Tiến tới phê chuẩn EVFTA: Số phiếu thuận của Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu rất cao
Ngày 21/1/2020 tại Brussels (Bỉ), Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó dưới sự chủ trì của Chủ tịch Bernd Lange, buổi bỏ phiếu có sự tham dự của 40 thành viên Ủy ban INTA. Với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). INTA cũng thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) với 26 phiếu thuận trên 39 đại biểu.
Đây là các thỏa thuận thương mại toàn diện nhất mà EU từng có với một nước đang phát triển và là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang quan tâm đến chính sách thương mại mở rộng.
Trong khi đó về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Được biết số phiếu thuận mà Việt Nam đạt được rất cao, cao hơn mức phiếu mà Ủy ban này đã thông qua với Nhật Bản, Singapore trước đây. Bộ Công Thương cho biết đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ thông qua EVFTA, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Sau đó Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội thông qua.
Cuộc bỏ phiếu được các nhà lập pháp đánh giá là một tín hiệu tích cực cho khu vực ASEAN và phần còn lại của thế giới trong thời kỳ căng thẳng thương mại gia tăng. Hiệp định này thực sự là một tình huống đôi bên cùng có lợi. Về mặt tuyệt đối, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỷ euro trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 8,3 tỷ euro vào năm 2035. FTA cuối cùng sẽ loại bỏ 99% tất cả các mức thuế, mặc dù Việt Nam sẽ có thời gian chuyển tiếp lên tới 10 năm đối với một số mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như ô tô. Hiệp định sẽ mở cửa các dịch vụ của Việt Nam, bao gồm các thị trường bưu chính, ngân hàng và vận chuyển và mua sắm công, hài hòa một số tiêu chuẩn và bảo vệ thực phẩm và đồ uống của EU, như rượu sâm banh Pháp hoặc phô mai feta Hy Lạp, khỏi bị hàng nhái tại Việt Nam.
Trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột và các sản phẩm khác của Việt Nam sẽ được bảo vệ ở châu Âu. EU cũng sẽ cho phép hạn ngạch gạo Việt Nam, ngô ngọt, tỏi, nấm và đường. Việt Nam hiện áp dụng mức thuế lên tới 78% đối với ô tô EU, 50% đối với rượu vang và 35% đối với máy móc. Nhiều hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi từ việc tiếp cận miễn thuế vào thị trường EU theo chương trình dành cho các nước đang phát triển nghèo hơn. Tuy nhiên, chương trình này sẽ được loại bỏ trong hai năm tới. Hiệp định thương mại tự do cũng sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều sản phẩm hơn.
EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ... Về thuế quan, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được dỡ bỏ sau 7 năm.
Còn EVIPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn bảo đảm các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.
EVFTA sẽ loại bỏ hàng rào đối ứng và hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tiếp cận thị trường dịch vụ và mua sắm chính phủ tại Việt Nam. Hiệp định cũng khẳng định nghĩa vụ của cả hai bên liên quan đến các tiêu chuẩn xã hội và môi trường quốc tế, bao gồm Thỏa thuận Khí hậu Paris (2015), Công ước quốc tế về lao động...
Dự kiến, phiên họp toàn thể của EP sẽ bỏ phiếu về 2 hiệp định vào giữa tháng 2 tới, theo đúng lộ trình thời gian được kỳ vọng. Nếu được EP phê chuẩn, EVFTA sẽ đi vào hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau việc quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc. Trong khi đó, EVIPA sẽ vẫn còn cần phải được nghị viện của từng nước thành viên EU thông qua.