Tiến sĩ 8x và giấc mơ nâng tầm giá trị nông sản Việt
Ứng dụng công nghệ sinh học nhằm góp phần tạo ra giống lúa mới ứng phó với biến đổi khí hậu của TS. Chu Đức Hà (khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) được ví như 'tín hiệu mở đường' trên hành trình 'giải mã' các gen, giống quý để nâng tầm giá trị nông sản Việt.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ những năm học phổ thông cậu bé Chu Đức Hà đã được định hướng và hình dung cơ bản về ngành Công nghệ Sinh học. Cùng thời điểm đó, nền nông nghiệp Việt Nam bắt đầu chuyển dịch cơ cấu và gắn kết chặt chẽ với khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giá trị cây trồng. Vì vậy, cậu đã chọn từ khóa “công nghệ” để bước vào cánh cửa nghiên cứu khoa học - một khung trời mới để có thể thực hiện giấc mơ giải mã các gen, giống quý và chinh phục giới hạn của bản thân.
Sớm xác định được mục tiêu cho hành trình nghiên cứu của mình nên ngay từ khi học ngành Công nghệ Sinh học ở trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Hà đã tận dụng các cơ hội đi nghiên cứu thực địa ở nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khác nhau để xây dựng hành trang, kinh nghiệm thực tiễn làm nền tảng cho những đề tài nghiên cứu khoa học sau này.
“Đề tài nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang gặp phải chứ không giải quyết vấn đề mà nhà khoa học tự tưởng tượng ra”, TS. Hà nói.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của chàng trai 8x dần được phát triển và nâng cao tính ứng dụng thực tiễn theo mỗi cấp học từ cử nhân đến thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Khi bắt đầu về công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp, TS. Hà cùng nhóm nghiên cứu đã ghi dấu ấn với 5 giống lúa mới ứng phó với biến đổi khí hậu và một quy trình kỹ thuật cải tiến giống lúa cho năng suất cao, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn, mặn…
Để có được kết quả trên, TS. Hà đã ứng dụng công cụ tin sinh học kết hợp công nghệ chỉ thị phân tử để phát hiện các gen tiềm năng liên quan đến cơ chế chống chịu điều kiện bất thuận ở cây trồng. Từ đó tạo ra những nguồn gen quý để phát triển giống cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua các công cụ chọn giống phân tử hiện đại.
“Công nghệ như một "công cụ" để người làm nghiên cứu chuyển hóa các nguyên lý sinh học thành sản phẩm có thể áp dụng thương mại hóa, phục vụ đời sống xã hội”, TS. Hà nói.
Luôn gắn nhiệm vụ tìm ra cái mới
Trong quá trình học thạc sĩ và tiến sĩ, chàng trai 8X đã học thêm 2 trường đại học khác là Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Hà Nội cùng hàng chục khóa đào tạo ngắn hạn trong nước và quốc tế về những kỹ thuật công nghệ sinh học hiện đại ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
TS. Chu Đức Hà chia sẻ, muốn làm được nghiên cứu, trước tiên nhà khoa học cần có một sức bền trong việc trau dồi tri thức. Bởi muốn giải quyết triệt để và có hiệu quả một vấn đề, cần phải có cách tiếp cận, phương pháp luận và công cụ của liên ngành. Nghiên cứu khoa học nông nghiệp cần tiếp cận tổng thể và toàn diện, gắn chặt với các yếu tố văn hóa, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu mới có thể tạo ra kết quả nghiên cứu đa giá trị.
Khác với lộ trình làm khoa học của nhiều tiến sĩ khác, TS. Hà chọn học tập và gắn bó với nghiên cứu trong nước. Anh tâm niệm rằng, nếu được đào tạo một cách bài bản ở trong nước dưới sự sát sao và quyết liệt của người hướng dẫn thì chất lượng đầu ra của các tiến sĩ “quốc nội” hoàn toàn có thể “sòng phẳng” với các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.
“Có thời điểm, tiến hành thí nghiệm xong, kết quả nghiên cứu đã được nhóm khác trên thế giới công bố trước, tôi tự động viên mình làm lại để tạo đà cho những phát hiện mới sau này. Tôi cho rằng nhà khoa học ngoài việc nỗ lực trau dồi tri thức cũng cần “dai dẳng, quyết liệt” trong nhiệm vụ “đứng trên vai người khổng lồ”. Đó là kế thừa nghiên cứu đi trước nhưng phải gắn với nhiệm vụ “tìm ra cái mới” để đáp ứng kỳ vọng của xã hội”, anh nói.
Bước sang tuổi 35, TS. Chu Đức Hà vẫn được gọi là nhà khoa học trẻ. Anh mong mình luôn được “khu trú” một góc trong giấc mơ cải thiện tính chống chịu của giống cây trồng Việt Nam.
Hiện tại, bên cạnh sứ mệnh “giải mã” các gen, giống quý phục vụ nông nghiệp, anh còn giữ vai trò truyền lửa cho các thế hệ sinh viên của khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh luôn hy vọng có thể nối dài hành trình nghiên cứu khoa học đến các bạn sinh viên Gen Z.
“Lực lượng nghiên cứu khoa học nông nghiệp hiện vẫn khiêm tốn so với những ngành khác. Tôi tin và kỳ vọng, các bạn trẻ sẽ là những thế hệ “công dân số” tiên phong trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát huy vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp Việt Nam”, TS. Chu Đức Hà tin tưởng.
TS. Chu Đức Hà là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 ở lĩnh vực Nghiên cứu khoa học. Anh “nổi danh” với gần 170 bài báo khoa học cùng nhiều giải thưởng khác. Anh là tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia, tác giả của 1 sở hữu trí tuệ. Năm 2022, anh được trao Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thủ đô; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu Trung ương; Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.