Tiến sĩ Việt ở trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới xAI về nước dạy học
Hàng loạt giáo sư, tiến sĩ đến Đại học Quốc gia TPHCM giảng dạy và nghiên cứu. Trong đó có tiến sĩ Phạm Hy Hiếu làm ở xAI (Mỹ) về nước giảng dạy, nghiên cứu. Ngoài ra còn có các giáo sư đến từ ĐH Harvard (Mỹ), Đại học Toronto (Canada)…
Đại học Quốc gia TPHCM vừa thông qua 16 giáo sư, chuyên gia quốc tế sẽ giảng dạy và nghiên cứu theo chương trình giáo sư thỉnh giảng. Trong số này, nhiều người đến từ các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới như Trường Y Khoa Harvard (Mỹ), Đại học Toronto (Canada), Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Đại học Georgetown (Mỹ), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (Nhật Bản)… Đặc biệt, có tiến sĩ Phạm Hy Hiếu làm ở trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới xAI (Mỹ) về giảng dạy và nghiên cứu.
Tiến sĩ Việt ở xAI là cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu
TS Phạm Hy Hiếu, cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) hiện là thành viên kỹ thuật tại xAI (Mỹ), là một trong 16 nhà khoa học đầu tiên được hội đồng tư vấn chương trình giáo sư thỉnh giảng ĐH Quốc gia TPHCM thông qua.
Trước đó, TS Hiếu tốt nghiệp loại giỏi ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford 2011–2015 (Mỹ) và được trao Giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc nhất.
TS Hiếu hiện là thành viên kỹ thuật tại xAI (từ tháng 8/2024). Tại đây, anh tham gia tối ưu hóa nhân attention cho mô hình Grok-3. Trước đó, anh từng là nghiên cứu viên tại Công ty Augment Computing (3/2023–7/2024), góp phần quan trọng đưa công ty từ giai đoạn khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỷ đô la Mỹ. Anh cũng từng công tác tại Google Brain (4/2020–3/2023) với vai trò nghiên cứu viên, đồng thời giữ vị trí Phó giáo sư kiêm nhiệm tại Khoa kỹ thuật điện - Đại học Quốc gia Singapore (4/2021–3/2023).
TS Hiếu kể, sau 15 năm tốt nghiệp, anh thường gặp lại thầy cô và bạn bè cũ. Việc duy trì các mối quan hệ này khiến anh luôn nghĩ về mái trường mình từng học và nhiều lần tự hỏi, liệu mình có thể làm điều gì đó để đóng góp cho trường, nơi đã chắp cánh cho ước mơ tuổi trẻ, nhưng mãi vẫn chưa nghĩ ra cách nào thật sự ý nghĩa.
Tháng 12/2024, khi anh Hiếu có dịp về TPHCM nghỉ ngơi và được TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu tạo điều kiện gặp PGS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM. Sau bữa cơm thân mật, PGS Vũ Hải Quân đã chia sẻ về mục tiêu của chương trình giáo sư thỉnh giảng. Anh Hiếu thấy chương trình sẽ tạo điều kiện để mình đóng góp cho trường.
Theo TS Phạm Hy Hiếu, giáo sư thỉnh giảng là một vị trí thú vị trong giới hàn lâm. Vị trí này tạo điều kiện cho nhiều người có thể đóng góp cho các trường đại học, mà không tạo ra các ràng buộc khó khăn như là phải gây quỹ nghiên cứu hay phải tham gia giảng dạy.

TS Phạm Hy Hiếu làm giáo sư thỉnh giảng ở ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNU
Chương trình giáo sư thỉnh giảng của ĐH Quốc gia TPHCM còn cho phép họ cộng tác trong khi sống và làm việc ở nước ngoài. Sự linh hoạt này sẽ thu hút nhiều nhà khoa học ở nước ngoài tham gia chương trình.
TS Phạm Hy Hiếu muốn chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc của mình với các giảng viên, sinh viên cũng như lắng nghe từ họ những vấn đề thực tiễn trong môi trường AI của Việt Nam.
Mục tiêu của TS Phạm Hy Hiếu là tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các hướng nghiên cứu mới nhất và mang tính thực tiễn nhất trong AI. Hai là muốn tìm hiểu xem các nghiên cứu về AI ở ĐH Quốc gia TPHCM thường gặp phải những khó khăn, thử thách nào. Thiếu vốn đầu tư, thiếu đầu ra cho các nghiên cứu, hay thiếu định hướng, hay là một tổ hợp các vấn đề trên, hay nội dung nào khác. Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề này, kết hợp với chuyên môn của mình, TS Hiếu muốn giúp việc nghiên cứu AI ở ĐH Quốc gia TPHCM phát triển hơn. TS Phạm Hy Hiếu sẽ giảng dạy và nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM).
Phó giáo sư đại học Harvard sẽ đến giảng dạy và nghiên cứu
Trong số 16 ứng viên được thông qua, có Giáo sư Barbara Rose Gottlieb hiện là Phó giáo sư Trường Y khoa Harvard và Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan.
Bà Barbara đã từng hợp tác với các đồng nghiệp thông qua dự án Health Advancement in Vietnam (HAIVN) từ năm 2017. Ban đầu bà tham gia vào việc phát triển các kinh nghiệm lâm sàng cho sinh viên y khoa, theo mô hình khóa học Practice of Medicine của Trường Y khoa Harvard. Vai trò của bà đã mở rộng khi tham gia vào nhóm lãnh đạo của HAIVN, đóng góp vào việc phát triển giáo dục y khoa, đào tạo giảng viên và lập kế hoạch chiến lược.
Năm 2022, bà Barbara trở thành đồng giám đốc của một nhóm học tập hợp tác nhằm thúc đẩy cải cách giáo dục y khoa tại ba trường y dọc theo sông Mekong: Đại học Y Dược Cần Thơ (Việt Nam), Đại học Puthisastra (Phnom Penh, Campuchia) và Đại học Khoa học Y tế (Vientiane, Lào).
“Tôi sẵn sàng tổ chức các khóa đào tạo hàng tháng từ xa về các chủ đề giáo dục y khoa, bao gồm các chủ đề về thiết kế chương trình giảng dạy, phát triển chuyên môn, phương pháp đánh giá, đào tạo giảng viên, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, tôi cũng sẵn sàng tổ chức các buổi đào tạo trực tiếp tại Việt Nam, bao gồm hội thảo quy mô lớn và các buổi huấn luyện cá nhân dành cho giảng viên”, bà Barbara chia sẻ.
Bà Barbara sẽ nghiên cứu và giảng dạy ở Trường Đại học Khoa học Sức khỏe (ĐH Quốc gia TPHCM) và muốn đồng hành cùng nhà trường trong các đề tài liên quan đến sức khỏe người học, phát triển nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc các nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương.