Tiến tới thí điểm đón khách quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan là những thị trường quốc tế đang được nhắm tới khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế, dự kiến từ tháng 7-2021
Tổng cục Du lịch vừa làm việc với đại diện một số bộ - ngành bàn về kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại từ tháng 7-2021 để tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) trình Chính phủ xem xét.
"Phao cứu sinh" cho ngành du lịch
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đại diện các bộ - ngành ủng hộ việc xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế trở lại. Trong bối cảnh chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 đang triển khai ở nhiều nước, nếu ngành du lịch không sớm nhập cuộc chắc chắn sẽ mất thị phần khách quốc tế. Các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore đã chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trở lại.
Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan là những thị trường quốc tế được nhắm đến dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vắc-xin từ hai phía. Ngoài ra, các chuyến bay chở khách quốc tế phải theo hình thức thuê bao trọn gói, bảo đảm toàn bộ khách du lịch cùng đến một điểm. Những doanh nghiệp (DN) được đón khách phải là DN quy mô, có năng lực tổ chức và tiềm lực kinh tế, đủ sức xoay xở trong trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp.
Các địa phương được lựa chọn thí điểm đón khách phải đáp ứng tiêu chí du lịch hấp dẫn nhưng vẫn an toàn trong phòng chống dịch, sẵn sàng ủng hộ chính sách mở cửa trở lại. Các sản phẩm thí điểm sẽ là du lịch golf và nghỉ dưỡng biển. Đây đều là sản phẩm tương đối khép kín, phù hợp thời gian lưu trú dài ngày mà vẫn bảo đảm khách sử dụng dịch vụ ăn uống, mua sắm.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng nguồn khách quốc tế chiếm hơn 50% doanh thu, tạo việc làm cho khoảng 4,5 triệu lao động. Nếu chỉ phục hồi du lịch nội địa thì chưa thể xem là phục hồi hoàn toàn.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, từ nay đến lúc có thể mở cửa thị trường du lịch quốc tế còn rất nhiều việc để làm. Chúng ta cần có các chính sách yêu cầu "hộ chiếu vắc-xin", xét nghiệm virus SAR-CoV-2 cho du khách trước chuyến bay và kiểm tra khi đến. Chính phủ cũng nên có chính sách BHYT du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19, cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Tại hội nghị "Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới" tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khẳng định thời gian qua, Việt Nam tìm mọi cách thúc đẩy du lịch nội địa nhưng chúng ta có cố đến mấy cũng không thể hồi phục được ngành du lịch nếu chỉ dựa vào du lịch nội địa. Vì vậy, dù khó đến đâu chúng ta vẫn phải quyết tâm tìm cách khôi phục du lịch quốc tế.
Vai trò địa phương rất quan trọng, nếu địa phương không ủng hộ thì các DN được lựa chọn thí điểm cũng không dám triển khai. Do đó, theo ông Vũ Thế Bình, phải có những giải pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch, người dân. Hiệp hội Du lịch đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về những người tiêm chủng, đồng thời cho phép hiệp hội và Tổng cục Du lịch tổ chức thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" để đón một số đoàn khách tại một số thị trường có đủ điều kiện.
"Những người làm du lịch dứt khoát phải ủng hộ tích cực việc triển khai các giải pháp mới nhất để có thể khôi phục nhanh du lịch quốc tế. Quý II chuẩn bị mạnh mẽ, quý III đột phá trong hoạt động du lịch và chúng ta không còn sợ Covid-19 nữa" - ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Cần sớm gia nhập hệ thống "hộ chiếu vắc-xin" quốc tế
Ngày 25-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết ủng hộ việc thí điểm mở cửa đón khách quốc tế trở lại, áp dụng với những khách đã có "hộ chiếu vắc-xin Covid-19" và có giấy xác nhận âm tính ở thời điểm khởi hành đi du lịch.
"Ngành du lịch có thể xem xét mở cửa đón khách theo chương trình du lịch trọn gói, theo lộ trình có sẵn và giao cho những đơn vị có năng lực cùng với các DN chịu trách nhiệm kiểm soát. Việt Nam cũng nên sớm nghiên cứu gia nhập hệ thống "hộ chiếu vắc-xin" quốc tế để có thể xem xét áp dụng đón khách quốc tế" - ông Trần Đoàn Thế Duy kiến nghị.
