Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu: Bi kịch của những đứa trẻ 'nghiện chơi dao'
Tiến sĩ chỉ ra bi kịch của những đứa trẻ 'chơi dao', khi trẻ ngày càng bị ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần.
"Xin hỏi các bậc phụ huynh, nếu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có hình dạng hoặc chức năng gần giống một con dao thì cha mẹ có vô lo và vô tư đặt nó vào tay con mình mỗi ngày không? Cha mẹ có cho con chơi thoải mái mỗi ngày vài tiếng hay không?", đó là câu hỏi của Tiến sĩ Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu, tác giả các cuốn sách "Thay đổi vì con".
Tiến sĩ cũng chỉ ra bi kịch của những đứa trẻ "chơi dao", khi trẻ ngày càng bị ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần vì sa đà vào đồ chơi công nghệ.
Não của con với bão công nghệ
Nhiều khi đi dạy, thấy học trò đem đồ chơi công nghệ vào lớp, hễ rảnh chút nào là chúi đầu vào màn hình bấm bấm quẹt quẹt, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu tâm sự, anh chỉ muốn tịch thu hết mấy món đồ chơi đó. Có bao nhiêu phụ huynh hiểu rằng những món hàng đắt tiền ấy đang giết dần giết mòn bao hạt mầm tốt đẹp lẽ ra mai kia có thể nở hoa trong tâm trí lũ trẻ?
“Nhiều khi tôi cũng muốn chất vấn các công ty làm game, các "nhà giáo dục" tung hô mấy thứ công nghệ cao 4.0: "Có ai trong số quý vị đã bao giờ bước vào lớp học và dõi theo tụi nhỏ trong vài năm dài để hiểu mấy thứ công nghệ đó đang làm gì với tâm trí và cuộc đời của chúng không", Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đặt câu hỏi.
Theo tổ chức Kaiser Family Foundation, học sinh 8-18 tuổi ngày nay ở Mỹ trung bình "nướng" năm tiếng rưỡi mỗi ngày trên các thể loại màn hình như tivi, điện thoại, mạng xã hội, video game; và bảy tiếng rưỡi nếu như tính cả thời gian hai mắt hai màn hình, ví dụ như vừa liếc tivi vừa lướt điện thoại. Riêng nhóm học sinh cấp ba thì cộng thêm hai tiếng rưỡi nữa để alo, chat chit. Tính ra thời gian dán mắt vào màn hình, trói tay vào bàn phím của trẻ mỗi ngày còn nhiều hơn thời gian ngủ.
Thế nhưng, từ mẫu giáo cho đến tuổi teen, chẳng có bộ não của đứa trẻ nào đủ sức đương đầu với thế lực ma quái của các đồ chơi công nghệ cả. Con nít thì khỏi nói rồi, vì não của chúng còn quá mong manh, chưa cứng cáp. Thậm chí, cả nhóm teen cũng chưa chắc đủ sức để chống lại sức tàn phá vô tâm và không hề nhân nhượng của công nghệ.
Vào tuổi teen, đó là lúc phần não chiết xuất Dopamine - dược chất cho sự thích thú và hưng phấn – vào lúc chín muồi. Do vậy, tuổi này tiếp xúc với cái gì nhiều là sẽ mê đắm cái đó, bởi những cảm giác mới lạ xuất hiện, khiến chúng phấn khích và ham muốn có nhiều hơn nữa.
Ngược lại, phần não kiểm soát những ham muốn Prefrontal Cortex – lại chưa cứng cáp, vì nó vốn dĩ là một trong những phần não trưởng thành sau cùng của não người. Thế là, một bên não đang "hưng phấn" nhấn chân đạp ga vù vù, mới thử cái gì là lạ cũng thấy thích, còn bên não "phanh thắng" lại chưa đủ vững vàng để có thể kìm hãm, dẫn đến chuyện các em mà lỡ dính vào cái gì dễ ghiền là nghiện ngay.
Sự phát tán tràn lan như dịch bệnh của những "món ăn" công nghệ cao như video game, mạng xã hội, YouTube, và hàng loạt ứng dụng ào ào ra đời, khiến các em khó kiềm chế. Dần dà, nhiều đứa trẻ nghiện điện thoại, máy tính bảng chẳng khác nào người lớn nghiện thuốc lá, bia rượu, cờ bạc,...
