Tiến tới Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) các cấp và Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) là sự kiện chính trị quan trọng nhằm đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết đại hội, đề ra chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029. Qua đó, động viên các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Bùi Văn Tặng cho biết: Thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029); Đề án 01/ĐA-MTTQ-BTT của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh về việc tổ chức đại hội đại biểu MTTQVN các cấp và Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029), Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, vị trí của MTTQVN trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị; tuyên truyền và phát động thi đua chào mừng Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp trong tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ X (nhiệm kỳ 2024 - 2029).
MTTQVN cấp huyện và xã đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền và đăng ký công trình, phần việc để chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ các cấp trong tỉnh. Đối với cấp tỉnh, đã đăng ký 2 công trình: Vận động xây dựng 1 cây cầu nông thôn trị giá 1 tỷ đồng (đã khởi công), cất mới 500 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 25 tỷ đồng (đã hoàn thành).
Đối với cấp huyện, đã đăng ký 24 công trình, phần việc, với tổng trị giá trên 60,7 tỷ đồng để xây dựng 15 cây cầu nông thôn, cất mới 238 căn nhà Đại đoàn kết, vận động mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; bê-tông hóa đường nông thôn… Đối với cấp xã, đã thực hiện 146 công trình, phần việc chào mừng Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp (nhiệm kỳ 2024 - 2029), với tổng trị giá gần 44 tỷ đồng.
Để tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQVN các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ XI, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và chọn xã Tân Trung (huyện Phú Tân) và phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) để tổ chức đại hội điểm cấp xã và thống nhất giao cho Ban Thường trực UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố, mỗi đơn vị chọn 1 xã để đại hội điểm cấp xã, để rút kinh nghiệm để nhân rộng đại hội các xã trong huyện.
Đến ngày 11/3/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức đại hội điểm cấp xã; đến ngày 26/4/2024, toàn tỉnh đã hoàn thành đại hội đại biểu MTTQVN cấp xã ở 156/156 xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, công tác chuẩn bị đại hội đại biểu MTTQVN cấp xã, huyện được tiến hành rất chặt chẽ và chu đáo.Việc lựa chọn các vị tham gia ủy viên UBMTTQVN cấp xã trong nhiệm kỳ mới đảm bảo theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh.
Số lượng ủy viên MTTQVN xã từ 31 - 45 vị, tỷ lệ tái cử không quá 60% so với đầu nhiệm kỳ, cơ cấu đủ thành phần, có mở rộng và tăng số cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, doanh nghiệp, khuyến học, các tổ hợp tác, các mô hình tiêu biểu trong các cuộc vận động, từ thiện xã hội, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hầu hết các xã, phường đều có cơ cấu đại diện Đảng ủy tham gia ủy viên UBMTTQVN và cơ cấu thêm cán bộ thuộc các lĩnh vực thường xuyên phối hợp công tác mặt trận, như: Tư pháp, lao động, giảm nghèo, môi trường, văn hóa…
Đối với Đại hội đại biểu MTTVN cấp huyện, huyện Châu Phú được chọn đại hội điểm của tỉnh. Đến cuối tháng 5/2024, hoàn thành đại hội đại biểu MTTQVN cấp huyện. Ban Thường trực UBMTTQVN cấp huyện đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tích cực chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nhân sự, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và hỗ trợ của chính quyền, góp phần vào sự thành công của đại hội.
Đại hội đại biểu MTTQVN cấp huyện đã hiệp thương cử ủy viên UBMTTQVN cấp huyện nhiệm kỳ mới từ 61 - 65 vị, các tỷ lệ đảm bảo theo quy định. Ban Thường trực UBMTTQVN cấp huyện từ 3 - 5 vị, gồm có chủ tịch, từ 1 - 2 phó chủ tịch; từ 1 - 3 ủy viên thường trực. Một số huyện có cơ cấu từ 1 - 2 phó chủ tịch không chuyên trách đại diện cá nhân tiêu biểu trong dân tộc, tôn giáo.
Đối với chức danh chủ tịch UBMTTQVN cấp huyện, gồm: 6 vị tiếp tục tái cử, 5 vị thôi tham gia khóa mới do được cấp ủy điều động sang lĩnh vực khác. Trong đó, 9 vị chủ tịch chuyên trách là ủy viên ban thường vụ cấp ủy; 2 vị chủ tịch chuyên trách là cấp ủy viên, có quy hoạch ủy viên ban thường vụ huyện ủy.
Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển” có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện đường lối chiến lược của Đảng về tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Đồng thời, đề ra các giải pháp thiết thực củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác mặt trận trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Bùi Văn Tặng mong rằng: “Qua đại hội, công tác mặt trận và phong trào thi đua yêu nước của tỉnh tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, để mặt trận thực sự là cơ sở của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh”