về Trung tâm Nhãn khoa số 2 thuộc Bệnh viện Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) làm việc, nhận đãi ngộ như giáo sư.
Nghê Sở Quân sinh năm 1995, là người gốc Hàng Châu (Trung Quốc). Sở Quân cho hay, bản thân không quá thông minh, nhưng nỗ lực hơn người khác. Năm 2014, tham gia kỳ thi tuyển sinh, Sở Quân đỗ vào Đại học Chiết Giang (Trung Quốc).
"Đây là ngôi trường có sức hút với tôi - nơi tập trung nhiều sinh viên xuất sắc. Nhờ vậy, tôi không bao giờ ngừng cố gắng và phát triển bản thân", Sở Quân chia sẻ. Cơ duyên nữ sinh đam mê nghiên cứu khoa học xuất phát từ mùa hè năm 2017. Sở Quân may mắn được tham gia chương trình trao đổi sinh viên, nghiên cứu khoa học tại Đại học Bắc Carolina (Charlotte, Mỹ), kéo dài hơn một tháng.
Tại đây, Sở Quân nảy sinh hứng thú nghiên cứu kim loại lỏng và khám phá ra tiềm năng của ngành Hóa học. Không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu truyền thống như Hóa dầu và Hóa chất nhẹ, Sở Quân còn mở rộng sang lĩnh vực tiên tiến là Vật liệu từ mềm (Soft magnetic material) và Hợp kim nhớ hình (Shape memory alloy).
Thông qua những buổi thảo luận sôi nổi, thực hành cùng thầy giáo hướng dẫn và thành viên trong nhóm, niềm đam mê khoa học của Sở Quân được khơi dậy. Năm 2018, sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình cử nhân, Sở Quân quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu. Cô tiếp tục học thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc).
Thời gian này, Sở Quân gia nhập nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tạ Đào thuộc khoa Hóa học của trường. Đây là nơi cô dành tâm huyết để nghiên cứu tính năng của Hợp kim nhớ hình (Shape memory alloy). Lĩnh vực nghiên cứu của Sở Quân là thiết kế và phát triển vật liệu polymer thông minh có khả năng biến đổi hình dạng.
Khác với các loại hợp kim truyền thống chỉ biến đổi dưới tác động của nhiệt độ, ánh sáng hay điện. Vật liệu polymer Sở Quân nghiên cứu có thể điều chỉnh hình dạng theo nhu cầu sử dụng, được gọi là Hydrogel nhớ hình (Shape memory hydrogels). Phát hiện đột phá này của Sở Quân đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Y khoa.
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và sự sáng tạo không ngừng, Sở Quân đã ứng dụng thành công Hydrogel nhớ hình (Shape memory hydrogels) vào việc áp dụng điều trị bệnh khô mắt. Đồng thời mở ra hướng điều trị mới an toàn hơn cho hàng triệu người bị khô mắt trên thế giới. Việc sử dụng Hydrogel nhớ hình (Shape memory hydrogels) mang lại hiệu quả vượt trội so với các phương pháp điều trị truyền thống.
Trải qua 1,5 năm miệt mài nghiên cứu và chỉnh sửa, bài của Sở Quân được đăng trên Tạp chí Nature hồi tháng 11/2023. Bài nghiên cứu nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia. Họ ghi nhận sự đột phá trong nghiên cứu của Sở Quân khi khám phá ra cơ chế hoạt động mới của Hợp kim nhớ hình (Shape memory hydrogels).
Sau thành công của Sở Quân, GS Tạ Đào cho hay, cô là người có tính kiên trì. "Mỗi khi gặp vấn đề hoặc không hài lòng với kết quả nghiên cứu, Sở Quân sẽ làm đến cùng chứ không hời hợt". Với sự nỗ lực không ngừng, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Sở Quân được Trung tâm Nhãn khoa số 2 thuộc Bệnh viện Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), mời về làm việc.
Trong 4 nhà nghiên cứu được mời về, tiến sĩ Sở Quân là người trẻ nhất. Không tiết lộ chính xác mức lương khi đầu quân về Trung tâm Nhãn khoa số 2 thuộc Bệnh viện Đại học Chiết Giang, nhưng Sở Quân là người duy nhất nhận được chế độ đãi ngộ ngang với giáo sư.
"Ngành nhãn khoa không thiếu bác sĩ giỏi nhưng thiếu nhà nghiên cứu ứng dụng", GS Diêu Khắc - Giám đốc Trung tâm Nhãn khoa số 2 thuộc Bệnh viện Đại học Chiết Giang, cho hay. Cũng theo GS, nghiên cứu của Sở Quân mang lại bước phát triển và đột phá vượt bậc cho ngành nhãn khoa.
Trải qua thời gian ngắn làm việc tại đây, Sở Quân cảm nhận rõ sự nhỏ bé của bản thân trong quá trình nghiên cứu. Nữ tiến sĩ mong muốn, qua nỗ lực của mình sẽ có nhiều nghiên cứu ứng dụng góp phần cho Y học hiện đại trong việc điều trị các bệnh về mắt.
Theo đó, Sở Quân sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học và khám phá tính ứng dụng của vật liệu mới trong lĩnh vực nhãn khoa. Ngoài ra, nữ tiến sĩ còn hy vọng tương lai thực hiện thêm nhiều hợp tác liên ngành với mục đích, áp dụng thành tựu nghiên cứu vào đời sống.