Thế là với chúng, việc bền bỉ nỗ lực cả tháng trời để tiến bộ trong học tập, hay một ngày phấn đấu làm luận, một tuần đọc xong nguyên cuốn sách,... cũng không mang lại cảm giác hưng phấn, khao khát bằng việc chiến thắng một trò chơi trong vài phút hay lướt chục video trong một tiếng đồng hồ. Thế nên, đây là thời kỳ bùng nổ của không ít thói hư tật xấu, khi lũ trẻ bị điều khiển như con rối bởi nhà máy sản xuất Dopamine đang hoạt động tối đa trong não và sự cuốn hút của những đồ chơi công nghệ.
Khó đổ lỗi toàn phần cho con trẻ trong việc này vì chính cha mẹ là người ngày ngày đặt vào tay trẻ "con dao công nghệ" mà quên dạy chúng cách dùng con dao ấy sao cho không bị đứt tay, khi nào thì nên dùng, khi nào nên cất con dao ấy đi...
Người lớn "khôn ngoan" và tham lam
Từ những năm 2000, ngành công nghiệp video game chi bộn tiền để thuê nhiều nhà khoa học nghiên cứu trên trẻ con và người trẻ tuổi. Họ có nhiệm vụ thiết kế càng nhiều game có sức hút, càng có ma lực càng tốt, tung mọi ngón nghề "thông minh" cốt chỉ để làm sao cho người chơi suốt ngày dán mắt vào màn hình.
Thử hỏi làm sao những đứa trẻ hồn nhiên kia có thể chống lại những công ty khổng lồ, có sự hỗ trợ của các nhà khoa học muốn tìm cách biến bộ não của lũ trẻ thành con rối? Khi các ông lớn sản xuất game ngày càng giàu thì não của lũ trẻ ngày càng bị những món game ăn mòn. Ai sẽ để tâm điều này, khi chính cha mẹ của lũ trẻ vẫn còn ngó lơ, mặc kệ?
Ngày nay, người ta cứ phát cuồng, ăn theo làn sóng công nghệ tung hoành mọi ngóc ngách như vũ bão. Không ít quảng cáo công nghệ cứ ra rả thông điệp "Công nghệ là lời giải số 1 cho giáo dục". Trong khi đó, nhiều phụ huynh không thể biết chính xác con mình mỗi ngày tiếp xúc bao lâu với công nghệ. Thậm chí, nhiều người còn mù tịt về những tác động của công nghệ đến cấu trúc não bộ, tư duy và tính cách của trẻ.
Nhiều trẻ chơi điện thoại, máy tính bảng mọi lúc mọi nơi, từ sáng tới tối, từ nhà đến lớp, đến trung tâm dạy thêm,... Có trẻ dính chặt vào đồ chơi công nghệ như keo dính chuột, hễ thiếu đồ chơi là cảm thấy bứt rứt khó chịu như con nghiện.
Để có thể thu được hàng tỷ đô la mỗi năm, ngành công nghiệp video game, với sự tiếp tay của mạng xã hội, đã nỗ lực hút hết thời gian "sống thật" của lũ trẻ. Họ dán lũ trẻ vào thế giới ảo mà họ đã, đang và sẽ còn đổ cả đống tiền ra để quảng cáo, tung hô rằng công nghệ có thể dạy cho trẻ nhiều kiến thức, kỹ năng và tư duy ưu việt.
Thực ra, chỉ có rất ít trò chơi, phần mềm hay công nghệ làm được điều này. Tính đến nay, chỉ có rất ít công trình nghiên cứu khoa học công nhận "có vài đồ chơi công nghệ" là có ích. Đa số là "ma quỷ mặc áo cà sa". Và phần lớn những con ma quỷ máy móc có sức cám dỗ kinh hồn đó đang ngày ngày khiến lũ trẻ lẫn lộn giữa thực và ảo.
Nhập nhằng thực – ảo
Theo Tạp chí Tâm thần học của Mỹ, nghiện video game và Internet là những căn bệnh cực kỳ khó chữa. Ngay cả các bác sĩ tâm lý hay chuyên gia tâm thần học cũng đành chấp nhận gắn mác "nan y" cho căn bệnh này, chứ đừng nói chỉ các ông bố bà mẹ, thầy cô, nhà trường.
