Tiếng chuông cảnh tỉnh

Việt Nam đang tiến hành các hoạt động hưởng ứng 'Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông' được tổ chức trong toàn quốc từ ngày 26-10 đến 15-11-2020. Đây là dịp chúng ta chia sẻ những đau thương, mất mát đối với gia đình các nạn nhân, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT), được ví như 'thảm họa' của đất nước.

Chúng ta lạc quan nhận thấy, sau 10 năm các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt các giải pháp để kéo giảm TNGT, số vụ TNGT đã giảm tới 30%. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định, TNGT hằng năm liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí. Trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 11.653 vụ TNGT, giảm 2.598 số vụ so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vậy, chúng ta không khỏi trăn trở trước những con số thiệt hại, khi số người tử vong do TNGT ở nước ta vẫn ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. 10 tháng qua, TNGT đã cướp đi sinh mạng 5.456 người, làm bị thương hơn 8.600 người.

Đáng lo ngại là TNGT đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, số người tử vong chiếm trên 90% tổng số người chết do TNGT và tình trạng “trẻ hóa” nạn nhân TNGT khi 70% người tử vong do TNGT là thanh niên.

Điều này chỉ ra, ý thức tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bởi 90% số vụ TNGT tại nước ta có nguyên nhân từ vi phạm của người tham gia giao thông.

Hiểm họa tai nạn vẫn đang rình rập người dân khi hằng ngày chúng ta vẫn chứng kiến người điều khiển phương tiện không tuân thủ luật lệ, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, thậm chí uống rượu bia, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông...

Dường như, việc triển khai thực hiện quyết liệt của lực lượng chức năng, cùng khung hình phạt nghiêm khắc của Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 86.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong tổng số hơn 1.835.000 vụ vi phạm an toàn giao thông.

Rõ ràng, kéo giảm TNGT một cách bền vững đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp từ đầu tư hạ tầng giao thông cho đến việc nâng cao quản lý nhà nước, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Nhưng một trong những giải pháp căn bản và lâu dài để kiềm chế TNGT chính là thay đổi nhận thức và hành vi, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay, mật độ giao thông tại các địa phương đều tăng cao, đặc biệt là khu vực thành thị. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, vấn đề nâng cao ý thức người tham gia giao thông đóng vai trò tiên quyết và cần được chú trọng.

Chỉ khi người tham gia giao thông thấm nhuần và nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông thì chúng ta mới kiềm chế được con số nhức nhối: mỗi ngày ở nước ta có 21 người ra đường mà mãi mãi không trở về.

10 năm trước, lần đầu tiên trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đã gọi tên TNGT là “thảm họa”, khi số người tử vong do TNGT ở Việt Nam được đem ra so sánh với số người tử vong do thảm họa sóng thần ở Nhật Bản. Đến nay, con số ấy đã giảm khoảng 30% và hy vọng sẽ tiếp tục được kéo giảm nhiều hơn nữa. Tất cả phục thuộc vào việc thay đổi hành vi và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tieng-chuong-canh-tinh-post434697.html