Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
LTS: Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực.
Từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước.
Bản lĩnh đặc công “một hai sáu”
Tháng 10 vừa qua, tàu Vietship 12, Vietship 01 đang thực hiện nạo vét tại luồng Cửa Việt (Quảng Trị) thì gặp dông gió lớn, trong tích tắc, tàu đã bị sóng nhấn chìm, chỉ còn nhô lên phần ống khói và cột đèn phía mũi. Nhiều ngư dân địa phương có thâm niên đi biển hơn 30 năm xung phong cùng đội cứu nạn lái tàu ra cứu người bị nạn nhưng đều không thành công. Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải miền Trung sử dụng xuồng cao tốc cũng không thể tiếp cận được tàu gặp nạn vì sóng to, gió lớn, đá ngầm nhiều.
Trước tình hình đó, Quân chủng Hải quân đã điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 cơ động đến hiện trường, chi viện cho lực lượng cứu nạn. Đến nơi, sau khi hội ý chớp nhoáng, hạ quyết tâm, những “chú cá kình Biển Đông” đã lao ra khu vực tàu chìm, sử dụng kỹ thuật đặc công và kinh nghiệm đi biển để nhanh chóng thoát ra vòng xoáy quẩn, đưa người bị nạn vào bờ. Ngay sau khi hoàn thành việc cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khen ngợi các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn những thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị).
Được biết, cùng với thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 luôn đẩy mạnh hoạt động thi đua trong huấn luyện, SSCĐ. Nét nổi bật trong công tác huấn luyện của đơn vị là luôn phát huy tốt truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu trên các chiến trường sông, biển gắn với huấn luyện làm chủ các trang bị, khí tài hiện đại. Lữ đoàn đã luôn bám sát nhiệm vụ, phương châm, mục tiêu, yêu cầu huấn luyện; chủ động điều chỉnh về tổ chức, phương pháp huấn luyện sát thực tế, yêu cầu nhiệm vụ, sát đối tượng và cách đánh của đặc công hải quân. Kết quả huấn luyện của lữ đoàn đã có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là về trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ tác chiến; đã tổ chức bơi đường dài theo đội hình chiến thuật các cấp hàng chục giờ liên tục trên các vùng biển.
Song song với nhiệm vụ huấn luyện, lữ đoàn đã quán triệt, chấp hành nghiêm và hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ. Trực tiếp tham gia bảo vệ các hoạt động khảo sát, thăm dò và các hoạt động kinh tế trên các vùng biển của Tổ quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối, góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển và phát triển kinh tế biển. Cùng với đó, đơn vị đã thực hiện tốt và xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, được thủ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương, Bộ tư lệnh Hải quân tặng bằng khen... chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
Đại tá Trần Văn Nghĩa, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, cho biết: "Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị hôm nay tiếp tục lập nhiều thành tích trong huấn luyện, SSCĐ và xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Những kết quả đạt được của đơn vị đã tô thắm truyền thống, làm nên nét đặc sắc mang đậm chất riêng có của đặc công hải quân”.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, ngày 15-9-2020, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đây là phần thưởng cao quý, viết tiếp vào trang sử vàng của đặc công hải quân, đơn vị 3 lần Anh hùng LLVT nhân dân.