Tiến trình chính trị ở Syria đang được khu vực và quốc tế ủng hộ

Các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như đã xảy ra tại Libya hay Iraq.

Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon nhất trí sẽ hợp tác về vấn đề Syria, sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara ngày hôm qua, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cho biết: “Lebanon trông cậy vào vai trò mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đảm nhiệm và sự hiện diện tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh những thay đổi chính trị đang diễn ra trong môi trường địa lý của chúng ta, đặc biệt là ở Syria. Chúng tôi cũng mong muốn người dân Syria anh em được tự do và ổn định, và chúng tôi nhấn mạnh đến sự thống nhất của Syria cũng như chủ quyền hoàn toàn của Syria đối với lãnh thổ của họ”.

Trong 1 tín hiệu tích cực từ Liên hợp quốc, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen cho biết "có rất nhiều hy vọng về sự khởi đầu của một Syria mới". Đặc phái viên Pedersen cho rằng, quá trình chuyển đổi chính trị toàn diện ở Syria sẽ là chìa khóa để đảm bảo nước này nhận được sự hỗ trợ kinh tế cần thiết.

Người dân ở Syria. Ảnh: Getty

Người dân ở Syria. Ảnh: Getty

Trong khi đó, HTS (nhóm mạnh nhất trong liên minh đối lập tại Syria), đã lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Syria, cho rằng quốc gia Trung Đông này không gây ra mối đe dọa nào đối với thế giới. Trước đây, Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và các nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Syria khi nước này xảy nội chiến vào năm 2011. Sau đó nhóm Hồi giáo HTS (từng là chi nhánh của al Qaeda) cũng chịu các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phải chịu lệnh đóng băng tài sản toàn cầu và lệnh cấm vận vũ khí. Nhiều nhà ngoại giao cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có thể được sử dụng như một đòn bẩy để đảm bảo chính quyền mới của Syria thực hiện các cam kết của họ.

Đặc phái viên Pedersen nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thấy quá trình chấm dứt lệnh trừng phạt ở Syria. Chúng ta đều biết mới chỉ hơn chục ngày kể từ khi HTS và các nhóm khác đến Damascus. Vì vậy, vẫn còn sớm, nhưng có rất nhiều hy vọng rằng chúng ta có thể thấy sự khởi đầu của một Syria mới. Một Syria mới phù hợp với nghị quyết 2254 của hội đồng bảo an, sẽ thông qua một hiến pháp mới đảm bảo xã hội gắn kết cho tất cả người Syria và chúng ta sẽ thấy các cuộc bầu cử tự do và công bằng sau thời kỳ chuyển tiếp, cũng phù hợp với nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an".

Chính phủ một số quốc gia bắt đầu tiếp xúc với chính quyền lâm thời Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar mở lại đại sứ quán tại Damascus, trong khi Mỹ và Anh bắt đầu liên lạc với các quan chức Syria. Hiện một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu vẫn là rào cản đối với nền kinh tế Syria, nhưng các cường quốc phương Tây đang xác định lại chính sách với HTS. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết việc EU dỡ lệnh trừng phạt và đưa HTS khỏi danh sách đen "sẽ phụ thuộc những bước đi tích cực và hành động thực tế của ban lãnh đạo mới, không phải là lời nói".

Thủ lĩnh HTS Ahmad al-Shara hôm qua cũng đã công bố kế hoạch cải cách kinh tế và an ninh toàn diện tại Syria. Kế hoạch bao gồm tăng lương lên 400% nhằm giảm bớt khó khăn kinh tế mà người dân Syria phải đối mặt, phát hành một loại tiền tệ mới, giải giáp toàn bộ các phe phái vũ trang, đặt mọi loại vũ khí dưới quyền kiểm soát của nhà nước, ưu tiên tái thiết các khu vực bị tàn phá và đưa những người phải di dời trở về. Ông al-Shara cam kết xây dựng lại các ngôi nhà bị phá hủy, đảm bảo mọi người dân Syria đều có thể trở về quê hương.

Trần Nga/VOV1 (biên dịch) Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tien-trinh-chinh-tri-o-syria-dang-duoc-khu-vuc-va-quoc-te-ung-ho-post1143202.vov