Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi
Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi là một trong 6 kết quả nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2020.
Đây cũng là nỗ lực của toàn ngành sau 10 năm thực hiện Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 của Chính phủ, được phê duyệt năm 2010. Kết quả này góp phần tạo diện mạo mới đối với GDMN, là tiền đề giúp trẻ 5 tuổi chuẩn bị tốt tâm thế trước khi vào lớp 1.
Mạng lưới trường lớp được mở rộng
Mục tiêu của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1. Khi bắt tay vào triển khai đề án, mối lo thiếu chỗ học là một trong những khó khăn của các địa phương, nhất là các địa phương có dân số cơ học tăng nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Tuy nhiên, trong 10 năm thực hiện đề án, các địa phương đã chủ động các biện pháp tháo gỡ khó khăn, rà soát quy hoạch đất đai, giành quỹ đất để xây dựng trường lớp mầm non.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có 15.461 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non (tăng 2.634 trường so với năm học 2010-2011); có 201.605 phòng học (số phòng học được xây mới trong 10 năm qua là 105.639 phòng). Từ khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực, bảo đảm 1 phòng/1 lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. 10 năm qua, TP Hà Nội đã xây dựng mới 344 trường mầm non; xóa được 5/6 phường trắng trường mầm non công lập; xây dựng thêm 398 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đạt tỷ lệ 100% trẻ em 5 tuổi tới trường. Chúng tôi đến Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đúng vào dịp nhà trường tổ chức lễ hội Halloween cho các bé. Các con 5 tuổi được cô giáo trang điểm, thay trang phục và giải thích ý nghĩa của ngày hội. Các lớp học tràn đầy màu sắc từ những quả bí ngô, những chiếc mặt nạ và những bộ trang phục công chúa, hoàng tử... Bé nào cũng háo hức với những hoạt động mà các cô tổ chức để chào đón ngày hội. Chính thức hoạt động từ tháng 5-2017, Trường Mầm non Đoàn Thị Điểm là một trong hai trường mầm non được quận Tây Hồ đầu tư quỹ đất xây mới trong 4 năm trở lại đây. Ngôi trường được xây dựng khang trang với 10 phòng học chức năng và 20 lớp học, giao thông thuận tiện. Bốn mặt đường xung quanh trường đều có khoảng không gian và cây xanh trên tổng diện tích sử dụng hơn 6.000m2.
Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2020-2021, nhà trường đón 238 trẻ 5 tuổi, tăng gần 100 trẻ so với năm đầu trường đi vào hoạt động. Thực hiện theo chủ trương của quận Tây Hồ, nhà trường luôn tạo điều kiện, ưu tiên cho trẻ 5 tuổi được đến lớp, kể cả trẻ có hộ khẩu trái tuyến nhưng tạm trú trên địa bàn. Đối với giáo viên phụ trách lớp 5 tuổi, nhà trường sắp xếp các cô giáo có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm để chuẩn bị cho trẻ tâm thế tốt nhất bước vào lớp 1”.
Chuẩn bị Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 4 tuổi
Dù đạt kết quả tích cực nhưng công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non; phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi, nhất là phòng học ở nhiều tỉnh miền núi còn chật hẹp; đồ dùng, đồ chơi đã được bổ sung hằng năm nhưng còn thiếu nhiều, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trường Mầm non Sủng Máng (xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có một điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ nhưng chỉ điểm trường chính mới có đồ chơi ngoài trời cho trẻ. Theo bà Lê Thị Dung, Hiệu trưởng nhà trường, toàn trường hiện có 503 trẻ với 22 lớp, trong đó có 15 lớp trẻ 5 tuổi. Trao đổi với chúng tôi, bà Dung phấn khởi khi nhắc đến tỷ lệ trẻ 5 tuổi trên địa bàn xã tới trường đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, trong số 15 lớp trẻ 5 tuổi của Trường Mầm non Sủng Máng thì chỉ vài lớp có đủ đồ chơi, đồ dùng học tập tối thiểu. Bà Dung bày tỏ mong muốn nhà trường được các cấp quan tâm đầu tư, bổ sung thêm đồ dùng học tập, đồ chơi để công tác giáo dục, chăm sóc trẻ của trường được tốt hơn.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, theo bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới của GDMN là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; tuyển dụng đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo đảm các điều kiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Bà Ngô Thị Minh cho biết: “Tới đây, Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 4 tuổi. Các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, xác định giải pháp và lộ trình để triển khai thực hiện đề án này vững chắc, bảo đảm khả thi”.