Việc đón khách đã có "hộ chiếu vắc-xin" cũng góp phần giúp Việt Nam và ngành du lịch, ngành y tế xem xét rút ngắn thời gian cách ly, giúp du khách thuận lợi hơn khi đi du lịch.
Trong khi đó, một số DN đồng tình với phương án thí điểm đón khách quốc tế từ đầu tháng 7-2021, áp dụng với những khách đã có "hộ chiếu vắc-xin" nhưng cho rằng cần cách làm hợp lý. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Smile Travel, đề nghị cần thống nhất cách tổ chức, quy trình đón khách quốc tế từ các bộ - ngành, địa phương và cả DN du lịch. Nếu đã mở cửa cho khách quốc tế thì nên áp dụng công bằng cho tất cả DN du lịch, thay vì chỉ chọn thí điểm một vài DN có quy mô, có tiềm lực tài chính như đề xuất.
"Đã có quy trình rõ ràng về từng bước đón khách quốc tế trở lại thì DN nào đáp ứng đủ những điều kiện đó theo nguyên tắc đều có thể đón khách. Du khách đã có "hộ chiếu vắc-xin" và giấy chứng nhận âm tính với SAR-CoV-2 sẽ quyết định chọn DN nào phục vụ mình khi tới Việt Nam, thay vì ấn định cụ thể một vài DN" - ông Hoàng Phương góp ý.
Các DN cho rằng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch trong giai đoạn thí điểm chỉ nên áp dụng với những khách đi theo tour trọn gói, không bao gồm khách đi tự túc để cơ quan quản lý dễ quản lý và xử lý khi có tình huống phát sinh.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, thông tin từ đầu tháng 5-2021, một hãng tàu biển quốc tế sẽ bắt đầu đưa khách đi du lịch trở lại, áp dụng với những khách đã có "hộ chiếu vắc-xin" và giấy chứng nhận âm tính với virus SAR-CoV-2. Do đó, việc thí điểm đón khách quốc tế mà Việt Nam dự kiến triển khai từ đầu tháng 7 là giải pháp hợp lý khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.
"DN nhỏ cũng không hẳn là yếu, kém. Việc xác định thước đo trong vấn đề này để chọn công ty được thí điểm đón khách quốc tế là chưa hợp lý. Do đó, nếu đã mở cửa đón khách nước ngoài trở lại thì nên để tất cả công ty du lịch có giấy phép lữ hành quốc tế cùng tham gia khi đáp ứng quy định của cơ quan quản lý về quy trình, tiêu chuẩn vừa đón khách vừa bảo đảm an toàn phòng dịch" - ông Phan Xuân Anh kiến nghị.
Bay thương mại quốc tế được khởi động lại
Chuyến bay mang số hiệu VN5571 của Vietnam Airlines khởi hành từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Đà Nẵng lúc 13 giờ 20 ngày 25-3. Đây là chuyến bay trọn gói đưa hơn 200 công dân Việt Nam về nước theo hình thức tự chi trả toàn bộ chi phí, đánh dấu bước tái khởi động bay thương mại quốc tế của Vietnam Airlines sau thời gian tạm dừng khai thác do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Hành khách trên chuyến bay đều phải đáp ứng các thủ tục phòng, chống dịch bệnh: Có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp Realtime - PCR của cơ quan y tế có thẩm quyền trong vòng 3 ngày trước khởi hành, xác nhận về địa điểm cách ly tại Việt Nam, cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc, khai báo y tế... Sau chuyến bay, hành khách lại tiếp tục được xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Toàn bộ thành viên phi hành đoàn sau khi trở về Việt Nam được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly. Máy bay được phun khử khuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vietnam Airlines đang cùng các cơ quan trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm "hộ chiếu vắc-xin" cũng như phương án mở lại đường bay quốc tế một cách an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và góp phần tái phát triển nền kinh tế, du lịch.
D.Ngọc