Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương: Cần xây dựng hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân bằng trái tim

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương là nhà viết kịch luôn tâm huyết với nhiều tác phẩm giá trị cho đời

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần V - năm 2025

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần V - năm 2025

Tham dự Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân (CAND)" lần V năm 2025 có các thể loại gồm: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca ví dặm, Ca kịch Huế, Ca kịch bài chòi, nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương – Chủ tịch Hội đồng giám khảo - đã trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về kết quả liên hoan.

Liên hoan là bức tranh đa sắc màu về sự hy sinh thầm lặng

. Phóng viên: Sau 13 ngày tranh tài của 21 đơn vị nghệ thuật với 25 vở diễn tham dự liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về "hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ 5 - năm 2025, ông có suy nghĩ gì ở góc độ chủ tịch Hội đồng giám khảo?

- Nhà viết kịch, tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương: 25 tác phẩm tham dự liên hoan là bức tranh đa sắc màu, khắc họa đậm nét nhiều góc cạnh, nhiều lĩnh vực, nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, khó khăn, nhiều góc khuất cuộc đời và ở trong đời sống xã hội đã và đang đè nặng lên đôi vai của chiến sĩ công an nhân dân.

Khán giả đến xem liên hoan đã được nghe rất nhiều tiếng nổ trên sân khấu trong những ngày qua. Trong những tiếng nổ ấy, có sự công phá ghê gớm của khối bộc phá trên đỉnh núi cột cờ, đánh dấu sự hy sinh đầu tiên, sự hy sinh bằng ý thức tự nguyện của lực lượng công an mới thành lập, để bảo vệ chính quyền non trẻ trước thù trong giặc ngoài khi đất nước vừa giành độc lập.

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần V - năm 2025 và tác giả - nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp (ảnh: Trung Kiên)

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần V - năm 2025 và tác giả - nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp (ảnh: Trung Kiên)

Một tiếng nổ khác dựng nên cột sóng, trở thành tượng đài giữa biển khơi, nhấn chìm kẻ thù dưới lòng biển, trong những năm tháng cả dân tộc trường kỳ chống thực dân xâm lăng. Những con người ấy đã được lịch sử tạc tên, được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng và trở thành biểu tượng cho các thế hệ đi sau tiếp bước noi gương.

Trong thực tế, lực lượng công an nhân dân hy sinh khá nhiều ở thời kỳ chống Mỹ, sự hy sinh của chiến sĩ công an thời kỳ này được nghệ thuật sân khấu khai thác bằng cách nhìn mới. Đó là sự hy sinh thầm lặng, hay nói cách khác là hy sinh trong im lặng của những chiến sĩ biệt động.

Bản thân họ là trí thức, là nghệ sĩ làm cách mạng của lực lượng công an nhân dân, họ chưa ngày nào được khoác trên mình những cảnh phục, phù hiệu, cầu vai... Và đến hôm nay, nhiều cống hiến hy sinh của những chiến sĩ biệt động vẫn "phải gói" trong im lặng!

. Điều ông còn băn khoăn ở liên hoan lần này là gì?

- Trong thời đại công nghệ 4.0 với một thế giới phẳng, đời sống xã hội có nhiều thay đổi tích cực nhưng cũng xuất hiện nhiều tội phạm rất tinh vi đang len lỏi ở mọi lĩnh vực trên một không gian xuyên biên giới. Đây là thách thức lớn đối với lực lượng công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và sự bình yên của xã hội.

Từ những vụ án có thật, nhiều đơn vị nghệ thuật đã xây dựng tác phẩm, diễn tả lại quá trình phá án của công an nhân dân với các tội phạm buôn bán người, buôn bán vận chuyển ma túy, buôn bán nội tạng, tham nhũng, tai nạn giao thông, cướp của, giết người, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng…

Mỗi vụ án được kể theo phương pháp, thủ pháp nghệ thuật và phong cách khác nhau. Vấn đề chính là việc đầu tư sáng tác kịch bản cần phải có sự nghiên cứu kỹ về nghiệp vụ chuyên môn.

Một cảnh trong kịch bản "Không gục ngã" của Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn tại Liên hoan và đoạt HCV

Một cảnh trong kịch bản "Không gục ngã" của Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn tại Liên hoan và đoạt HCV

Người công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ

. Theo ông để có được những kịch bản bám sát thời sự cần phải tập trung đầu tư như thế nào cho mùa liên hoan sau?

- Trong liên hoan, có vụ phá án được đẩy lên thành "ly kỳ án" mang hơi hướng giả tưởng trong một số vở. Nhưng tất cả đều khát vọng, mong muốn và vươn tới cái đích là xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân "dũng cảm, trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, quyết liệt và nhân văn".

Tuy nhiên, những đơn vị nghệ thuật diễn tả tại liên hoan chỉ là một phần nhỏ chiến công của lực lượng công an nhân dân trong công tác phá án. Bởi vì, chưa có vụ án nào thuộc bất cứ lĩnh vực nào mà công an nhân dân Việt Nam không phá được. Đã có ba đơn vị nghệ thuật lựa chọn đề tài này để khai thác về những gian khó hiểm nguy và sự hy sinh quả cảm của người lính cứu hỏa.

