Tiến vào tâm dịch
7 giờ sáng ngày đầu tiên của tháng 6, tôi có mặt ở sân Trường đại học Y Hà Nội (YHN). Hôm nay tại đây sẽ diễn ra lễ xuất quân lần thứ ba, đưa lực lượng hỗ trợ chống dịch vào Bắc Ninh.
Tiến vào tâm dịch
Bài & ảnh: THI PHONG
Thứ Sáu, 04-06-2021, 18:27
7 giờ sáng ngày đầu tiên của tháng 6, tôi có mặt ở sân Trường đại học Y Hà Nội (YHN). Hôm nay tại đây sẽ diễn ra lễ xuất quân lần thứ ba, đưa lực lượng hỗ trợ chống dịch vào Bắc Ninh.
1/Dù đến 7 giờ 30 phút, lễ xuất quân mới chính thức diễn ra nhưng trên sân đã có khá đông các tình nguyện viên trong trang phục áo blouse, hành lý gọn gàng, sẵn sàng cho chuyến công tác đặc biệt lần này. Một số bạn bè, người thân đã kịp đến để chia tay với rất nhiều bịn rịn: “Tớ sẽ nhớ cậu lắm đấy, cố lên nhé”. Thời tiết đầu buổi sáng khá oi nóng. Dự báo nhiệt độ trong ngày có thể lên tới 40°C. Chắc chắn tại Bắc Ninh, điểm đến lần này của đoàn tình nguyện, không chỉ nắng nóng cao điểm mà các điều kiện sinh hoạt cũng sẽ hết sức khó khăn.
Đứng lặng lẽ quan sát những chàng trai, cô gái mới ngoài đôi mươi, lòng tôi rưng rưng, xúc động. Họ còn quá trẻ. Nét hồn nhiên, thơ ngây vẫn còn phảng phất trên những khuôn mặt thư sinh. Có cô gái nhìn chỉ như học sinh cấp ba, vừa đứng nói chuyện với bạn vừa cầm chiếc quạt mini chạy pin mầu hồng trong tay, chia gió mát cho các bạn chung quanh. Những ngày tới đây, tôi không dám chắc chiếc quạt nhỏ xíu, đầy nữ tính ấy có thể sử dụng được nữa không. Bởi thực hiện nhiệm vụ tại tâm dịch, dù giữa thời tiết nắng nóng, họ sẽ phải khoác lên người những bộ quần áo bảo hộ kín mít để bảo đảm an toàn. Đôi bàn tay sẽ không có nhiều thời gian rảnh rỗi để tự quạt mát cho mình. Chiếc quạt xinh xắn kia hẳn sẽ cất vào một góc nào đó trong vali.
“Đêm qua em có ngủ được không?” - Tôi hỏi Lộc, chàng trai đang làm nghiên cứu sinh năm cuối chuyên ngành y tế công cộng. “Em vẫn ngủ bình thường thôi. Có gì đâu mà”. Nhìn khuôn mặt bình tĩnh, tự tin của người thanh niên ấy, tôi thấy ấm lòng. Những ngày qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về họ - những sinh viên, nghiên cứu sinh năm cuối sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường nhận nhiệm vụ mới, đầy khó khăn, thử thách. Tôi nghĩ về những ngày sắp tới đây mà họ sẽ phải đối mặt. Tôi tin họ đều đã chuẩn bị sẵn tâm lý, bản lĩnh, sự nhiệt tình để thực hiện tốt nhiệm vụ mà nhà trường, các thầy, cô tin tưởng giao phó. Mọi kiến thức, kỹ năng học hỏi trong trường sẽ càng có giá trị hơn nếu được thực hành và phát huy trong thực tế đời sống. Những khó khăn, vất vả phía trước sẽ là môi trường rèn luyện giúp họ vững vàng và trưởng thành hơn.
2/Như vậy chỉ trong vòng hơn 10 ngày, từ 20-5 đến nay, Trường đại học Y HN đã cử 160 cán bộ, sinh viên vào tâm dịch Bắc Ninh, chia làm ba đợt (đợt một là 50 người, đợt hai là 60 người và đợt ba là 50 người). Đây cũng là hành động thiết thực của thầy và trò Trường YHN hưởng ứng lời kêu gọi của GS, TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế gửi tới 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc nhằm hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Việc tập huấn cho tình nguyện viên tập trung các nội dung chính đó là: tiêm chủng và an toàn tiêm chủng; lấy mẫu và xét nghiệm; chăm sóc điều trị, phòng lây nhiễm chéo.
Từ thực tế những đợt ra quân trước, GS, TS, bác sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học YHN dặn dò các học trò của mình thực hiện tốt nguyên tắc “ba cùng” khi các em về cơ sở làm việc, chấp nhận sự thiếu thốn, công việc vất vả, cố gắng hòa nhập với địa phương, giữ sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quyết định cử cán bộ, sinh viên đi công tác đợt này hết sức đặc biệt bởi chỉ có ngày đi, nhưng thầy trò cùng hứa với nhau sớm gặp lại khi hết dịch, để được liên hoan, chúc mừng nhau.
Có mặt tại buổi lễ tiễn đoàn công tác, PGS, TS Nguyễn Minh Sơn thu hút mọi ánh nhìn bởi bộ quần áo lính đang khoác trên người. Năm 1971, khi mới 17 tuổi, đang là sinh viên YHN, theo lời kêu gọi của đất nước, chàng trai Nguyễn Minh Sơn đã xếp bút nghiên, thay mầu trắng của chiếc áo blouse bằng mầu xanh áo lính để ra trận. Những năm tháng chiến đấu gian khổ tại chiến trường Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ không bao giờ phai mờ trong ký ức của người thanh niên ấy. Hết chiến tranh, anh quay trở lại YHN, tiếp tục hoàn thành chương trình học tập, được giữ ở lại trường giảng dạy và gắn bó với ngôi trường đến tận hôm nay. 50 năm đã trôi qua kể từ ngày nhập ngũ, hôm nay chứng kiến những thanh niên tuổi xuân phơi phới, người lính già năm xưa không khỏi xúc động. PGS, TS, Thượng tá Nguyễn Minh Sơn gửi gắm niềm tin, chúc các em sinh viên phát huy được truyền thống của nhà trường, của những người đi trước, dù hy sinh gian khổ đến mấy cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ.
8 giờ, đoàn xe lăn bánh tiến về Bắc Ninh. Những bàn tay vẫy. Những ánh mắt trao gửi niềm yêu thương, tin cậy... Những ngày này, từ khắp mọi miền Tổ quốc, có nhiều những chuyến xe, những đoàn công tác đặc biệt như thế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/tien-vao-tam-dich-649300/