Tiến sĩ Việt kiều đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp
Về nước sau 20 năm xa xứ, TS Nguyễn Thanh Mỹ 2 lần khởi nghiệp ở quê hương Trà Vinh. Trong đó, lần gần đây nhất là start-up về công nghệ nông nghiệp lúc ông đã 60 tuổi
Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, bao gồm trung tâm dữ liệu (Data center), trung tâm nghiên cứu và nhà máy sản xuất. Tại đây, TS Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty, cùng đội ngũ kỹ sư tập trung nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến như công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán biên (Edge computing)... để tạo ra sản phẩm công nghệ cao giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản.
Đầu tư vào nông nghiệp thông minh
TS Nguyễn Thanh Mỹ là một nhà khoa học và doanh nhân thành đạt, có hơn 20 năm sinh sống, làm việc tại Canada và Mỹ. Năm 2004, ông quay về quê hương xây dựng Tập đoàn Mỹ Lan chuyên về mảng hóa chất và vật liệu cao cấp trong ngành in.
Sau 11 năm gầy dựng, ông Mỹ đã đưa Mỹ Lan thành doanh nghiệp (DN) công nghệ cao đầu tiên của Trà Vinh được Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận, doanh thu hằng năm trên 30 triệu USD. Tháng 12-2015, ông công bố nghỉ hưu tại tập đoàn này.
Từ gợi ý của người con về việc đầu tư vào nông nghiệp thông minh và nhận thấy cây cối ở quê nhà (cù lao Long Trị, tỉnh Trà Vinh) dần chuyển sang màu nâu do nước sông nhiễm mặn, đầu năm 2016, TS Mỹ thành lập RYNAN Technologies Vietnam. Công ty này nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các thiết bị liên quan đến quan trắc chất lượng nước, như: phao quan trắc nước, bơm thông minh, cảm ứng đo mực nước...
"Các thiết bị quan trắc tự động cung cấp thông tin về chất lượng nước và thời vụ cho nông dân, giúp bà con canh tác thích ứng với xâm nhập mặn từ trồng trọt đến nuôi trồng thủy - hải sản. Đến nay, hơn 100 trạm quan trắc nước xâm nhập mặn đã được lắp đặt tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Chỉ cần cài đặt ứng dụng RYNAN Mekong (Android, iOS) miễn phí trên điện thoại thông minh, bà con có thể ngồi nhà vẫn trực tiếp theo dõi được độ mặn của nước, biết được khi nào có nước ngọt để tưới tiêu, nuôi trồng" - TS Mỹ giải thích.
Cũng trên ứng dụng RYNAN Mekong, người dùng có thể tiếp cận những thông tin miễn phí từ hệ thống giám sát côn trùng. Hệ thống giám sát côn trùng đã được lắp 73 trạm tại 16 tỉnh, thành, chủ yếu ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Hệ thống có thể dẫn dụ hơn 100 loại côn trùng - bao gồm sâu hại, thiên địch và các loài vô hại - giúp nông dân ra quyết định hạn chế hoặc không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật (nếu số thiên địch lớn hơn hoặc bằng số sâu hại), từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.
Khát vọng của DN tiên phong
TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết công ty ông xác định sứ mệnh trở thành DN đổi mới sáng tạo tiên phong trong việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để tạo ra các giải pháp thông minh, giúp xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đuổi sứ mệnh này, RYNAN Technologies Vietnam đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm thông minh, chất lượng với nhiều dòng sản phẩm bổ trợ nhau. Trong đó, hệ thống giám sát côn trùng thông minh là sản phẩm quan trọng, đặt nền tảng để phát triển ngành nông nghiệp thông minh, an toàn, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong tương lai.
Mới đây, tại cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC 2023), hệ thống giám sát côn trùng thông minh đã xuất sắc giành giải quán nhân 100.000 USD. Giải thưởng như một sự công nhận cho tính ưu việt của giải pháp ứng dụng công nghệ cao này.
Tính đến nay, RYNAN đã đăng ký bản quyền hệ thống giám sát côn trùng thông minh tại tại hơn 13 quốc gia và xuất khẩu thành công sang Nhật Bản. Công ty đang xúc tiến mở rộng sang Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Úc, Mỹ. Riêng ở thị trường Nhật, hơn 20 hệ thống của công ty được lắp đặt, dự kiến trong năm 2024 sẽ có khoảng 50 - 100 hệ thống.
"Khách hàng của chúng tôi là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam, các DN và đối tác ở nước ngoài. Tôi mong muốn hệ thống giám sát côn trùng của RYNAN không chỉ được sử dụng trong nước mà còn phát triển ra cả thế giới. Làm sao trong tương lai, khi nhắc đến bản đồ côn trùng thế giới là nhớ đến RYNAN" - TS Mỹ bộc bạch.
Đội ngũ của RYNAN đang tìm kiếm đối tác chiến lược để hợp tác đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm của công ty vào các thị trường mục tiêu.
Ươm mầm thế hệ trẻ
TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết ông không chọn tập trung đặt hàng nhà trường giải quyết các thách thức mà chọn hợp tác với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của DN. RYNAN cũng chọn hợp tác với các giảng viên, nghiên cứu sinh để chuẩn bị cho những nghiên cứu cơ bản, làm bệ phóng cho các sản phẩm công nghệ cao tại công ty.
Tại RYNAN, đội ngũ nhân sự trẻ, đa số là từ ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh..., qua quá trình đào tạo trong công việc đã trở thành những nhân lực cốt lõi, gắn bó với công ty.
"Chúng tôi tin tưởng trao cho người trẻ những vị trí công việc quan trọng. Các kỹ sư trẻ được tạo cơ hội làm việc nhóm và đăng ký sáng chế tập thể" - TS Mỹ tiết lộ.
Thống kê từ RYNAN Technologies cho thấy Mỹ Lan và RYNAN chỉ có 731 nhân sự nhưng đã có 371 bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ. Trong đó, phần lớn các sáng chế đến từ đội ngũ của RYNAN Technologies.