Thật ra, việc con trẻ sử dụng công nghệ không phải là vấn đề quá nguy hiểm nếu chúng sử dụng trong chừng mực thích hợp. Vấn đề là nhiều nơi đang lạm dụng công nghệ mà không hề hay biết mình đang làm tăng bao nhiêu vào quỹ thời gian dùng công nghệ của lũ trẻ. Mỗi nơi cứ cho lũ trẻ sử dụng công nghệ một chút, nhiều cái chút góp lại thành một lượng thời gian không nhỏ.
Thậm chí giờ đây, nhiều trường và trung tâm học thêm còn dùng công nghệ 4.0 như một phương tiện thời thượng để quảng cáo cho chất lượng giáo dục của mình - không quan tâm tới điều gì mới thật là sự phát triển tốt nhất cho não bộ và chuyện học của trẻ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã chỉ ra rằng: Mỗi giờ một người dùng Internet ở nhà là giảm đi 24 phút gia đình được chạm mặt nhau. Giờ đây, internet hay màn hình công nghệ không còn là công cụ hỗ trợ giao tiếp và tương tác như sứ mệnh tốt đẹp ban đầu của nó, mà đã dần trở thành vật thay thế, hạ bệ vai trò của nhiều cha mẹ trong việc dạy dỗ và đồng hành cùng con. Sau một ngày dài bận rộn, con trẻ, và kể cả cha mẹ, nhiều khi chỉ thích "tâm sự", "ôm ấp" cái điện thoại hay máy tính bảng hơn là gần gũi tâm tình với những người thân yêu.
Con trẻ cần tương tác và giao tiếp thường xuyên, tích cực với cha mẹ để điều tiết cảm xúc và nhận thức về bản thân tốt hơn. Điều này cần thiết từ khi trẻ sinh ra và lẽ ra nên kéo dài đến tận lúc trưởng thành. Những nghiên cứu não bộ đã chỉ ra rằng việc trẻ tương tác, giao tiếp với cha mẹ, con người và thế giới xung quanh mới thật sự giúp cho sự phát triển của bộ não, tạo kết nối thần kinh và tăng dung lượng não tốt nhất. Trong ý nghĩa này, những món đồ chơi công nghệ cao chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển não bộ và cảm xúc của con trẻ.
Càng lạm dụng công nghệ, trẻ con càng có xu hướng thu mình vào thế giới ảo và ngại tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sự thông minh về cảm xúc và xã hội của chúng cũng theo đó giảm đi. Theo nghiên cứu trên Tạp chí Tâm thần học Mỹ, trẻ 10-11 tuổi khi chơi máy tính (không phải là để làm bài tập hay học hành) hơn hai tiếng mỗi ngày, có xác suất bị trầm cảm tâm lý cao hơn nhiều so với những đứa trẻ còn lại. Chúng dễ bộc phát các hành vi sai lệch đạo đức, pháp luật hơn. Khi lớn lên, chúng có nhiều khả năng sẽ nốc rượu, hút thuốc, cờ bạc, bạo lực,... hơn.
“Có hôm, vừa bước vào lớp học, tôi đã thấy hơn chục đứa trẻ đều đang chúi đầu vào cái điện thoại của mình, chẳng đứa nào thèm nói chuyện với đứa nào. Tôi tạm tịch thu hết điện thoại, thông báo rằng sẽ cấm sử dụng suốt hai tiếng. Mấy phút đầu, chúng í ới phản đối. Tôi vẫn giữ nguyên quyết định, kèm theo lời giải thích ngắn ở dạng câu hỏi: “Tụi con đến đây để học chữ hay để chơi máy?”.
