Tiến trình hòa bình tại Afghanistan: Kỳ vọng tạo bước đột phá

Lộ trình hòa bình tại Afghanistan vừa có thêm một bước tiến mới khi Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani và Taliban đã thống nhất được thời điểm hòa đàm sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Đây được coi là một trong những chuyển biến tích cực, kỳ vọng tạo bước đột phá, tiến tới hòa bình thật sự cho quốc gia Nam Á này.

Hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban mang lại hy vọng kết thúc cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Động thái này đạt được sau những nỗ lực của Mỹ trong thời gian gần đây nhằm khởi động các cuộc đàm phán giữa Kabul và phiến quân Taliban. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ còn cử đặc phái viên Zalmay Khalilzad tới Afghanistan vào cuối tháng 7 vừa qua để thúc đẩy thỏa thuận về trao đổi tù nhân và giảm căng thẳng. Việc trao đổi tù nhân là một phần trong thỏa thuận mà Mỹ cùng nhóm phiến quân Taliban đạt được hồi tháng 2-2020 và bị coi là “chướng ngại” đối với các cuộc đối thoại hòa bình tại Afghanistan.

Cụ thể theo thỏa thuận, chính quyền Afghanistan cam kết thả hơn 5.000 tù nhân Taliban để đổi lấy tự do cho hơn 1.000 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan. Quá trình trao đổi này gần như hoàn tất với hơn 4.900 tù nhân Taliban và hơn 600 binh sĩ được trả tự do. Tuy nhiên, Chính phủ Afghanistan sau đó đã từ chối phóng thích hơn 400 tù nhân Taliban, với lý do những người này phạm tội nghiêm trọng, trong đó có vụ đánh bom gần Ðại sứ quán Ðức năm 2017, hay vụ tấn công khách sạn Intercontinental ở Kabul năm 2018.

Phản ứng lại, Taliban cáo buộc Chính phủ Afghanistan không thực hiện cam kết và đặt điều kiện chỉ tham gia đàm phán hòa bình sau khi 400 phiến quân cuối cùng được phóng thích, khép lại tiến trình trao đổi tù nhân giữa hai bên. Taliban còn cảnh báo gia tăng các vụ đánh bom và tấn công, một khi Chính phủ Afghanistan không có những bước đi sớm hoàn tất thực hiện cam kết. Cùng với những lời đe dọa trên, tình trạng bạo lực tại Afghanistan không hề giảm kể cả khi Mỹ và Taliban đạt được thỏa thuận lịch sử. Các vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ thậm chí còn gia tăng, gây thương vong lớn.

Dưới sức ép của Mỹ, từ ngày 14-8, chính quyền Afghanistan bắt đầu thực hiện việc trả tự do cho 400 tù nhân Taliban được xếp vào nhóm nguy hiểm nhất. Các nhà bình luận cho rằng, Tổng thống Ashraf Ghani xác định, chính phủ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đáp ứng yêu cầu của Taliban để đàm phán hòa bình có thể được khởi động.

Ngoài vấn đề thả tù binh, kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan cũng là một phần quan trọng trong thỏa thuận Mỹ - Taliban. Hồi giữa tháng 7-2020, Mỹ xác nhận đã thực hiện giai đoạn đầu của thỏa thuận, rút quân khỏi 5 căn cứ quân sự ở Afghanistan, giảm số lượng binh sĩ tại Afghanistan từ 12.000 xuống còn 8.600 trong vòng 135 ngày. Và, Mỹ đang lên kế hoạch tiếp tục cắt giảm quân số đồn trú tại Afghanistan từ mức 8.600 hiện nay xuống còn khoảng 4.000 binh sĩ vào cuối tháng 11 tới. Kế hoạch giảm quân mới của Mỹ được đánh giá là có thể góp thêm động lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình tại Afghanistan.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để Taliban và Chính phủ Afghanistan thống nhất được một kế hoạch hòa bình, chấm dứt hơn 19 năm chiến tranh thì vẫn còn một chặng đường rất dài. Một thách thức lớn đe dọa tiến trình đàm phán là việc phiến quân Taliban vẫn liên tiếp gây ra các vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính quyền và dân thường. Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ đầu năm tới nay, đã có hơn 800 người bị thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc tấn công của nhiều nhóm phiến quân. Trong đó, Taliban gây ra một nửa số thương vong này. Gần đây nhất, ngày 16-8, đụng độ giữa lực lượng chính phủ và Taliban đã xảy ra tại các tỉnh Badghis và Ghazni làm ít nhất 21 tay súng Taliban thiệt mạng, 7 người khác bị thương.

Vì thế, dù đã có khá nhiều nút thắt được tháo gỡ, song để “cỗ xe hòa bình” không bị trật bánh, vẫn cần thêm rất nhiều nỗ lực và thiện chí từ các bên liên quan.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/977142/tien-trinh-hoa-binh-tai-afghanistan-ky-vong-tao-buoc-dot-pha