Tiền vệ Cao Văn Triền: 'Nếu không đá bóng tôi đã đi đánh cá'

Trái bóng đã kéo Cao Văn Triền khỏi miền biển đến với Sài Gòn náo nhiệt, thôi thúc trong anh giấc mơ được khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Cao Văn Triền (trái) đang chơi thăng hoa trong màu áo Sài Gòn FC

Cao Văn Triền (trái) đang chơi thăng hoa trong màu áo Sài Gòn FC

Sinh ra và lớn lên ở làng chài, cuộc sống từ nhỏ của Cao Văn Triền gắn liền với con tôm, con cá, nhưng trái bóng đã kéo anh khỏi miền biển, đưa anh đến với Sài Gòn náo nhiệt, thôi thúc trong anh giấc mơ được khoác lên mình màu áo đội tuyển Việt Nam.

Cậu bé nhà quê thành ngôi sao V-League

Tại V-League 2020, Sài Gòn FC đang gây ấn tượng mạnh với ngôi đầu bảng sau 11 vòng đấu. Trong thành công của đội bóng áo hồng, Cao Văn Triền có đóng góp thầm lặng nhưng cực kỳ quan trọng. Anh chơi thấp nhất ở tuyến giữa, chịu trách nhiệm dọn dẹp phía trước hàng thủ và thu hồi bóng.

Những con số thống kê của InStat đều cho thấy, chàng trai gốc Bình Định là tiền vệ đánh chặn hay nhất V-League 2020 tính tới thời điểm này. Cụ thể, anh đạt tỉ lệ thu hồi bóng gần 100%, tỉ lệ tắc bóng gần 98% và khả năng cắt đường chuyền lên tới 80%. Nhìn những con số này, cũng dễ hiểu khi Sài Gòn FC là đội để thủng lưới ít nhất, 6 bàn/11 trận.

Với phong độ ấn tượng, Văn Triền được cho rằng đã lọt vào tầm ngắm của HLV Park Hang-seo. Các chuyên gia cũng nhận định, cầu thủ sinh năm 1993 xứng đáng có suất lên tuyển. Tuy nhiên, trong bản danh sách công bố hôm 12/8 (thực tế đợt hội quân từ 16 - 26/8 đã bị hoãn), ông Park lại không điền tên cầu thủ thuộc biên chế Sài Gòn FC.

“Bản thân tôi cảm thấy mình đang đạt phong độ cao, có thể đáp ứng được chuyên môn ở đội tuyển Việt Nam. Chắc HLV Park Hang-seo cảm thấy tôi chưa phù hợp hoặc còn thiếu cái gì đó. Tôi sẽ tạm gác lại giấc mơ khoác màu áo đỏ sao vàng, tiếp tục nỗ lực. Tôi tin sẽ có ngày mình được thày Park ghi nhận”, Văn Triền chia sẻ.

Nói vậy nhưng trong ánh mắt Triền đượm buồn. Giấc mơ được thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tưởng chừng đã ở rất gần nhưng anh lại chưa thể chạm vào.

“Ngày nhỏ tôi ham đá bóng lắm. Mà chẳng phải riêng tôi, những đứa trẻ ở quê tôi (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đứa nào cũng ham vì có gì để chơi đâu. Hoài Hải là một xã đảo, xung quanh toàn biển, vào đất liền cũng phải 3km nhưng không có cầu nên cuộc sống gần như tách biệt. Những đứa trẻ chỉ biết tìm niềm vui từ trái bóng.

Tôi thường cùng anh trai (Cao Văn Khánh) và lũ bạn chơi ngoài bãi biển, bóng được cuộn từ những chiếc phao hỏng. Có bữa ba tôi đi biển lượm được trái bóng rổ, cả bọn thích lắm, đá quên ăn luôn. Một lần tôi coi tivi thấy đội tuyển thi đấu hay quá nên mơ ước có ngày được trở thành tuyển thủ quốc gia…”, Văn Triền tâm sự.

Mê đá bóng, lại bộc lộ được ít nhiều tố chất nên các giải trường, giải xã rồi giải huyện, Triền và anh trai đều góp mặt, chơi nổi bật. Năm 2009, hay tin Sở VH-TT&DL Bình Định tuyển cầu thủ trẻ để đào tạo, hai anh em Triền xin ba mẹ cho đi thi. Ba mẹ anh ban đầu không đồng ý bởi con còn nhỏ, không nỡ để con chịu khổ nhưng hai anh em kiên quyết xin đi. Ngày có giấy báo trúng tuyển, Triền và Khánh lại một lần nữa xin ba mẹ vào thành phố để tập bóng đá. Thấy con đam mê cháy bỏng, ba mẹ anh cũng chiều lòng.

Vậy là chặng đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của anh em Triền bắt đầu. Anh kể: “Hồi mới vào đội, thấy mình vừa còi vừa đen, chúng bạn tỏ ý coi thường, thậm chí dè bỉu nhưng tôi mặc kệ, chỉ chuyên tâm tập luyện, lấy bóng đá làm niềm vui. Đi học văn hóa, tôi luôn mong hết giờ để ra sân, sáng cũng dậy sớm ra sân bởi chỉ khi có trái bóng tôi mới cảm thấy là chính mình. Lâu dần, các bạn thấy tôi chơi tốt nên không có thái độ như trước”, cầu thủ Sài Gòn FC tâm sự.

