Tiến sĩ 'chậm yêu' vì khoa học; CEO khởi nghiệp từ thực tế

Tại buổi đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc đã có những chia sẻ về quá trình từ tò mò đến đam mê nghiên cứu tế bào gốc và những hinh sinh để đạt được thành công trong khoa học. Nguyễn Khôi người sáng lập, CEO Wefit có những chia sẻ để việc khởi nghiệp sáng tạo gắn với thực tế.

Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (áo dài hồng) và Nguyễn Khôi chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (áo dài hồng) và Nguyễn Khôi chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Sáng 24/3, tại Hà Nội, diễn ra chương trình Đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. Tham dự chương trình, Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 và Nguyễn Khôi - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 đã có những chia sẻ thú vị.

Chương trình Đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước diễn ra vào sáng 24/3. Tham dự chương trình có Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 và Nguyễn Khôi - Gương mặt trẻ triển vọng 2017. Ảnh: Xuân Tùng

Chương trình Đối thoại trực tuyến giữa Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn với đoàn viên thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước diễn ra vào sáng 24/3. Tham dự chương trình có Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017 và Nguyễn Khôi - Gương mặt trẻ triển vọng 2017. Ảnh: Xuân Tùng

"Chậm" yêu làm nghiên cứu

Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (Cán bộ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh) duyên dáng với tà áo dài hồng, khác hẳn chiếc áo trắng trong phòng thí nghiệm thường thấy. Từ vóc dáng đến giọng nói toát lên sự nhẹ nhàng, nhưng nữ Tiến sĩ Bich Ngọc lại sở hữu thành tích đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bích Ngọc là thành viên chính đề tài cấp Nhà nước và nhiều đề tài khác liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc, đây là một hướng đi mới và khó trong y học hiện đại. Chị đã đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2017 do T.Ư Đoàn và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức.

Tại chương trình, Bích Ngọc đã chia sẻ về quá trình tìm tòi, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Bích Ngọc bộc bạch: "Ban đầu tôi nghiên cứu không phải đam mê mà tò mò, là nghĩa vụ phải tìm một đề tài để làm. Lúc đó Phòng tế bào gốc mới hình thành, tôi thấy nghiên cứu tế bào gốc mới lạ. Lúc làm tôi chỉ cố gắng làm cho xong đề tài, nhưng càng làm càng thấy hay, tiềm năng rất lớn, gắn với thực tế cuộc sống của mình. Càng nghiên cứu càng ra nhiều yếu tố mới. Từ ý tưởng chỉ học cho xong giờ lại đam mê học lên đến Tiến sĩ".

Tiến sĩ Bích Ngọc cho biết quá trình từ trách nhiệm từ nghĩa vụ tới đam mê này phải có sự hỗ trợ bên ngoài rất nhiều. "Sinh viên đôi khi mất định hướng, không biết tốt nghiệp ra làm cái gì. Môi trường phòng thí nghiệm, trang thiết bị, mọi thứ đều mới, thầy cô nhiệt huyết, sẵn sàng bỏ tiền cho học trò làm, cầm cố gia tài để có hóa chất cho sinh viên làm, làm cho học trò rất ngưỡng mộ, các anh chị thì hòa đồng, hướng dẫn nhiệt tình. Năm 2007 vấn đề tế bào gốc mới lắm, thông tin tiếng Việt ít, thông tin bằng tiếng Anh nhiều hơn nhưng nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Sự hỗ trợ của các thầy cô có sự liên hệ, gắn bó với các thầy cô đã cho mình cảm thấy môi trường này hay quá và đã có những thành quả nhất định. Ví dụ nhìn qua kính hiển vi thấy tế bào gốc sinh sôi, tôi rất thích và tạo sự đam mê", Bích Ngọc nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và các gương mặt trẻ tiêu biểu Vũ Bích Ngọc, Nguyễn Khôi, nghệ sĩ Xuân Bắc...đã có những chia sẻ về sáng tạo, sống đẹp tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và các gương mặt trẻ tiêu biểu Vũ Bích Ngọc, Nguyễn Khôi, nghệ sĩ Xuân Bắc...đã có những chia sẻ về sáng tạo, sống đẹp tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Khi được hỏi nghiên cứu nhiều có thời gian để yêu không, Tiến sĩ Bích Ngọc chia sẻ: Trong thời gian học đại học tôi không yêu, thạc sĩ cũng không yêu. Sau khi tốt nghiệp xong tiến sĩ thì mới lập gia đình. Đối với mình nó cũng là sự may mắn.

Tiến sĩ Bích Ngọc bộc bạch thêm: Nhiều người học xong thạc sĩ, tiến sĩ không ai dám yêu nữa. Vì thế, khi tôi lấy chồng, còn bị đồn là chắc phải lấy người lớn tuổi, có vợ có con, không phù hợp với mình nhưng hoàn toàn không phải.

Có nhiều người hỏi, có nên nghiên cứu xong thì mới yêu. Tôi không khuyên như vậy. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, các bạn đam mê thì sẽ theo đuổi đến cùng, giải quyết cho gọn ghẽ, chặt chẽ. Những vấn đề xung quanh sẽ thương lượng, giải quyết được.

Khởi nghiệp sáng tạo và thực tế

Nguyễn Khôi (SN 1991) người sáng lập, CEO Wefit. Với vai trò là một nhân sự cấp cao tại Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica, Khôi đã trực tiếp làm việc tại 2 sản phẩm lớn, đem lại nhiều giá trị cho xã hội, trong đó ứng dụng học tiếng Anh miễn phí trực tuyến trên điện thoại smartphone, thu hút hơn 300 nghìn người dùng sau hơn 1 năm hoạt động.

Nguyễn Khôi chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Nguyễn Khôi chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Tại chương trình đối thoại, trước câu hỏi "Theo bạn, làm thế nào để có thể khởi nghiệp mà không xa rời thực tế?", Nguyễn Khôi cho rằng: "Theo tôi có hai thứ. Thứ nhất là sáng tạo và thứ hai là thực tế. Chúng ta nói đến sáng tạo rất nhiều nhưng sáng tạo phải thực tế nữa. Khi tôi nghĩ ra ý tưởng gì đó, trước khi đưa rộng ra thị trường thì phải chứng minh nhu cầu để đảm bảo đưa ra có người dùng. Thực tế là 90% sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo đều thất bại vì ý tưởng hay nhưng không có nhu cầu thị trường".

Để kết nối sáng tạo khởi nghiệp, sáng tạo nước ngoài với cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, Nguyễn Khôi cho hay: Hiện nay, các nhóm khởi nghiệp cũng tạo ra cộng đồng nhỏ để giao lưu, trao đổi. Việt Nam có thế mạnh các bạn trẻ sáng tạo và hội nhập được với thế giới. Hiện nay, nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo đã sang đặt trụ sở tại Mỹ. Vì vậy, họ cũng cần kết nối để tận dụng nguồn lực trong nước. Vấn đề là làm sao để cộng đồng khởi nghiệp có sự kết nối tốt hơn.

Trả lời câu hỏi "Với khả năng của bạn, có thể viết chương trình để kết nối?", Nguyễn Khôi cho rằng: "Hiện tại có facebook rồi. Cộng đồng người Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp không thiếu. Thiếu là người sẵn sàng chia sẻ, có chủ đề đủ hay, dẫn dắt câu chuyện để mọi người học tập lẫn nhau.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/tien-si-cham-yeu-vi-khoa-hoc-ceo-khoi-nghiep-tu-thuc-te-1253760.tpo