Tiến thoái lưỡng nan
Vụ đánh bom nhằm vào sân bay Kabul hôm 26/8 diễn ra cách thời điểm Mỹ hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan chỉ vài ngày.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo sẽ có thể còn có những cuộc tấn công tương tự trước hạn chót quân đội Mỹ rời Afghanistan ngày 31/8. Nó cũng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt khi các đồng minh yêu cầu mở rộng hạn chót này.
Vị thế chính trị mạnh hơn
Vụ đánh bom liên hoàn trên do một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan và Pakistan có tên là IS-K thực hiện đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ, trên 1.300 người bị thương, trong đó có 15 người Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã gọi đây là thảm kịch quốc gia và tuyên bố sẽ trả thù: “Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và khiến chúng phải trả giá. Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh tay và chính xác vào thời điểm và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”.
Tuyên bố trả thù của người đứng đầu Nhà Trắng gợi nhớ lại tuyên bố tương tự của cựu Tổng thống George W.Bush vài ngày sau cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất thế giới 11/9/2001. Điều đó đã phản ánh một thực tế rằng, các Tổng thống Mỹ có thể bị thách thức bởi chủ nghĩa khủng bố, một mối đe dọa bất cân xứng không thể đánh bại nước Mỹ nhưng lại có thể làm tổn thương nước Mỹ và đe dọa kéo nước này vào một cuộc xung đột không có hồi kết.Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Joe Biden đã bị đặt câu hỏi bởi một số mâu thuẫn.
Thứ nhất, cam kết của ông về việc “hoàn thành sứ mệnh” đưa những người dân Mỹ và người dân Afghanistan từng giúp đỡ Mỹ rời khỏi quốc gia này dường như là điều bất khả thi, nhất là khi tính đến việc nhà lãnh đạo Mỹ không có kế hoạch mở rộng hạn chót 31/8.
Những cuộc trao đổi của ông về việc tiếp tục đưa những người từng hỗ trợ Mỹ rời Afghanistan sau khi Mỹ rút quân dường như khẳng định rằng Tổng thống Joe Biden hiểu sự bất khả thi của việc khép lại sứ mệnh trên trong ít ngày còn lại. Nhưng đưa người dân Afghanistan rời khỏi đất nước này mà không có các lực lượng của Mỹ ở đây thậm chí còn trở nên khó khăn hơn nhiều.
Thứ hai, khả năng của đương kim Tổng thống Mỹ nhằm đáp trả IS-K sẽ vấp phải nhiều khó khăn nếu không có quân đội nước này trên thực địa hoặc bất kỳ nơi nào khác gần Afghanistan. Cam kết của Tổng thống Joe Biden sẽ là phép thử thực tế đầu tiên của điều mà ông gọi là những khả năng “vượt qua đường chân trời”, có thể sẽ sử dụng không lực hoặc máy bay không người lái được vũ trang tên lửa để đảm bảo rằng Afghanistan không một lần nữa trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố đe dọa đến an ninh nước Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các chiến dịch của Mỹ tại Afghanistan chưa kết thúc nhưng sẽ thay đổi.
“Chúng tôi sẽ rời Afghanistan. Nhưng chúng tôi không từ bỏ Afghanistan, những kẻ khủng bố vẫn vẫy vùng và do đó, những nỗ lực chống khủng bố sẽ tiếp tục”, nhà phân tích về an ninh quốc gia, tình báo và chủ nghĩa khủng bố Juliette Kayyem nhận định.
Bên cạnh những chỉ trích vì đã rút quân khỏi Afghanistan, cũng có một tiền lệ trong lịch sử cho thấy Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có một vị thế chính trị mạnh mẽ hơn. Tổng thống Ronald Reagan từng rút quân Mỹ khỏi Lebanon vào đầu năm 1984, vài tháng sau khi 241 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong một vụ đánh bom tại doanh trại của thủy quân lục chiến nhưng ông Reagan đã giành chiến thắng cách biệt khi tái đắc cử vào năm đó.
“Ông Biden có trực giác rất nhạy cảm về người dân Mỹ. Ông ấy hiểu sẽ có một số lượng lớn người dân Mỹ ủng hộ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong việc giảm sự can thiệp của Mỹ trên thế giới”, nhà sử học Timothy Naftali tới từ Đại học New York cho hay, một điều ông ấy mong đợi là người Mỹ sẽ chấp nhận sự hỗn loạn trong thời gian ngắn này như một khoản “phí trả trước” cho vị thế ổn định hơn của Mỹ trên thế giới trong tương lai.
Vào thời điểm hiện nay, khi được hỏi sau vụ đánh bom kinh hoàng ngày 26/8, liệu có hối tiếc về việc tiếp tục quyết định rút quân của cựu Tổng thống Donald Trump hay không, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh “đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến 20 năm này”.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ trả thù sau vụ đánh bom liên hoàn hôm 26/8. Ảnh: Getty Images.
Bóng ma khủng bố vẫn ám ảnh
Ngày 28/8, quân đội Mỹ đã tấn công các mục tiêu của IS tại Afghanistan để trả thù cho vụ đánh bom kinh hoàng cách đây 2 ngày. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, động thái này không thể giúp giải quyết tận gốc bóng ma khủng bố ở vẫn ám ảnh Afghanistan. Các vụ đánh bom ngày 26/8 không chỉ gây ra một trong những tổn thất nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ mà còn là một kết thúc đau đớn sau 20 năm tham chiến ở Afghanistan.
Tờ Washington Post cho rằng, đây là một trong những hình ảnh bi thảm và không thể xóa nhòa trong chương cuối cùng của chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Trong khi đó, một quan chức phương Tây cùng ngày cho biết, các tay súng và chỉ huy quân sự của Taliban đã triển khai xung quanh sân bay Kabul nhưng vẫn chưa được tiến vào trong sân bay, vốn đang do hàng nghìn binh lính Mỹ kiểm soát.
Theo quan chức trên, các hoạt động sơ tán người trong sân bay vẫn diễn ra “hết sức khẩn trương” và các nước phương Tây đã nhận được sự bảo đảm về “một hành lang an toàn trong 48 giờ” cho công dân nước ngoài muốn ra sân bay để sơ tán. Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm góc John Kirby cho biết Taliban không kiểm soát bất cứ cổng ra vào nào và họ cũng không kiểm soát các hoạt động của sân bay. Hiện sân bay này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của Mỹ.
Theo giới chuyên gia, tình hình hỗn loạn hiện nay dấy lên lo ngại IS sẽ lợi dụng đám đông để tiếp tục tấn công, để trỗi dậy mạnh mẽ và đẩy Afghanistan vào vòng xoáy chủ nghĩa khủng bố, đe dọa an ninh khu vực. Và các vụ đánh bom hôm 26/8 càng làm lộ rõ nguy cơ được dự đoán từ lâu: Afghanistan có thể sẽ trở thành sào huyệt của các nhó khủng bố.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tien-thoai-luong-nan-i626094/