Tiến sĩ 32 tuổi sở hữu 58 bài báo quốc tế, chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia của Hàn Quốc
Là tác giả của 58 bài báo khoa học quốc tế và là chủ nhiệm một đề tài cấp quốc gia của Hàn Quốc, TS Huỳnh Thế Thiện (32 tuổi) trở thành 1 trong 10 gương mặt được lựa chọn để trao giải thưởng Quả cầu vàng 2020.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2011, Huỳnh Thế Thiện tiếp tục theo học thạc sĩ.
Sau đó, được sự tin tưởng và giới thiệu của một giảng viên hướng dẫn, Thiện tiếp tục nhận học bổng tiến sĩ tại Trường ĐH Kyung Hee (TP Suwon, Hàn Quốc) gồm học phí và chi phí sinh hoạt khoảng 6 triệu won/học kỳ (tương đương 120 triệu đồng/học kỳ).
Anh nhận bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Kyung Hee (TP Suwon, Hàn Quốc) vào năm 2017 và hiện là nghiên cứu sau tiến sĩ, Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc.
Từ năm 2014 đến nay, anh có 58 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 21 bài thuộc danh mục Q1 (12 bài là tác giả chính), 2 bài thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), 1 bài thuộc danh mục Q3 và 33 bài thuộc danh mục Q4 (18 bài là tác giả chính).
Ngoài ra, anh còn có 2 báo cáo quốc tế xuất sắc, trong đó 1 bài là tác giả chính ở các hội nghị về lĩnh vực viễn thông; đồng tác giả của 3 sáng chế.
“Lúc nhận được thông tin trở thành 1 trong 10 gương mặt được giải thưởng Quả Cầu Vàng mình rất vui và cũng rất bất ngờ. Bởi năm nay 3 hồ sơ ở lĩnh vực công nghệ thông tin đều giỏi, và có thể nói ngang ngửa nhau, trong đó 1 người cũng tốt nghiệp tiến sĩ cùng đợt với mình ở Trường ĐH Kyung Hee”, TS Thiện nói.
Thiện chia sẻ bản thân có phần ái ngại bởi cho rằng sự đóng góp của bản thân cho quê hương và địa phương có thể không bằng những người đang công tác và cống hiến trực tiếp tại Việt Nam.
“Mình vẫn có cảm giác đang đi làm thuê và cống hiến chất xám cho nước ngoài chứ chưa đóng góp trực tiếp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà”, Thiện tâm sự.
32 tuổi với 58 bài báo công bố quốc tế
Để có được số lượng bài báo khoa học quốc tế như hiện nay, Thiện cho rằng khó có thể so sánh, đo đếm với các lĩnh vực khác nhưng là một hành trình đầy nỗ lực và nhiệt huyết của riêng mình.
Bởi thời gian đầu mới sang Hàn Quốc không như anh mong đợi.
“Lĩnh vực mình học và nghiên cứu trước đây về thuật toán để xử lý ảnh nhưng phòng nghiên cứu ở môi trường mới chủ yếu là hệ thống nền tảng Dữ liệu lớn. Lúc đầu mình cảm thấy rất hụt hẫng, khá căng thẳng, thậm chí stress bởi hướng nghiên cứu của giáo sư và của mình mong muốn không trùng với nhau”, Thiện chia sẻ về giai đoạn được cho là khó khăn nhất của bản thân.
Thiện kể cũng có những suy nghĩ cũng vẩn vơ, khi tìm hiểu thông tin trên mạng, biết có những người xin đổi phòng lab, giáo sư hoặc thậm chí đổi trường vì cảm thấy không thích hợp. “Lần mình qua, có 3 người Việt Nam thì cũng có 1 người sau khi học một học kỳ đã bỏ, bởi không thích nghi được”, Thiện kể.
Nhưng rồi anh dặn mình cơ hội để tiếp cận môi trường khoa học ở đất nước phát triển là không nhiều nên càng cần phải cố gắng. Chấp nhận nghịch cảnh, Thiện bỏ nhiều thời gian ra học và đặc biệt là đọc để tiếp cận và tiếp thu kiến thức mới. Anh cũng mất đến khoảng nửa năm để làm quen với những thay đổi.
Giờ đây, Thiện cho rằng những “lệch nhịp” đó có thể là thiệt thòi ở giai đoạn đó, nhưng khi nhìn lại thấy cái được là bản thân vượt ra ngoài giới hạn và đổi lại có thêm kiến thức.
“Đấy cũng là cái tốt. Nhiều khi có những việc không thấy được cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài lại hữu ích và có thể hỗ trợ đắc lực cho mình ở một thời điểm, khoảnh khắc nào đấy”, Thiện chia sẻ và cho rằng đó cũng chính là tinh thần chung của nghiên cứu khoa học “thành quả nằm ở phía sau”.
