Tiến thoái lưỡng nan

Theo ông Nguyễn Lương Sỹ - Giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Huế), khi nói đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phần lớn sẽ nghĩ đến 2 biện pháp chủ yếu là khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu xử lý hành chính nếu như không thể thương lượng, hòa giải thành công. Tuy nhiên, cũng có thể yêu cầu xử lý hình sự trong trường hợp hành vi xâm phạm nghiêm trọng.

Trong trường hợp đó, ông Sỹ cho rằng xử lý hình sự là cần thiết, nhưng phải cẩn trọng vì rằng, dù hàng giả thường được mặc định với chất lượng kém, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi, hàng giả được sản xuất tinh vi đến mức người tiêu dùng hiểu biết cũng không tài nào phân biệt được, kể cả về chất lượng.

Có thể ví dụ, một cơ sở gia công sản phẩm (được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) cho thương hiệu lớn, nhưng cố tình sản xuất vượt quá số lượng thỏa thuận. Như vậy, những sản phẩm nằm ngoài hợp đồng nói trên vẫn bị xem là đối tượng xâm phạm, hay tên gọi dân dã là “hàng giả - hàng nhái”, dù chất lượng hoàn toàn tương đồng với sản phẩm chính hãng.

Dưới góc độ lý luận, pháp luật tạm phân chia hàng giả thành 2 nhóm. Một là, hàng giả về nội dung: không đảm bảo điều kiện tối thiểu để lưu thông - chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố, ghi trên nhãn hàng hóa, ảnh hưởng đến giá trị sử dụng hay sức khỏe của người tiêu dùng. Và hai là hàng giả về hình thức: đảm bảo điều kiện tối thiểu để lưu thông, không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng hay sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên lại lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, thường thông qua việc đánh tráo nhãn mác.

Do đó, cẩn trọng trong việc xử lý là điều cần thiết. Cụ thể, trong vụ án về làm giả bút viết, thước kẻ được Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh thụ lý, hàng hóa làm giả “so với tiêu chuẩn cơ sở của bút và thước chính hãng đều đạt thấp nhất là 72,5%, cao nhất là 100%. Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi tội danh truy tố từ tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” sang tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” và được Tòa chấp nhận.

Tới nay, không thể phủ nhận được việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan, lấn lướt cả hàng thật. Người tiêu dùng hầu hết không xác định được hàng hóa thật, giả mà chỉ nhìn vào bao bì, mẫu mã và giá cả để quyết định “xuống tiền”. Có nghĩa là mua hàng bằng... niềm tin. Thi thoảng cũng có nghe cơ quan chức năng xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả ở nơi này nơi kia, nhưng nghe cũng chỉ biết vậy khi mà hàng giả ngày càng tinh vi hơn, “như thật”.

Đáng chú ý, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng đôi khi lại chỉ là lời xin lỗi, cải chính, bồi thường vật chất. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bản chất quyền sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự, việc xử lý bằng con đường hành chính là chính nhưng trước sự hoành hành của hàng giả, hàng nhái hiện nay thì cần tăng cường xử lý hình sự. Điều này sẽ rút ngắn thời gian hơn so với các biện pháp dân sự thường kéo dài và cũng thiếu tính răn đe. Ngược lại, trong trường hợp nhà sản xuất đúng, nhưng vì kiện tụng kéo dài dẫn tới mất uy tín, chờ đến khi “được vạ thì má cũng sưng”.

Trở lại câu chuyện phạt hành chính hay là xử lý hình sự với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, có vẻ như cơ quan chức năng vẫn ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản là xử phạt cơ sở sản xuất gian dối cũng chính là để bảo vệ những doanh nghiệp chân chính, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Có lẽ, với cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả đã bị xử phạt hành chính thì với lần tái phạm cần phải xử lý hình sự.

mINH tHỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tien-thoai-luong-nan-5724022.html