Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza đối mặt nhiều thách thức

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, vòng đàm phán tiếp theo về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, dự kiến diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng tại Cairo, đang đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh lực lượng Hamas của Palestine tuyên bố chỉ đàm phán về lệnh ngừng bắn dựa trên các đề xuất do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào ngày 2/7.

Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza ngày 26/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza ngày 26/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, quân đội Israel tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn gần đây vào các thành phố ở phía Bắc Bờ Tây. Vòng đàm phán cấp cao diễn ra tại thủ đô Cairo của Ai Cập đã kết thúc vào ngày 25/8 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Các cuộc đàm phán này có sự tham gia của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và người đứng đầu Cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea. Phái đoàn Hamas không tham gia trực tiếp nhưng đã được các nhà trung gian Ai Cập và Qatar thông báo tóm tắt về kết quả đàm phán.

Các nhóm làm việc cấp chuyên viên của Mỹ và Qatar vẫn ở lại Cairo để tiếp tục công việc với hy vọng giải quyết được những bất đồng còn tồn tại. Một quan chức yêu cầu giấu tên của Mỹ cho biết Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Brett McGurk đã có các cuộc đàm phán tại Doha với các nhà lãnh đạo cấp cao của Qatar về những nỗ lực hiện nay nhằm hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Cuộc gặp của ông McGurk với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani diễn ra sau khi Thủ tướng Qatar đến Tehran để hội đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 26/8.

Tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza tiếp tục bế tắc sau khi cả hai bên đều từ chối các thỏa hiệp do các nhà trung gian đề xuất. Trong số các yêu cầu của mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên quyết duy trì sự hiện diện của quân đội Israel dọc Hành lang Philadelphi và sàng lọc những người Palestine phải di dời khi họ trở về phía Bắc Gaza.

Hamas tuyên bố lực lượng này chỉ đàm phán về lệnh ngừng bắn dựa trên các đề xuất hôm 2/7 của Tổng thống Biden. Ông Basim Naiem, quan chức cấp cao của Hamas, nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra chỉ để phá hoại mọi nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn".

Ngày 25/8, phái đoàn Hamas đã rời Cairo sau khi nhận được kết quả bằng văn bản của các cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày giữa Israel và các nhà trung gian Qatar, Ai Cập và Mỹ. Ông Mahmoud Merdawi, quan chức cấp cao của Hamas tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng: "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ tiến triển nào trong lập trường của Israel. Ông Netanyahu vẫn kiên quyết duy trì quân đội Israel ở Gaza và không chấm dứt chiến tranh. Điều này cho thấy ông Netanyahu sẽ tiếp tục chiến tranh sau giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn. Yêu cầu của chúng tôi rất rõ ràng. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc quân đội Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza, cho phép những người đi sơ tán được trở về nhà, chấm dứt chiến tranh, tái thiết Gaza và trao đổi con tin".

Ông Merdawi nhấn mạnh Hamas sẵn sàng thực hiện những điểm mà Israel đồng ý vào ngày 2/7, dựa trên thông báo của Tổng thống Mỹ và nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông kêu gọi các nhà trung gian hòa giải, đặc biệt là Mỹ, gây sức ép buộc Israel và ông Netanyahu thực hiện các nội dung đã thỏa thuận.

Theo trang tin tức Axios, Tổng thống Biden đã yêu cầu ông Netanyahu rút quân đội Israel ra khỏi Hành lang Philadelphi trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn để đảm bảo sự thành công cho các cuộc đàm phán. Ông Netanyahu đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông Biden và đồng ý từ bỏ một địa điểm do lực lượng Israel kiểm soát tại Hành lang Philadelphi.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, vòng đàm phán cuối tuần trước tại Cairo dù đạt được tiến triển nhất định nhưng thể không đảm bảo mang lại một thỏa thuận cuối cùng trong thời gian sớm nhất.

Hiện, các nhà đàm phán vẫn đang thảo luận về các chi tiết của thỏa thuận. Các nhà đàm phán Mỹ hy vọng thủ lĩnh chính trị Hamas Yahya Sinwar sẽ nhận được bản sao đề xuất mới nhất trong những ngày tới, mặc dù thời gian vẫn chưa rõ ràng do khó khăn trong việc liên lạc với ông Sinwar.

Trong khi đó, ngày 28/8, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với người định cư Israel ở Bờ Tây, đồng thời kêu gọi Israel chịu trách nhiệm lớn hơn về tình trạng bạo lực trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố: "Bạo lực của người định cư cực đoan ở Bờ Tây gây đau khổ, đe dọa an ninh Israel và làm suy yếu triển vọng hòa bình khu vực". Ông nhấn mạnh Israel cần truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng gây bạo lực nhằm vào dân thường Palestine.

Lệnh trừng phạt trên nhắm vào tổ chức Hashomer Yosh, nhóm hỗ trợ trại định cư trái phép Meitarim ở Nam Hebron. Đầu năm 2024, nhóm này đã rào làng, buộc 250 người Palestine phải di dời. Cá nhân đối tượng Yitzhak Levi Filant cũng bị trừng phạt vì cầm đầu nhóm định cư có vũ trang tấn công người Palestine.

Trong một tuyên bố cùng ngày, văn phòng thủ tướng Israel nêu rõ Thủ tướng Benjamin Netanyahu phản đối lệnh trừng phạt trên của Mỹ, khẳng định Tel Aviv đang xem xét kỹ lưỡng và thảo luận sâu rộng vấn đề này với Washington.

Lệnh trừng phạt được đưa ra cùng ngày Israel phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Bờ Tây, bất chấp cảnh báo từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về nguy cơ leo thang xung đột.

Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ngày 28/8, Liên đoàn Ả-rập (AL) đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel tại khu vực phía Bắc Bờ Tây.

Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit tuyên bố các cuộc tấn công của Israel là "sự leo thang nghiêm trọng" và đe dọa cả khu vực Trung Đông. Ông chỉ trích việc Israel phá hủy cơ sở hạ tầng, bao vây các bệnh viện và thực hiện nhiều hành động khác, coi đây là nỗ lực nhằm khuất phục người dân Palestine và phá hoại các thỏa thuận hiện có.

Ông Aboul-Gheit cũng chỉ trích Mỹ vì không gây áp lực đủ lớn đối với Israel, làm cản trở các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ông kêu gọi Washington có lập trường rõ ràng và can thiệp để chấm dứt các hành động quân sự ngày càng gia tăng của Israel.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng đã ra tuyên bố kịch liệt lên án các cuộc tấn công quân sự gần đây của Israel vào các thành phố phía Bắc Bờ Tây, khiến nhiều người Palestine thiệt mạng và bị thương. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Cairo cáo buộc Israel vi phạm có hệ thống luật pháp quốc tế. Ai Cập coi đây là động thái tiếp tục chính sách leo thang và mở rộng xung đột của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine.

Ngoài ra, Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế có lập trường thống nhất để bảo vệ người Palestine, đồng thời yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng từ chiến dịch hiện nay.

Theo tuyên bố trên, các cuộc tấn công mới nhất của Israel ở Bắc Bờ Tây diễn ra đồng thời với các cuộc tấn công ở Gaza và các hành vi xâm phạm các địa điểm linh thiêng ở Đông Jerusalem, cho thấy Israel vẫn kiên quyết thực hiện các hành động leo thang.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/320127/tien-trinh-dam-phan-ngung-ban-o-dai-gaza-doi-mat-nhieu-thach-thuc.html