Các anh hy sinh giữa vòng vây của giặc lửa và hóa thân thành những vì sao sáng giữa ban ngày cho mặt đất và bầu trời trong xanh trở lại. Tất cả những hình tượng được thể hiện rất đơn giản, rất đời thường, rất mộc mạc, không có gì to tát ghê gớm, nhưng nó được nảy sinh từ đạo đức, nhân cách, từ tình cảm trách nhiệm, từ sự tận tâm, nhiệt huyết trong trái tim nóng bỏng với khát vọng được cống hiến, được vì nước quên thân, vì dân phục vụ của lực lượng công an.

Một cảnh trong vở "Trời xanh nơi đáy vực" của đạo diễn Nguyễn Hoàng Tùng - đoạt HCV tại Liên hoan

Một cảnh trong vở "Trời xanh nơi đáy vực" của đạo diễn Nguyễn Hoàng Tùng - đoạt HCV tại Liên hoan

TS Nguyễn Đăng Chương: Có nhất thiết phải hy sinh mới thành hình tượng?

. Trong những năm qua, Bộ Công an đã tổ chức các đoàn tác giả đi thực tế, phát động sáng tác trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ kinh phí để các đơn vị dàn dựng tác phẩm. Đây là sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Liên hoan Nghệ thuật sân khấu lần này. Ông nhìn nhận những hạn chế của liên hoan như thế nào?

- Có những tác phẩm sa đà, khai thác quá nhiều về tội phạm, về những suy nghĩ hành động tội lỗi, những toan tính âm mưu, những thủ đoạn mất hết nhân tính của kẻ phạm tội. Bởi vậy, hình ảnh người chiến sĩ công an trong tác phẩm bị mờ nhạt, sự có mặt của họ để giải quyết những vấn đề trong kịch bản dường như là để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, họ không có đủ đất và thời lượng diễn trên sân khấu để tạo nên hình tượng.

Một số vở diễn thiếu tính chân thật. Từ xây dựng cốt kịch, cấu trúc tác phẩm, xây dựng các sự kiện, tình huống, hoàn cảnh và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật là do tác giả, đạo diễn áp đặt, bắt nhân vật phải nói theo ý chủ quan của tác giả nên người xem thấy nhân vật đó, hoàn cảnh đó, tình huống đó không có thật ở ngoài đời.

Ai cũng hiểu người sáng tạo muốn đẩy nhân vật vào hoàn cảnh bi kịch, để cho họ vượt qua và chiến thắng. Nhưng nếu hư cấu quá thì chỉ tạo nên sự phản cảm mà thôi! Trong liên hoan lần này, các nhân vật là chiến sĩ công an hy sinh nhiều quá! Các nhân vật hy sinh đều ở những tác phẩm phá án ma túy, buôn người và cứu hộ cứu nạn. Vẫn biết rằng, cuộc chiến nào cũng có mất mát, hy sinh. Thế nhưng, có nhất thiết cứ phải hy sinh thì mới thành hình tượng chiến sĩ công an nhân dân?

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương còn nhấn mạnh, lịch sử công an nhân dân gắn liền với lịch sử dân tộc. Bởi vậy, đây là mảnh đất màu mỡ cho những người cầm bút cày xới để sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Công an của chúng ta là "Công an nhân dân" nhưng chưa thấy vở diễn nào khai thác vấn đề "Người công an sống trong lòng dân", "tình cảm của nhân dân đối với người chiến sĩ công an", "sự gắn bó máu thịt giữa người dân và công an", "Nhân dân là điểm tựa để tạo nên hình tượng người chiến sĩ công an" và còn rất nhiều vấn đề hay khác nữa nhưng chưa được khai thác.

Theo ông, lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu mới hiểu về người chiến sĩ công an ở hình thức bên ngoài, ở những thông tin mà các cơ quan truyền thông đưa tin hàng ngày, chưa hiểu được hạt nhân, bản chất, những khó khăn gian khổ hy sinh, những sâu thẳm bên trong đã trở thành máu thịt của chiến sĩ công an. Hãy viết về chiến sĩ công an nhân dân bằng trái tim.

Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân" lần V - năm 2025

Trong sự nghiệp sáng tác kịch bản, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương đã có nhiều tác phẩm gây tiếng vang, như: "Chuyện tình người mất tích", "Nắng quái chiều hôm", "Tội ác quyền lực", "Vượt qua tâm bão", "Lâu đài cát", "Đường đua trong bóng tối", "Không phải là vụ án", "Gặp lại người đã chết", "Trả giá", "Không gục ngã"... Kịch bản "Không phải là vụ án" có tới 3 đoàn dựng ở 3 loại hình là kịch nói, chèo, dân ca kịch; vở "Gặp lại người đã chết" có chèo, kịch nói; vở "Làm vua" có 5 đoàn dàn dựng; vở "Điều còn lại" có 6 đoàn dàn dựng; vở "Đất liền và biển cả" có 2 đoàn dàn dựng cải lương và chèo... Kịch bản "Chuyện tình người mất tích" của ông có tới 18 đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Năm 2017, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm kịch bản sân khấu: "Một cây làm chẳng nên non"; "Biển và bờ" (hay "Tội ác và quyền lực"); "Đường đua trong bóng tối".

Thanh Hiệp (ảnh Thanh Hiệp và NSCC)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tien-si-nguyen-dang-chuong-can-xay-dung-hinh-tuong-chien-si-cong-an-nhan-dan-bang-trai-tim-196250708134404198.htm