4 năm học tiến sĩ, Thiện gần như chỉ thuê trọ cho có và ở luôn trên phòng thí nghiệm của viện. Thiết kế của phòng lab (phòng thí nghiệm - PV) có nước và cả chỗ tắm rửa, nên cứ ngày nghiên cứu xong, tối đến, anh lại trải tấm nệm và ngủ luôn tại đó.
“Mình có thuê phòng trọ ở ngoài nhưng chủ yếu chỉ để cuối tuần về giặt đồ”, Thiện kể về nhịp sinh hoạt ăn ngủ gắn liền với nghiên cứu khoa học của mình.
Thiện cho hay, ngủ lại tại phòng không quá bất tiện với mình bởi bản thân không quá cầu kỳ về một chỗ ngủ đàng hoàng. Nhưng đổi lại, theo anh, việc này giúp mình có thể tiết kiệm thời gian và không bị ngắt quãng những ý tưởng.
“Việc này giúp mình có thêm nhiều thời gian để nghiên cứu hoặc không bị đứt quãng. Nhiều lúc khi đang trong quá trình nghiên cứu, chạy thí nghiệm, trong đầu mình lóe lên một ý tưởng gì đó nhưng rời phòng lab về nhà thì bị ngắt quãng. Ở lại phòng thí nghiệm, mình có thể thực hiện nó liền mạch và thành công hay không thì cũng thỏa lòng”.
Cũng vì vậy mà theo Thiện, chuyện những đêm thức trắng để chạy thí nghiệm là chuyện hết sức bình thường.
Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia của Hàn Quốc
Song, Thiện cho rằng điều khiến hồ sơ của mình thuyết phục nhất với hội đồng có lẽ là việc chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp quốc gia của Hàn Quốc: “Hierarchical Visual Deep Framework for High-Risk Physical Behavior Attention” được cấp bởi Quỹ nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc trong vòng 3 năm, từ 6/2019 đến 5/2022. Mức kinh phí được cấp theo quy đổi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Thiện, đề tài khoa học cấp quốc gia của Hàn Quốc mà anh xin được theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong việc xử lý video với mục tiêu phát hiện, cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm.
“Chẳng hạn như những hành vi có thể nguy hiểm như leo lên ghế và với tay để lấy vật dụng gì đó,... máy sẽ cảm thấy hành vi nguy hiểm nguy cơ té ngã như thế nào nên sẽ cảnh báo từ sớm. Như vậy, lúc đầu, máy sẽ phải nhận dạng vật thể trong khung hình là người hay là vật. Sau đó sẽ đối chiếu với bộ dữ liệu được xây dựng trong hệ thống của mình và xem hành vi đó có nằm trong số các hành vi nguy hiểm hoặc mất an toàn hay không và nếu có sẽ đưa ra hình thức cảnh báo như gửi tin nhắn, phát âm thanh,...”, Thiện chia sẻ.
Thiện sẽ được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc lên ý tưởng, soạn thảo và tự phân chia kinh phí hoạt động. Để vận hành, ngoài chi phí trang thiết bị, hội nghị,... hàng tháng, Thiện đang có thể trả lương cho 2 nghiên cứu sinh hỗ trợ giúp việc mình với mức từ 10-15 triệu đồng.
Không chỉ vậy, trước đây, trong quá trình học tiến sĩ, Thiện còn là thành viên nghiên cứu (từ 6/2014 đến 5/2018) của đề tài khoa học cấp Bộ “Mining Minds Core Technology Exploiting Personal Big Data” được cấp bởi Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Đây cũng là một đề tài liên quan đến việc thu thập dữ liệu người dùng để đưa ra chỉ dẫn.
Nỗ lực không mệt mỏi, giờ đây không chỉ nghiên cứu khoa học, TS Thiện còn có nhiều hoạt động cộng đồng như là biên tập khách mời cho Special Issue của tạp chí ISI Remote Sensing (IF: 4.509).
Anh còn tham gia phản biện cho các tạp chí chuyên ngành như: Information Sciences, IEEE Transaction on Circuits and Systems for Video Technology, IEEE Transaction on Industrial Informatics, IEEE Access, IEEE Transactions on Cognitive and Developmental Systems, Sensors.
Với hồ sơ và kinh nghiệm đang có, Thiện hoàn toàn có thể xin được một công việc tốt ở Hàn Quốc với mức thu nhập có thể đạt được từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi tháng.
Song, chia sẻ về dự định, Thiện cho hay, sau khi hoàn tất đề tài cấp quốc gia của Hàn Quốc mà mình chủ nhiệm, hết tháng 5/2022, anh sẽ trở về Việt Nam để thỏa mong mỏi của gia đình và có thể cống hiến ngay tại quê nhà.
Anh dự định, có thể sẽ thi vào làm giảng viên một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh bởi đã nhận được khá nhiều lời mời từ các thầy dạy trước đây.