Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Cải cách kinh tế 'đột' mãi không 'bứt phá' được
'Chính phủ hô hào, chuyên gia kêu gọi các giải pháp đột phá để cải cách, bứt phá thể chế kinh tế nhưng theo tôi chúng ta đang 'đột' mãi mà không 'bứt phá' được. Do những người 'đột' quá yếu quá hoặc do bộ máy bên dưới trì trệ, không làm', Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương chia sẻ.
Tại Hội nghị Tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra sáng nay (17/9) tại Hà Nội, các chuyên gia, học giả trong nước cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chậm cải cách. Chính phủ ra nhiều Nghị quyết, chính sách về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, về tái cơ cấu khu vực công. Tuy nhiên, thực thi chính sách yếu kém và hiệu quả thấp.
Ông Cung nói: Chúng ta ra nhiều Nghị quyết, kết luận về một chủ đề chứng tỏ chúng ta không đạt được mục tiêu, cứ phải đưa thêm chính sách.
"Nhiều khi chúng ta lặp lại khuyến nghị, nhưng nói nhiều mà không ai làm, chúng tôi luôn đưa khuyến nghị mới. Nhiều khuyến nghị từ 10 đến 15 năm trước đã nêu ra nhưng không giải quyết đến nay vẫn khuyến nghị đó. Nghị quyết ra đời nhưng thực hiện lại dậm chân một chỗ, không thay đổi, quay quay lại về chỗ cũ", TS Cung nói.
Theo lời ông Cung, chúng ta cần kết thúc quá trình tái cơ cấu để xem tái cơ cấu đạt mục tiêu như thế nào, chứ không cứ năm này nối tiếp năm kia, cứ Nghị quyết 19 này nối tiếp Nghị quyết 19 kia, cứ mãi chuyển đổi khi nào mới xong?
Viện trưởng Viện CIEM nói: "Chính phủ hô hào, chuyên gia kêu gọi các giải pháp đột phá để cải cách thể chế kinh tế, bứt phá kinh tế nhưng theo tôi chúng ta đang "đột" mãi không "bứt phá" được. Do những người "đột" quá yếu quá hoặc quá ít, sức đã chạm trần hoặc do bộ máy bên dưới trì trệ, không làm".
"Cải cách kinh tế phải gắn liền với thể chế hành chính công và bộ máy quản lý. Thời gian dài vừa qua, chúng ta chỉ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của vấn đề", ông Cung nói.
Vị chuyên gia của CIEM thừa nhận, cải cách, tái cơ cấu phải thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi phân bổ nguồn lực, đánh giá hiệu quả kinh tế Nhà nước toàn diện, thay đổi con người, cách thức do hiệu quả chính sách....
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: Việt Nam vẫn chỉ có các thước đo tăng trưởng GDP, chỉ tiêu xuất nhập khẩu hoặc trông chờ vào ngành chế tạo tăng bao nhiêu %. Chúng ta cần có thước đo thêm để đánh giá nền kinh tế có thực sự chuyển đổi hay không đó là: Nền kinh tế có giá trị gia tăng bao nhiêu qua năm qua, FDI đem vốn nhưng công nghệ thay đổi như nào đối với từng ngành, lĩnh vực hoặc là đo sức khỏe doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp....
"Dù công nghiệp chế tạo tăng trưởng lớn nhưng giá trị gia tăng cũng chưa ai biết bao nhiêu. Chúng ta chỉ xuất khẩu hộ từ trung gian, người đặt hàng hoặc nước khác", bà Lan nói.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nhiều khi chúng ta cứ nói FDI hưởng lợi từ mở cửa thị trường xuất khẩu, nhưng có những nước không đầu tư vào Việt Nam cũng hưởng lợi nhờ vào việc xuất khẩu vào nước ta. Trung Quốc không đầu tư quá nhiều vốn vào Việt Nam nhưng họ hưởng lợi lớn khi xuất nguyên vật liệu vào Việt Nam".
Nếu điểm lại chính sách, Nghị quyết ban hành, chúng ta rất nhiều, đầy đủ nhưng tại sao không tạo bước ngoặt về thể chế ? Trách nhiệm giải trình tại ai? Nếu chúng ta tiếp tục ra chính sách mà không làm thì 10 năm nữa cũng không làm được.
"Ngày xưa cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói giờ không chỉ còn là nói nữa mà phải viết ra và làm ngay. Nghị quyết không sát hay bộ máy thực thi yếu kém không làm được?", bà Lan nói.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước như Hàn Quốc, Singapore hay lãnh thổ Đài Loan...
Học kinh nghiệm ở đây là xem cùng một lộ trình cải cách, họ thực hiện như thế nào, hiệu quả đến đâu. Việt Nam cứ nói là thực hiện, cứ nói chậm nhưng chậm thế nào không ai biết và không có gì để so sánh, chỉ chúng ta tự so với chính chúng ta thì không tiến bộ được.
Nguyên nhân nghị quyết, chính sách chưa đi vào cuộc sống, theo ông Tuấn là do bộ máy cồng kềnh, trì trệ và kém hiệu quả. Không có chế tài, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu, điều này sẽ làm cho mọi ý tưởng của các chuyên gia bị thui chột, cố gắng của Chính phủ bị triệt tiêu, làm cho người thực hiện càng có cớ để không làm vì lợi ích của mình.
Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT): Nếu coi trạng thái kinh tế bình thường thì tái cơ cấu là điều làm liên tục, luôn luôn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, kinh tế có nhiều dấu hiệu bất ổn, thì tái cơ cấu cần có thời gian kết thúc, lộ trình kết thúc để biết có hiệu quả hay không.