Từng suýt bỏ bóng đá về đánh cá

Tập luyện ở đội Bình Định, cả Triền và Khánh đều cho thấy sự tiến bộ nhất định và được dự đoán sẽ sớm góp mặt ở đội 1. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn màu hồng. Năm 17 tuổi, Triền đã phải đối diện một biến cố mà đến giờ anh vẫn không thể nào quên.

Tôi theo dõi Cao Văn Triền từ lâu, cậu ấy vài mùa qua nổi lên là cái tên chơi năng nổ, cần mẫn và rất khỏe. Đặc biệt, tại V-League 2020, cậu ấy đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, tinh tế hơn, đầu óc hơn nên lối chơi cũng rất hiệu quả. Tôi đánh giá cậu ấy là mẫu cầu thủ hiếm gặp của bóng đá Việt Nam bởi sức va đập rất tốt. Trong tương lai, tôi tin cậu ấy sẽ được trọng dụng ở đội tuyển nếu giữ vững được đà thăng tiến như hiện tại.
Bình luận viên Vũ Quang Huy

Năm đó, cả lứa U17, U18 được lãnh đạo đội bóng đem cho các CLB khác mượn để rèn rũa, nhằm bồi dưỡng để đưa lên đội 1, riêng Triền phải ở lại. “Nó giống như việc cả lớp đều vượt qua kỳ thi còn mình bị đúp.

Thời gian đó tôi chỉ lủi thủi tập một mình, chán quá thì tập với các em nhỏ. Cảm giác như người thừa, một kẻ bất tài nên tôi đã định xin về nhà phụ giúp bố mẹ làm nghề cá. Thế nhưng, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua vì tôi không muốn ba mẹ phải thất vọng vì mình. Tôi quyết tâm ở lại, một mình cũng tập để duy trì thể lực”, Triền bộc bạch.

Cũng năm đó, đội U21 Bình Định dự Giải U21 Quốc gia, dù không thi đấu và tập không giáo án suốt nửa năm nhưng cầu thủ sinh năm 1993 vẫn thể hiện tốt. Kết thúc giải, Triền cùng anh trai và 8 cầu thủ được đôn lên đội 1 thử sức. Một thời gian sau, có 4 cái tên trụ lại, bao gồm hai anh em Triền.

“Đến bây giờ thì chỉ còn tôi với anh trai theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp. Anh tôi vẫn đang chơi cho Bình Định ở Giải hạng Nhất. Về phần mình, năm 2015 đội Bình Định giải thể, bị đánh tụt hạng Ba, thày Võ Đình Tân của Sanna Khánh Hòa mượn tôi về để đá V-League. Tôi thi đấu ở đây hai mùa trước khi bôn ba vào TP HCM khoác áo Sài Gòn FC theo lời mời của thày Nguyễn Đức Thắng và gắn bó tới nay”, cầu thủ sinh năm 1993 kể.

Theo dõi Văn Triền thi đấu, dễ nhận thấy anh sở hữu nền tảng thể lực rất dồi dào, có phần trội hơn so với mặt bằng cầu thủ V-League. Lý giải về nguồn sức mạnh của mình, tiền vệ gốc Bình Định cho rằng, mình sinh ra ở vùng biển, lớn lên cùng sóng gió nên cơ thể khỏe mạnh.

“Ở quê tôi những đứa trẻ rất ít ốm, da đứa nào đứa nấy săn chắc. Có lẽ, ông trời phú cho người dân sức khỏe để đi biển mưu sinh bởi không đi biển thì chẳng biết làm gì khác. Những buổi chạy đá bóng trên cát cũng giúp tôi rèn thể lực rất tốt”, tiền vệ 27 tuổi nói.

Lại nói về nghề chài lưới của gia đình, Triền tiết lộ, ba mẹ anh trước đây chỉ có con thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ nhưng trời thương nên lần nào về cũng đầy ắp cá, tôm. Rồi ba mẹ anh sắm thuyền to, mở rộng quy mô và hiện tại có cả đội thuyền 3 - 4 chiếc. “Ba mẹ giờ không đi biển nữa, chỉ quản lý, còn lại giao cho các chú, anh họ của tôi trực tiếp ra khơi. Cuộc sống nói chung cũng dư giả. Bởi vậy, tôi đi đá bóng lương thưởng chẳng phải gửi về nhà, chỉ dùng cho bản thân và tiết kiệm. Sau vài năm đá cho Sài Gòn FC, tôi đã mua được một căn hộ chung cư trước khi lấy vợ hồi năm ngoái”, tiền vệ đánh chặn hàng đầu V-League nói.

Anh cho biết thêm, sau này khi giải nghệ, anh muốn theo nghiệp bố mẹ: “Tôi sinh ra ở biển, lớn lên nhờ biển nên muốn trở về với biển lúc rời xa trái bóng, ba mẹ tôi chắc sẽ mừng lắm. Rất may vợ tôi là bạn học cùng hồi cấp 2, ở gần nhà nên việc này chắc cô ấy không phản đối”.

Thanh Hà

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tien-ve-cao-van-trien-neu-khong-da-bong-toi-da-di-danh-ca-d476632.html