Thế là, giờ ra chơi, chẳng có máy xịn để bắn hay bấm bấm quẹt quẹt, chúng ngứa ngáy tay chân quá nên hai ba đứa túm tụm nhau mượn cái bảng “nông dân” mà tôi hay viết để chơi caro. Vài đứa khác ngáp vài giây rồi lấy giấy ra vẽ vời câu chuyện vớ vẩn gì đó, thi thoảng cười khì khì. Còn một nhóm bốn năm đứa thì vo tròn chục tờ giấy nháp lại, xin chút băng keo trong để dán cố định, rồi chia phe đá banh. Những hoạt động đơn giản và ngây thơ thế thôi nhưng có thể giúp chúng học được bao nhiêu thứ tuyệt vời và tích lũy những điều kỳ diệu của tình bè bạn”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Nếu như “hai thánh công nghệ” Bill Gates và Steve Jobs đều hạn chế thời gian tiếp xúc công nghệ mỗi ngày của chính con mình, hay không cho chúng có iPhone đến tầm 14-15 tuổi, thì nhiều người lớn cũng cần xem lại cái cách công nghệ đang âm thầm “cướp đi” tuổi thơ của con mình như thế nào.
Theo hai giáo sư tâm lý học Jean Twenge và Tim Kaiser, giờ đây tụi trẻ đang có một fantasy gap – khoảng cách ảo tưởng – giữa cái chúng mong muốn và mức độ chúng sẵn sàng bỏ công sức, quyết tâm nỗ lực để đạt được điều đó.
Vào những năm 70, 48% học sinh tốt nghiệp cấp ba nghĩ rằng đi làm kiếm tiền là quan trọng. Đến những năm 2000, con số này tăng lên đến 62%. Ấy thế mà mức độ sẵn sàng học tập và làm việc của học sinh thì xoay đầu, đi theo chiều ngược lại. Ngày xưa, 25% thú nhận rằng chúng không muốn học tập hay làm việc chăm chỉ, còn giờ đây chỉ số biếng lười này đã phi mã lên đến tận 39%, và chưa hề có dấu hiệu giảm tốc. Tóm lại, tỷ lệ học sinh thích sung sướng, ngồi chờ sung rụng đang tăng lên theo sự phát triển của công nghệ.
Kiệt sức với con quỷ công nghệ
Những "phần thưởng" từ video game, mạng xã hội, YouTube, ứng dụng trò chơi,... làm cho tụi trẻ ngày càng bị bệnh lười nặng, chỉ thích chọn những công việc và đề bài dễ dàng. Điều này được lý giải thế nào? Với chúng, việc học hành hoặc tập luyện thể thao, đọc sách khiến chúng tốn quá nhiều công sức, thời gian nhưng chẳng thu lại được bao nhiêu hưng phấn, còn mấy món đồ chơi có thể bấm quẹt siêu nhanh lại ban tặng cho chúng những cơn hưng phấn ào ào trong tích tắc.
Thảo nào khi công nghệ lên ngôi thì chuyện học hành đành nghẹn ngào trở thành chuyện... thứ cấp trong lòng lũ trẻ.
Chơi game càng nhiều, tụi nhỏ càng thuần thục thao tác xử lý nhanh các chướng ngại vật, chú ý nhiều hấp dẫn xuất hiện liên tục trong game để bắn hạ địch hoặc thâu gom vũ khí, kho báu. Mấy ngón tay không ngừng tăng động, bấm quẹt liên tục, còn con mắt thì đảo trái liếc phải không ngừng.
Những kỹ năng được cho là "bí kíp võ lâm" khi tiếp xúc với công nghệ cao này, tiếc thay, lại đối nghịch gần như hoàn toàn với những kỹ năng cần cho việc học, tức là ngồi im chú tâm, đọc sách từ từ, suy nghĩ chậm và sâu để thấm thật lâu những kiến thức khó nhằn, đọc đi đọc lại vài lần mới “Ồ, thì ra là thế”.
Vì vậy, đứa trẻ nào chơi game hoặc lướt mạng càng nhiều thì càng "suy dinh dưỡng" những kỹ năng cần cho học tập và có thể mất khả năng tự kiểm soát – self-control - vốn được hầu hết các nhà nghiên cứu tâm lý và giáo dục chốt hạ là một trong những lá bài quyết định cho thành công và hạnh phúc trong học tập, công việc, cuộc sống.
Khả năng tự kiểm soát không chỉ đảm bảo năng lực chú tâm mà còn là năng lực kiểm soát bản thân trước những cám dỗ, xao nhãng để xử lý công việc, chinh phục thử thách. Nhà sinh học John Medina, trong cuốn sách Brain Rules (Quy tắc não), đã chỉ ra rõ: Bộ não không thể nào thao tác đa nhiệm – multitask – được, vì não chỉ có thể chú tâm vào mỗi lúc một việc thôi. Do vậy, các nhà khoa học của Đại học Stanford đã kết luận rằng: Bộ não của những người thao tác đa nhiệm chính là mảnh đất màu mỡ để con virus mang tên Xao Nhãng được bám rễ, bành trướng.
