Tiếng chiêng ngân xa

Không chỉ lo nâng cao đời sống kinh tế, nhiều năm qua người dân tộc Mường ở xã Tiến Xuân (Thạch Thất - Hà Nội) đã chú tâm gìn giữ văn hóa cồng chiêng- biểu trưng của văn hóa và hồn cốt tộc người Mường, góp phần làm tiếng chiêng ngân xa.

Cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tiến Xuân.

Cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tiến Xuân.

Không chỉ lo nâng cao đời sống kinh tế, nhiều năm qua người dân tộc Mường ở xã Tiến Xuân (Thạch Thất - Hà Nội) đã chú tâm gìn giữ văn hóa cồng chiêng- biểu trưng của văn hóa và hồn cốt tộc người Mường, góp phần làm tiếng chiêng ngân xa.

Người gây dựng phong trào

Ðường về xã Tiến Xuân hai bên lúa trổ bông thơm ngát, hoa phù dung đón hè khoe sắc. Ðến ngã ba đầu thôn Ðồng Dâu, chúng tôi hỏi thăm đội cồng chiêng. Người dân hỏi lại: “Ðội cồng chiêng nào, vì ở khu vực có ba đội”. Tôi hỏi đến nhà bà Bùi Thị Bích Thìn. Một người nhanh nhẹn chỉ tay vào chiếc cổng khiêm tốn ở cuối con dốc.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (thôn Ðồng Dâu) dáng nhỏ, nhanh nhẹn, là cá nhân duy nhất ở Tiến Xuân còn giữ được trọn bộ 12 chiếc chiêng và thành thạo cách chơi, thuộc nhiều điệu hát. Bà kể, từ năm 1960, khi mới tám tuổi, bà được nhận làm thuê ở một nhà phú nông trong xã. Ở đó bà được tiếp cận với nghệ thuật chiêng Mường truyền thống. Vì mê tiếng chiêng cho nên bà xin học cách đánh chiêng.

Năm 1973, bà Thìn trúng tuyển vào Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau này đổi tên thành Trường đại học Văn hóa Hà Nội). Với năng khiếu bẩm sinh, lại được đào tạo cơ bản, bà hiểu rõ thêm về giá trị của những bộ chiêng và giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. Sau khi tốt nghiệp, bà Thìn về công tác tại UBND xã Tiến Xuân, gắn bó và cống hiến sức mình cho các hoạt động văn hóa tại địa phương. Bà đã dàn dựng nhiều vở diễn trong xã, hướng dẫn, và truyền dạy cho không ít đội văn nghệ ở các xã bên cạnh. Ðiều đặc biệt là bà có thể vừa sáng tác, đạo diễn và có lúc kiêm luôn cả diễn viên trên sân khấu.

Bà Thìn kể: “Ngày xưa ở đất Mường chúng tôi, gia đình nào cũng có người biết chơi chiêng và nhiều gia đình sở hữu những bộ chiêng cổ. Trong đó gia đình cụ Ðinh Văn Mày giữ được bộ 12 chiếc. Nhưng vì hoàn cảnh đã bán mất hai chiếc. Sau khi biết được điều đó, chúng tôi đã động viên gia đình giữ lại, và tài sản đó của cụ Mày đến nay vẫn được con cháu gìn giữ”. Trân trọng những đóng góp của bà Thìn, bà Nguyễn Thị Mai (người có uy tín trong thôn), thành viên của Ðội cồng chiêng 1 phát biểu: “Bà Thìn là người nhiệt tình, hiểu biết, yêu văn hóa dân tộc. Bà cũng là người giàu tâm huyết gây dựng phong trào, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, gìn giữ bản sắc người Mường”.

 Giao lưu nghệ thuật, dân ca Mường tại Ba Vì (Hà Nội).

Giao lưu nghệ thuật, dân ca Mường tại Ba Vì (Hà Nội).

Tạo thêm sức sống

Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Trong các dịp Tết, lễ hội, lễ đi săn, lễ mừng nhà mới, lễ xuống đồng, tiệc hỷ… không thể thiếu tiếng chiêng trầm bổng. Chị Ðặng Thị Tâm, thành viên Ðội cồng chiêng 1 chia sẻ: “Một bộ cồng chiêng Mường đầy đủ thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: bùng, bính, boong và mỗi người khi chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn. Ðể có âm thanh hay, người chơi phải gõ đúng chính giữa, lúc cầm dùi phải thả lỏng tay, đưa tay nhẹ nhàng nhưng không phải là múa chiêng, nếu không âm thanh sẽ không vang”.

Nhằm phát huy giá trị của cồng chiêng, năm 2009, UBND huyện Thạch Thất đã đầu tư sáu bộ cồng chiêng cho ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để người dân sử dụng với mục đích khôi phục nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Không ai khác, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã được chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Có nhạc cụ, có con người, nhưng cồng chiêng vẫn… trầm. Bà Thìn lại tụ họp một số nghệ nhân, chị em trong xã bàn cách làm sao để nhiều người biết đến cồng chiêng hơn nữa. Với quyết tâm của những người nhiệt tình, yêu văn hóa, đội cồng chiêng ở các thôn đã quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân, chính thức ra mắt tháng 10-2014 trong niềm vui của người dân toàn xã và một số xã bạn. Bà Thìn được đề bạt làm chủ nhiệm. CLB chia làm ba đội ở ba thôn Miễu 1-2, thôn Cố Ðụng 1-2, thôn Ðồng Dâu. Các thành viên trong các đội được trang bị thêm kiến thức, giao lưu, sinh hoạt và tham gia nhiều buổi biểu diễn do UBND xã Tiến Xuân, UBND huyện Thạch Thất tổ chức. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn bảo rằng, nhờ những buổi giao lưu văn nghệ, nhiều người đã hiểu hơn về nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường. Các em nhỏ ở Tiến Xuân cũng được tiếp cận, học tập, trở thành những người kế cận cho CLB. Chị Ðặng Thị Tâm cùng các nghệ nhân, các thành viên CLB mong bản thân luôn giữ được nhiệt huyết, có sức khỏe để truyền dạy, giao lưu, phát huy những giá trị văn hóa. “Với cồng chiêng, người đánh phải biết cách sử dụng về thanh âm, bức âm. Nên chúng tôi luôn cùng nhau giữ tinh thần, cùng học và làm cho cồng chiêng cất tiếng”, chị Tâm chia sẻ.

CLB Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân đã được mời đi biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa tại Hà Nội, đi giao lưu ở Gia Lai, Kon Tum, Bắc Ninh… Người dân đã ý thức, tự giác hơn trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Tuy nhiên, như ông Ðinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân kiến nghị, cần nhiều biện pháp thiết thực, hỗ trợ, tạo sân chơi và cảm hứng để người dân tiếp tục gìn giữ nét đẹp dân tộc Mường.

DIÊN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-ton-giao/tieng-chieng-ngan-xa-647270/