Tiền thách cưới cao cản trở các cặp đôi kết hôn tại Trung Quốc
Nhiều người đàn ông ở các vùng quê Trung Quốc không thể lấy vợ vì tiền sính lễ nhà gái đưa ra quá cao.
Sau khi hẹn hò vài năm, một người đàn ông ở Đông Bắc Trung Quốc đã phải chia tay bạn gái vì không thể trả nổi khoản sính lễ gần 300.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ đồng) mà nhà gái đưa ra khi thảo luận việc kết hôn.
“Tôi hỏi người địa phương và họ nói khoản tiền này là phổ biến. Tôi hy vọng các ngài có thể loại bỏ những hủ tục này”, người đàn ông tên đệm Qin viết trong mục “Lời nhắn gửi tới các nhà lãnh đạo” trên trang báo people.com.cn.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), là một phần quan trọng trong cưới hỏi đã xuất hiện từ thời xưa, sính lễ là khoản tiền mà gia đình chú rể phải đưa cho gia đình cô dâu. Nhiều người cho rằng đây là khoản tiền để chuyển giao quyền kiểm soát cơ thể và sức lao động của người phụ nữ.
Tại huyện Chính Ninh (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) – nơi Qin sống, thu nhập trung bình năm ngoái của một người là trên 20.000 nhân dân tệ. Điều đó có nghĩa là phải mất 15 năm, Qin mới có đủ tiền để trả phần sính lễ nhà bạn gái đưa ra.
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh nhằm cải cách đám cưới truyền thống và khuyến khích tiết kiệm trong những năm gần đây, giá sính lễ vẫn được đưa ra ngày càng cao và trở thành mối quan tâm của dư luận Trung Quốc, đặc biệt là tại các vùng nông thôn còn rất nhiều đàn ông độc thân.
Chính quyền huyện Chính Ninh cho biết họ đã đưa ra mức giới hạn cho sính lễ cô dâu là 80.000 nhân dân tệ đối với các gia đình nông thôn và 60.000 nhân dân tệ đối với công chức nhà nước. Tuy nhiên, huyện này cũng nói thêm việc thay đổi là “một quá trình lâu dài và phức tạp”, cũng như rất khó dùng quy tắc cứng nhắc để áp dụng.
Năm ngoái, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chọn một quận từ 32 thành phố được chỉ định trên khắp đất nước làm “khu vực thử nghiệm” cải cách đám cưới. Tại đây, cộng đồng dân cư được yêu cầu ban hành các nguyên tắc riêng để kiểm soát sính lễ và chi phí đám cưới.
Tuy nhiên, theo Yang Hua - nhà nghiên cứu tại Trường xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán chuyên nghiên cứu vùng nông thôn Trung Quốc, mô hình trên sẽ không hiệu quả chừng nào tỷ lệ phụ nữ và nam giới độc thân ở các vùng nông thôn tiếp tục chênh lệch.
“Tỷ lệ giới tính vẫn còn chênh lệch ở các vùng nông thôn sẽ đẩy khoản sính lễ lên cao. Khoản tiền này không nhất thiết được đưa ra dưới hình thức sính lễ mà sẽ chia ra các phần chuẩn bị khác cho việc kết hôn”, ông Yang lí giải.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, năm ngoái, tỷ lệ giới tính ở khu vực nông thôn là khoảng 108 nam trên 100 nữ. Trên toàn quốc có hơn 723 triệu nam giới so với hơn 689 triệu nữ giới, dẫn đến tình trạng dư thừa khoảng 34 triệu nam giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” có từ thời xa xưa cùng chính sách một con đã góp phần tạo ra sự mất cân bằng về giới tính ở Trung Quốc.
Li Guofu, một dân làng ở Zhaotong (tỉnh Vân Nam), cho biết có rất nhiều người đàn ông độc thân ở quê anh không thể tìm được vợ vì họ không đủ tiền trả sính lễ.
Người cha của 3 cậu con trai này nói anh cần chuẩn bị hàng trăm nghìn nhân dân tệ nếu muốn cả 3 người con kết hôn với những cô gái ở cùng quê xuất thân từ gia đình có thu nhập trung bình. “Tôi không muốn một ngày nào các con không thể kết hôn, vì vậy tôi phải làm việc rất chăm chỉ”, Li chia sẻ.
Tại huyện Ninh Thiểm có dân số 70.000 người, các vụ kiện pháp lý liên quan đến tranh cãi phần sính lễ đã tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 21 vụ vào năm 2019 lên 59 vụ vào năm ngoái.
Theo Yang Shanshan, một trợ lý thẩm phán tại tòa án huyện, khoản sính lễ tăng từ 76.000 nhân dân tệ lên 135.000 nhân dân tệ. Trợ lý Yang lưu ý hiện tượng này cũng góp phần gây ra nhiều tệ nạn xã hội.
“Có một số phụ nữ trẻ lợi dụng mong muốn được kết hôn của đàn ông đã cầm theo tiền biến mất khi nhận được sính lễ. Cũng có trường hợp phụ nữ bị buôn bán từ nơi khác đến bán cho đàn ông địa phương”, ông Yang chỉ ra.
Bên cạnh sự mất cân bằng về tỷ lệ giới tính, việc thiếu lương hưu và bảo hiểm y tế cho người cao tuổi ở các vùng nông thôn cũng là nguyên nhân khiến chi phí hôn nhân tăng cao. Nhiều cha mẹ mong muốn cuối đời dựa vào con cái để hưởng phúc nên những quan niệm truyền thống như “nuôi con vì tuổi già” vẫn còn phổ biến.