Tiến sĩ Văn học chỉ ra điểm sáng của đề Ngữ văn thi vào lớp 10 ở Hà Nội

Từng có nhiều năm dạy Ngữ văn tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), TS Văn học Trịnh Thu Tuyết chia sẻ nhận định về đề thi vào lớp 10 THPT năm 2024.

Thí sinh được gọi vào phòng thi nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên. Ảnh: Đình Tuệ.

Thí sinh được gọi vào phòng thi nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên. Ảnh: Đình Tuệ.

Dạng đề quen thuộc

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2024-2025 nhìn chung vừa sức, không đánh đố học sinh, có tính phân loại ngay trong cấu trúc quen thuộc, kiểm tra đúng những đơn vị kiến thức và kĩ năng cơ bản trong chương trình.

Cả hai phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội đều có cùng một kiểu dạng với sự kết hợp giữa câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết đoạn văn.

Phần thứ nhất gồm 4 câu hỏi kiểm tra các kiến thức và kĩ năng với ngữ liệu là bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu. Câu hỏi số 1 kiểm tra những kiến thức về tác phẩm (thể thơ/ tìm một văn bản có thể thơ tương tự cùng với tên tác giả, tác phẩm).

Câu hỏi 2 và 3 kiểm tra kỹ năng thông hiểu và cảm thụ văn học, yêu cầu học sinh tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của cặp hình ảnh sóng đôi trong hai dòng thơ “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”, và chỉ ra giá trị biểu đạt của từ “đôi” trong dòng thơ “Anh với tôi đôi người xa lạ”.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ.

Đây đều là những kiến thức và kĩ năng rất cơ bản mà chắc chắn các em đã được cung cấp và luyện kĩ nên một mặt không làm khó thí sinh nhưng mặt khác vẫn tiềm tàng khả năng phân loại để phát hiện những học sinh có năng lực cảm thụ văn chương.

Ví dụ học sinh có thể thể hiện sự tinh tế của mình khi chỉ ra sự khác nhau về giá trị biểu đạt giữa hai từ “đôi” và “hai”, một từ chỉ số lượng đơn thuần, chỉ một tập hợp lỏng lẻo, có thể tăng giảm, thêm bớt; một từ chỉ một tập hợp gắn bó vững chắc, không thể thêm hay bớt một thành tố mà không phá hỏng cả tập hợp.

Câu hỏi số 4 kiểm tra kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung (làm rõ hình ảnh người lính trong 8 dòng thơ cuối bài Đồng chí) và hình thức được xác định trong câu lệnh (viết đoạn theo phép lập luận quy nạp, có sử dụng thành phần tình thái và thán từ).

Điểm thú vị là yêu cầu viết đoạn văn theo phép lập luận quy nạp sẽ có điểm gặp gỡ với bài thơ "Đồng chí", một văn bản cũng có tính quy nạp rất rõ khi từ 6 câu đầu bài thơ, tác giả đã liên tiếp đưa ra những tiêu chí của tình đồng chí để sau đó quy nạp, khẳng định vẻ đẹp cao cả, xúc động của khái niệm “đồng chí” trong câu thơ thứ 7, câu thơ đặc biệt nhất chỉ gồm 2 chữ “Đồng chí”.

Khơi gợi tư duy sáng tạo

Thí sinh được giám thị gọi vào phòng thi tại điểm thi Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên.

Thí sinh được giám thị gọi vào phòng thi tại điểm thi Trường THCS Thạch Bàn, quận Long Biên.

Phần nghị luận xã hội dùng một trích đoạn trong cuốn Dám bị ghét của hai tác giả Nhật Bản, dịch giả Nguyễn Thanh Vân làm ngữ liệu đọc hiểu.

Vẫn là 3 câu hỏi với yêu cầu quen thuộc: Câu 1 kiểm tra kiến thức tiếng Việt với yêu cầu xác định phép liên kết trong đoạn văn in nghiêng; câu 2 dành một dư địa rộng, mở cho học sinh tự do bày tỏ quan niệm cá nhân trước vấn đề: Có ích kỉ không nếu “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”?

Đây là câu hỏi có khả năng phân loại cao khi câu trả lời của phần đông thí sinh có thể được định hướng theo tinh thần của nhan đề cuốn sách Dám bị ghét, đi theo "trend" của xã hội hiện đại với sự đề cao cái tôi cá nhân, đáp ứng đúng nhu cầu vốn rất bản năng của mỗi con người, mong được sống theo những mong muốn, sở thích, sở trường của mình, dù có thể “bị ghét”.

Đó cũng là tinh thần chung của xã hội thời hiện đại, được dạy cho thế hệ trẻ từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, được thể hiện trong các talk show trên các phương tiện truyền thông, trong các bộ phim truyền hình, các bài giảng, các hội thảo về kĩ năng sống…

Các thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức chiều 8/6.

Các thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức chiều 8/6.

Trước hết, đó là quan niệm sống nhân văn, giúp kiến tạo những nhân cách độc lập, tự chủ, tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa cái tôi, bất chấp, thậm chí chà đạp những mong muốn của mọi người xung quanh, kể cả những người thân yêu nhất, con người có thể sẽ trở nên tàn nhẫn, ích kỉ.

Ranh giới giữa cách sống độc lập, tự chủ với cách sống ích kỉ, vô tình luôn rất mỏng manh - đó là khoảng trống dành cho những thí sinh có tư duy sắc sảo, hiểu biết xã hội phong phú, nhất là có trái tim nhân hậu thể hiện được quan niệm riêng của mình, không bị định hướng, không men theo "trend"…

Câu 3 yêu cầu viết đoạn văn trả lời câu hỏi: Nên ứng xử như thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?

Câu hỏi này nếu đặt cạnh câu hỏi số 2 sẽ có thể đưa tới sự trùng lặp về nội dung bàn luận. Bởi khi thí sinh đưa ra quan niệm của mình trong câu 2 nhằm trả lời câu hỏi vấn đề: Có ích kỉ không nếu “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác", quan niệm của các em đã có thể chạm vào sự điều chỉnh cân bằng trong giải pháp ứng xử đặt ra trong câu 3.

"Nhìn chung, trong giới hạn khá chật hẹp của khuôn mẫu với cấu trúc đề và kiểu dạng câu hỏi quen thuộc, đề thi tuyển sinh vào 10 môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2024-2025 đã có những điểm sáng thể hiện trong cách chọn ngữ liệu, tìm vấn đề, đặt ra những câu hỏi có tác dụng khơi mở năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh" - TS Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.

Đình Tuệ (ghi)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tien-si-van-hoc-chi-ra-diem-sang-cua-de-ngu-van-thi-vao-lop-10-o-ha-noi-post686832.html