Tiến tới thu phí trên tất cả các dự án đường cao tốc và thu phí trọn đời

Sẽ không còn những tuyến cao tốc không tổ chức thu phí do đã hết thời gian hoàn vốn hay do được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Theo quy định tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, tiến tới, sẽ thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc, bao gồm cả các tuyến cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời tổ chức thu phí trọn đời.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất quy định thu phí cao tốc cả đời nhằm tạo ra phát triển đồng bộ, có kinh phí để hoàn thiện đường ở nơi khác.

Tổng cục Đường bộ cho rằng, khi Nhà nước đã xây dựng đường cao tốc sẽ tổ chức thu phí. Đây là chủ trương rất cần thiết cho việc phát triển giao thông trong tương lai. Ý nghĩa của việc tổ chức thu phí trước tiên là để điều tiết giao thông.

Sẽ tiến tới thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc

Sẽ tiến tới thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc

Thêm nữa là để có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ lưu thông trên tuyến đường thu phí đó và tiếp tục phát triển hệ thống đường bộ nói chung, trong đó có đường cao tốc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, việc thu phí đường cao tốc phải đảm bảo công bằng cho toàn bộ hệ thống cao tốc nói chung. Dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp hay hình thức BOT đều phải thu phí để hoàn vốn.

Sau khi tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành thu phí hoàn vốn sẽ được chuyển giao cho Nhà nước quản lý, khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí.

Nguồn phí đó là để phục vụ cho việc quản lý, bảo trì. Còn nếu thu phí mà dư ra sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường mới. Đó là lý do tại sao gọi là thu phí cao tốc cả đời.

Về lo ngại, việc thu phí đối với tất cả các tuyến cao tốc cũng như thu phí trọn đời dự án sẽ phát sinh tình trạng phí chồng phí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải, thực tế sẽ không có chuyện này. Hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam được hình thành sau khi đã có tuyến đường bộ hiện hữu cùng hướng tuyến.

Ở đây chỉ có thêm sự lựa chọn cho người điều khiển phương tiện đi trên tuyến cao tốc hay đi trên tuyến đường hiện hữu.

PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng, đường cao tốc phát triển sẽ giúp kết nối các vùng kinh tế, tăng tốc phát triển đất nước.

Hệ thống đường cao tốc tạo ra sự lựa chọn mới cho người dân, mang lại nhiều lợi ích KT-XH, giúp người dân đi lại nhanh, thuận tiện và tiết kiệm hơn.

Hơn nữa, do chi phí bảo trì đường cao tốc cao hơn nên việc thu phí cũng sẽ tạo nguồn vốn phục vụ công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua về việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo quy hoạch đường cao tốc Việt Nam năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam phải đầu tư xây dựng 6.441km đường cao tốc.

Theo tính toán, hiện nay chúng ta chỉ có trên 1.000km đường cao tốc. Nếu năm 2021 tính cả tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đầu tư thì mới có trên 2.000km.

Giai đoạn 2021-2025, chúng ta phải đầu tư tối thiểu 3.000km đường cao tốc nữa. Nhiệm vụ này rất nặng nề, cần nguồn vốn rất lớn mà nếu dùng vốn đầu tư công thì không thể đủ.

Theo tìm hiểu, hiện có một số dự án đường cao tốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách chưa tổ chức thu phí như cao tốc TP.HCM- Trung Lương, cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên.

Cũng do cả hai tuyến cao tốc này hiện đang không thu phí nên không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và quản lý nên hiện trường đã gần như thành đường quốc lộ.

Còn tại dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông, có 3 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước gồm: Cam Lâm- Vĩnh Hảo, Phan Thiết- Giầu Dây và Mai Sơn- QL5. Tổng chiều dài của 3 dự án cao tốc thành phần này là hơn 250km.

Hải Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tien-toi-thu-phi-tren-tat-ca-cac-du-an-duong-cao-toc-va-thu-phi-tron-doi-post441595.antd