Tiền vào chứng khoán đang bị chi phối bởi những yếu tố nào?

Kết thúc quí 1-2025, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 3,2% nhờ nền tảng vĩ mô ổn định và mặt bằng lãi suất thấp, bất chấp áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Tuy nhiên, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, thị trường lập tức bước vào giai đoạn biến động mạnh, cho thấy dòng tiền vào thị trường chứng khoán hiện đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố bất định cả trong và ngoài nước.

Ảnh: LÊ VŨ

Ảnh: LÊ VŨ

Thị trường chứng khoán trải qua những biến động chưa từng có

Quí 1-2025, kinh tế vĩ mô Việt Nam duy trì trạng thái tương đối ổn định. GDP tăng trưởng đạt 6,93%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 202 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 13% so với cùng kỳ, với thặng dư thương mại gần 3,2 tỉ đô la Mỹ. Tiêu dùng và đầu tư phục hồi tích cực, trong khi lạm phát, tỷ giá và lãi suất dù chịu áp lực từ bên ngoài nhưng vẫn được kiểm soát tốt. Nhờ đó, VN-Index kết thúc quí với mức tăng 3,2%, thanh khoản được cải thiện qua từng tháng, bất chấp lực bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại.

Tuy nhiên, từ sau ngày 2-4-2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đồng loạt phản ứng tiêu cực. VN-Index cũng ghi nhận chuỗi phiên biến động mạnh với các phiên giảm sàn diện rộng, xen kẽ các phiên tăng trần bất ngờ, phản ánh tâm lý dao động cực độ của giới đầu tư trước mỗi phát biểu hoặc dòng thông tin của ông Trump trên mạng xã hội. Diễn biến này không chỉ cho thấy mức độ chi phối sâu rộng của chính sách từ Mỹ, mà còn phơi bày sự nhạy cảm của TTCK Việt Nam trước các cú sốc từ bên ngoài.

Dòng tiền vào thị trường vẫn thận trọng dù thị trường tăng điểm

Điểm nổi bật trong quí 1-2025 là sự thận trọng rõ rệt của dòng tiền vào TTCK. Dù tăng điểm, thanh khoản vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, lực lượng chiếm khoảng 80% giao dịch. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, nhóm này hiện giao dịch dè dặt hơn, do ảnh hưởng từ các cú sốc trong năm 2022-2023, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng để cơ cấu danh mục toàn cầu sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, căng thẳng thương mại và xu hướng duy trì lãi suất cao từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong nước, các tổ chức đầu tư lớn cũng duy trì trạng thái phòng thủ do sức cầu yếu, cũng như các yếu tố về lãi suất và tỷ giá chưa rõ ràng. Tín dụng tăng chậm, lãi suất giảm nhưng chưa đủ kích thích đầu tư mở rộng, khiến dòng tiền nhàn rỗi chưa thực sự chảy mạnh vào cổ phiếu.

Dòng tiền lớn “án binh bất động” trong thời gian tạm hoãn áp dụng thuế của Mỹ?

Chính quyền Mỹ hiện đang tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng cao trong vòng 90 ngày kể từ ngày 9-4-2025 để các quốc gia có thời gian đàm phán. Ngày 12-4-2025, Mỹ tiếp tục công bố miễn trừ tạm thời với một số mặt hàng công nghệ như điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử, đồng thời đề cập khả năng phân loại thuế riêng biệt cho các nhóm hàng này.

Dòng tiền vào TTCK đang bị chi phối bởi sự kết hợp của yếu tố tâm lý, bất định chính sách và thiếu lựa chọn thay thế hấp dẫn. Khi động lực nội tại còn yếu và rủi ro bên ngoài chưa rõ ràng, việc “giữ tiền, chờ thời” là phản ứng dễ hiểu từ cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân.

Trong giai đoạn này, phần lớn các hoạt động đầu tư liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chững lại. Một số doanh nghiệp có thể đẩy nhanh sản xuất nhằm tranh thủ xuất hàng trước khi thời hạn tạm hoãn thuế của Mỹ kết thúc, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là “án binh bất động”. Trên bình diện vĩ mô, chính sách tiền tệ cũng khó có điều chỉnh lớn trong giai đoạn này do các yếu tố từ bên ngoài còn nhiều bất định. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường, các kế hoạch đầu tư mới bị tạm hoãn, trong khi kịch bản ứng phó đang được âm thầm chuẩn bị.

Dòng tiền lớn vì thế vẫn lựa chọn chiến lược chờ thời. Một số doanh nghiệp đã cân nhắc phương án mua lại cổ phiếu như một biện pháp phòng vệ, dù hành động này sẽ làm giảm vốn điều lệ theo quy định hiện hành. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo và cổ đông lớn cũng bắt đầu đăng ký mua vào, thể hiện sự chuẩn bị cho các kịch bản bất lợi có thể xảy ra.

Dòng tiền đầu tư không có nhiều lựa chọn

Trong bối cảnh chính sách thuế của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, không có nhiều lựa chọn thực sự hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tiền gửi ngân hàng là kênh phổ biến nhất, có tổng dư huy động trên 14,7 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2024, nhưng lãi suất bình quân 12 tháng hiện nay chỉ quanh 5%/năm, mức thấp trong nhiều năm.

Vàng là kênh trú ẩn truyền thống lại trở nên khó đoán. Biến động giá trong nước ngày càng lớn, có lúc lên tới 5-8 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua và bán lên đến 2,5-3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh và ngày càng lệch pha với giá vàng trong nước, khiến việc đầu tư ngắn hạn gặp rủi ro cao.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại niềm tin thị trường. Quí 1-2025 chỉ ghi nhận hơn 18.600 tỉ đồng trái phiếu phát hành, và phần lớn tập trung vào ngành tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán. Việc thiếu vắng sự đa dạng về đối tượng phát hành, lĩnh vực phát hành và các khoản trái phiếu cũ gia hạn vẫn chưa xử lý hết khiến kênh này chưa hấp dẫn trở lại.

Bất động sản đang có dấu hiệu “tan băng”, với một số dự án mới nhận được sự quan tâm trở lại. Tuy nhiên, phần lớn các dự án mới vẫn thuộc phân khúc trung và cao cấp, trong khi nhu cầu thực chủ yếu đến từ nhóm thu nhập trung bình và thấp. Dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tâm lý e dè trước những bất ổn kinh tế vẫn còn khiến nhà đầu tư chưa mạnh dạn xuống tiền.

Tổng hợp các yếu tố hiện tại cho thấy, dòng tiền vào TTCK đang bị chi phối bởi sự kết hợp của yếu tố tâm lý, bất định chính sách và thiếu lựa chọn thay thế hấp dẫn. Khi động lực nội tại còn yếu và rủi ro bên ngoài chưa rõ ràng, việc “giữ tiền, chờ thời” là phản ứng dễ hiểu từ cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân. Chỉ khi các tín hiệu vĩ mô và chính sách quốc tế trở nên minh bạch hơn, thị trường mới có thể đón nhận một làn sóng tiền mới thật sự mạnh mẽ.

Trịnh Duy Viết

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tien-vao-chung-khoan-dang-bi-chi-phoi-boi-nhung-yeu-to-nao/