Christopher Lucas, giáo sư tâm thần học của Đại học New York, đã cảnh báo: Vừa học vừa chơi game, lướt mạng thì chỉ có dẫn đến việc bộ não đa nhiệm đó ngày càng... đa nhiệm. Bắn game và lướt internet ào ào mà cứ đinh ninh là vẫn đang học bài, làm bài. Để rồi phần nào Prefrontal Cortex, vốn dĩ sinh ra là để đảm nhận vai trò CEO của bộ não, dần mất kiểm soát và bị hạ bệ, trong khi chính cái ông CEO này lại đóng vai trò quan trọng có một không hai trong việc tư duy logic, lập kế hoạch, kiểm soát hành vi, điều chỉnh cảm xúc của con người.
Một chuỗi các công trình nghiên cứu trong chục năm qua đã chỉ rõ rằng: Trẻ con chơi game càng nhiều thì càng học kém đi ở trường, dù là bậc tiểu học, cấp hai, cấp ba hay đại học. Khi lên cấp hai, cấp ba, nhiều "siêu sao" từ thuở bé bắt đầu tụt dốc không phanh, mất động lực học tập và trở thành những con ngựa bất kham.
Mỗi ngày, cứ phải đối diện "con quỷ công nghệ" đang tràn lan, hớp hồn đám trẻ trong trường lớp và xã hội, thú thật tôi vừa thương lũ trẻ và cha mẹ chúng, vừa tiếc vừa giận việc các cha mẹ mờ mắt đổ cả núi tiền vào các đồ chơi công nghệ, để rồi giờ đây người lãnh hết hậu quả là lũ trẻ con vô tội và hồn nhiên.
Tôi từng bất lực khi khuyên một số phụ huynh nên hạn chế thời gian cho trẻ dùng đồ chơi công nghệ. Họ nghĩ rằng trang bị cho con điện thoại xịn, máy tính sang, cho con “hẹn hò” thoải mái cùng công nghệ mỗi ngày chính là giúp con "cool ngầu", hợp thời và giúp con phát triển trí thông minh sớm, chinh phục cái abc, xyz gì gì đó nghe rất kêu như lời quảng cáo. Nhưng thực ra, những sản phẩm thông minh ấy đang chực chờ đánh cắp bao điều quý giá của trẻ.
Những đứa trẻ lớn lên cùng bao món đồ chơi công nghệ đó đang học hành thế nào? Tư duy và tính cách của chúng mai sau sẽ méo tròn, thiếu đủ ra sao? Cuộc sống của chúng sau này có tốt đẹp không? Rồi cuộc đời của chúng đi đâu và về đâu?,... Nếu luôn băn khoăn với những câu hỏi này, có lẽ ngay hôm nay, ngay lúc này, nhiều cha mẹ nên cẩn trọng "uốn não ba lần" trước khi đặt điện thoại, máy tính bảng, tức những con dao vô hình, vào tay con mình.
Cần cả một khu phố, một xã hội với những người vừa có tài vừa có tâm để dạy một đứa trẻ nên người, có đủ năng lực và bản lĩnh, tính cách để tạo lập thành công, hạnh phúc cho riêng mình. Và khu phố ấy, xã hội ấy, cùng những người có tài và tâm đó KHÔNG nằm trong mấy cái đồ chơi công nghệ cao 4.0 đâu! Không bao giờ!
Hãy để lũ trẻ được cười thật tươi giữa cuộc sống thật, cả khi không có bóng dáng của công nghệ cao. Và trước khi vội vàng tung hô và chạy theo bất cứ trào lưu nào, chúng ta cần hiểu một cách tổng thể sự vận hành của não bộ, vốn là cỗ máy tuyệt diệu nhất trời ban cho con người. Chỉ khi đó, có lẽ chúng ta mới can đảm đi ngược gió, để kiên định và bình yên giữ gìn tuổi thơ của con trẻ, bồi đắp chiều sâu trí tuệ và sự nhân văn cho con trẻ.