Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng hỗ trợ DN hậu Covid-19

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu như DN không có tiền, không có công nghệ, không có những sự đột phá thì chỉ 3-6 tháng DN sẽ ngừng hoạt động. Từ đó ông đề xuất nên thành lập một tổ hợp tín dụng yêu cầu tất cả các ngân hàng tham gia để cùng hỗ trợ DN hậu Covid-19.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính”.

Một trong những vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua đó là các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng cồng doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nói riêng và những người lao động chịu tác động trực tiếp do dịch bệnh Covid nói chung.

Trước đó, Chính phủ đã có 4 gói hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa và người lao động bị mất việc làm. Nhưng hầu hết tất cả các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 kể trên đều chưa tiếp cận được với các gói hỗ trợ từ Chính phủ.

Trước thực trạng trên, tại Hội nghị này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng đã đưa ra đề nghị Chính phủ cần phải xem xét lại gói hỗ trợ mới 100.000 tỷ đồng sắp được triển khai tới đây, nếu như gói hỗ trợ mới này lại giống với 4 gói hỗ trợ trước đó, thì không biết chừng nào doanh nghiệp mới có được nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động phục hồi lại sản xuất kinh doanh.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng.

Ông Hiếu cũng cho rằng, nếu như không có tiền, không có công nghệ thì sẽ không có cải tiến khoa học kỹ thuật và DN sẽ không có được những tiến bộ đột phá. Như vậy thì chỉ trong vòng từ 3-6 tháng là DN sẽ đóng cửa.

Từ đó, ông đề xuất nên thành lập một tổ hợp tín dụng và yêu cầu tất cả ngân hàng phải tham gia. Ông Hiếu cho biết, tổng dư nợ hiện nay của các ngân hàng là 8,5 triệu tỷ đồng thì các ngân hàng chỉ cần trích ra 3% trên tổng dư nợ, cộng lại đã có 300 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ DN.

Ông cũng cho rằng cần phải sử dụng công nghệ thông tin để quản lý tổ hợp tín dụng đó. Với tổ hợp tín dụng này theo ông Hiếu không nên để ngân hàng thương mại quản lý tổ hợp đó thì sẽ hợp lý hơn. Từ đó, các DN vừa và nhỏ sẽ được cho vay với lãi suất thấp, ngân hàng sử dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn để hỗ trợ DN vừa và nhỏ.

“Vấn đề quản lý rủi ro là quan trọng. Bên cạnh các tổ chức tín dụng thì cần phải có cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chính phủ cần đổ tiền vào các quỹ bảo lãnh tín dụng để bồi thường cho ngân hàng nếu như các DN vừa và nhỏ không trả được nợ”, ông Hiếu cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng đề nghị phải có chương trình cho DN vừa và nhỏ có thời giạn trả nợ là 3 năm và có thể sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ tổ chức tín dụng đó. Phải có công nghệ để khảo sát DN và cũng chính là tiền đề đào tạo huấn luyện giúp DN đổi mới sáng tạo.

Trước những đề xuất cũng như kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cũng đã đưa ra những quan điểm riêng của ông về vấn đề này.

Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính”.

Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học công nghệ và cải cách quy định hành chính”.

Ông Thân cho rằng, bất kỳ vấn đề gì chúng ta cũng nên nhìn theo hai mặt của một vấn đề. Nhìn thực tế thì các ngân hàng đã cho vay được nhiều. Nhưng người Việt Nam có một đặc điểm là “những ai mà vay được của ngân hàng thì thường sẽ không nói gì còn những ai không cho vay được thì mới lên tiếng”.

"Trên thực tế, ngân hàng của là một cơ quan kinh doanh. Vì vậy họ phải xét đến yếu tố xem DN có trả nợ được không thì mới có thể cho vay được. Nếu không họ sẽ không thể có tiền đâu để bù vào. Ở một khía cạnh khác nếu như DN được Chính phủ bảo lãnh thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay ngày, như trường hợp của Vietnam Arilines là một ví dụ điển hình", ông Thân cho biết thêm.

"Bên cạnh đó, với những gói miễn giảm cho DN cần phải có những đề nghị cụ thể rõ ràng. Chính phủ bỏ tiền ra giúp DN, hỗ trợ DN gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng thể chế đang có nhiều lỗ hổng, vì vậy chúng ta phải hiến kế như thế nào để có thể áp dụng khoa học công nghệ một cách triệt để và hiệu quả nhất", ông Thân nhấn mạnh.

Với đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng của ông Nguyễn Trí Hiếu, ông Thân cho biết, Chính phủ sẵn sàng đồng ý, ủng hộ cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở Trung tâm thanh toán cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, cách đi, cách làm như nào thì cần phải có quy trình cụ thể. Phải có những chương trình thí điểm cụ thể, đưa ra những dự án, những giải pháp để giải quyết được vấn đề và làm sao để mọi người hiểu được giá trị của những việc làm trên.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/tien-si-nguyen-tri-hieu-de-xuat-thanh-lap-to-hop-tin-dung-ho-tro-dn-hau-covid-19/20201009065645010